Tình yêu cuối cùng của nữ văn sĩ Pháp M.Duras: Luật trời ta cũng sửa


Bài trên CAND
Khi họ gặp nhau lần đầu năm 1975, nữ tác giả của tập tiểu thuyết nổi tiếng "Người tình", Marguerite Duras đã 61 tuổi, còn Yann Andréa mới chỉ 22 tuổi. Nàng quá lừng danh, còn chàng chỉ là một người hâm mộ vô danh. Mối tình trớ trêu của họ đã trở thành chủ đề cho cả Paris đàm tiếu nhiều năm liền.

Thế nhưng, hai người đã gắn bó với nhau cho tới tận khi Marguerite Duras qua đời năm 1996. Và hôm nay, trong lòng Yann Andréa vẫn cháy bỏng những cảm xúc nồng nàn dành cho người tình quá cố. Thậm chí, anh còn viết cả một cuốn sách về những tháng ngày hai người ở bên nhau.
 

"Chuyện xảy ra năm 1975 tại Cannes,” Yann Andréa kể, “Khi đó tôi đang theo học khoa triết của trường đại học địa phương, sống chủ yếu chỉ để đọc sách, thi thoảng rỗi rãi mới cùng bạn bè ra quán xá làm mấy ly cho vui hay đi xem phim... Tôi cũng đã phải lòng cô bạn cùng tuổi Christine. Và như mọi người đồng lứa, tôi đã rất say mê các tác phẩm của Marguerite Duras. Thứ văn xuôi thông tuệ của nàng lúc đó rất được ưa chuộng. Báo chí viết về nàng rất nhiều, cả đài phát thanh cũng nói nhiều về nàng. Bộ phim "Hiroshima, tình yêu của tôi" của nàng cực kỳ đông khán giả.

...Mùa hè đáng nhớ đó cực kỳ nực nội. Đám sinh viên chúng tôi nóng lòng chờ đợi ngày công chiếu bộ phim "Bài ca Ấn Độ" dựng theo sách của Marguerite Duras. Chúng tôi kéo nhau vào rạp cả đoàn. Và không hiểu sao hôm ấy tôi lại tình cờ ngồi vào ngay hàng ghế đầu tiên, gần sát màn ảnh. Và ở cách tôi ba mét là nhóm làm phim và... Marguerite Duras! Trời ơi, công chúng đã đón chào nàng nồng nhiệt thế nào! Ngỡ như đó là một ngôi sao nhạc pop! Tôi còn nhớ như in hình ảnh của nàng: nàng mặc áo gilê da mềm màu hạt dẻ của hãng Gucci, đôi giày hiệu Weston bó lấy đôi chân thanh tú, váy kẻ ô mà có lẽ nàng đã mặc liên tục 30 năm liền, điếu thuốc lá trong tay... Nàng nhìn quanh có vẻ thẹn thùng... Người ta hỏi nàng dồn dập, còn nàng mỉm cười lộng lẫy và trả lời mọi câu hỏi một cách chi tiết. Với nỗi rụt rè vô cùng tận, tôi cũng định đặt cho nàng câu hỏi nhưng mới nói được nửa chừng đã tắc tị khiến cho khán phòng bật cười rũ rượi. Thật may là nàng cũng đoán được điều tôi định hỏi và trả lời đúng ý, nhưng lúc đó tôi còn tâm trí nào mà nghe nữa. Một niềm sung sướng trào dâng vô cùng khó tả!".

Sau buổi chiếu phim, cùng những người hâm mộ khác, Yann Andréa cũng mang tới một cuốn sách để xin chữ ký của Marguerite Duras. Bà nhận ra anh ngay và gật đầu chào. Bà ký vào sách. Anh không đừng được, hỏi: "Liệu tôi có thể viết thư cho bà được không?". Bà gật đầu, tại sao lại không nhỉ! Rồi bà ghi vào sách địa chỉ ở Paris của mình...

Và thế là Yann Andréa bắt đầu viết thư cho Marguerite Duras. Viết về đủ mọi thứ. Đó là những lá thư điển hình của một người hâm mộ gửi tới thần tượng văn học của mình. Thoạt đầu là lời thổ lộ: “Sách của bà đã làm thay đổi góc nhìn cuộc sống của tôi...". Rồi dần dà, anh kể về gia đình mình, việc học tập, bạn bè, những cảm xúc và suy tư về cuộc sống... Rồi sau đó, bạo dạn dần lên, anh gửi tới bà những trích đoạn văn xuôi mà anh sáng tác mặc dù anh nghĩ rằng có lẽ bà đã không buồn mở phong bì của anh ra xem. Một phụ nữ lừng lẫy như thế thì còn thời gian đâu mà để ý tới một thanh niên tỉnh lẻ như anh!
 

Thế mà cuối cùng, anh cũng nhận được thư phúc đáp. Marguerite Duras gửi tới cho Yann Andréa cuốn tiểu thuyết mới "Aurélia Steiner" với lá thư ngắn: "Tôi hoàn toàn không biết gì về anh nhưng không hiểu sao khi sáng tác tập sách này, tôi lại luôn nghĩ về anh. Tôi đọc mọi lá thư của anh, cất chúng vào trong hộp kín. Còn về văn của anh, có một số đoạn cũng hay lắm đấy". Ngay ngày hôm sau, anh lại nhận được lá thư thứ hai của bà: "Tôi ốm quá. Tôi vừa ra viện và đang rất tuyệt vọng. Lâu lắm rồi tôi mới lại cảm thấy cô độc như vậy...".

Yann Andréa lập tức tìm mọi cách để biết số điện thoại của bà và gọi. Bà không để cho anh nói gì cả và bảo: "Hãy đến ngay với tôi, tôi đang ở Trouville, chỉ cách chỗ anh có hơn 20 phút đi tàu hoả thôi. Chúng ta hãy cùng nhau làm một ly rượu...".

Và ngày 29/7/1980, Yann Andréa đã đi ôtô tuyến (vì anh không có đủ tiền để mua vé tàu hoả) tới nhà ga trung tâm Trouville. Hôm đó thời tiết rất đẹp. Và anh đi bộ để tìm tới kho "Những tảng đá đen", nơi những người giàu có đua nhau xây nhà nghỉ hè. Anh định là gặp bà rồi thì sẽ rời Trouville hoặc cùng lắm sau đêm nghỉ lại ở một khách sạn xoàng xĩnh nào đấy. Vì thế, hành lý mà Yann Andréa mang theo người hôm đó chỉ là một cái bàn chải đánh răng, vài tờ báo để có cái đọc lúc đi xe. Gọi điện thoại cho Marguerite Duras từ ngoài phố để báo trước về chuyến viếng thăm của mình, anh nghe thấy bà nói: "Bây giờ tôi chưa thể tiếp anh được. Tôi đang bận viết. Anh hãy gọi lại sau hai tiếng nữa!". Mãi tới sáu giờ chiều bà mới xong việc; "Bây giờ anh có thể tới được rồi. Nhưng phải mua cho tôi một chai rượu vang trên phố Bannes nhé. Tại đó bán rượu vang ngon nhất ở đây". Oái oăm thay, anh làm gì có đủ tiền để mua loại rượu vang ngon. Thế là anh rẽ ngay vào một cửa hiệu tầm tầm mua một chai Bordeaux rẻ nhất.

Marguerite Duras đón anh với nụ cười rạng rỡ. Họ mở rượu. Đó là thứ rượu vang thực tồi tệ. Thế mà bà hình như không hề cảm thấy điều đó. Bà nói, mặc dù bây giờ là mùa hè nhưng khách sạn bà đang trọ vắng khách lắm. Chẳng bù cho thời trước, đích thân Marcel Proust đã tá túc ở đây cùng bà nội của mình... Họ trò chuyện với nhau đầy hứng khởi, nói hoài không chán. Tới gần nửa đêm, bà ngỏ ý muốn đưa anh đi dạo phố trên cỗ xe Peugeot-104 của bà. Kéo cửa xe xuống, một tay cầm vô lăng, bà vừa lái xe vừa vui vẻ hát ca khúc "Đời màu hồng" nổi tiếng với giọng ca Edith Piaf. Anh thì cố hòa theo giọng bà. Sau một tiếng lãng du trong đêm, bất ngờ bà bảo: "Anh có thể ở lại chỗ tôi, ngủ trong phòng con trai tôi ấy, cậu ấy hiện không có ở đây". Và thế là anh ở lại cùng bà. Không chỉ một đêm mà cả 16 năm sau đấy!



Tình yêu có những nguyên tắc kỳ quái của nó. Trước cái đêm đáng nhớ ấy ở Trouville, Yann Andréa hầu như không biết tí gì về đời tư của bà. Nhưng khi cảm thấy bà không thể thiếu được anh, bỗng nhiên trong anh sống dậy điều gì đó như lòng trắc ẩn. Và anh đã sống cùng bà để đánh máy cho bà những dòng văn bà nghĩ ra. Hai người luôn gọi nhau một cách lịch sự là "anh với tôi", "tôi với bà" (moi et vous)!

Marguerite Duras là một phụ nữ thực sự có sức hấp dẫn tới ma mị và hành vi lắm khi bất thường, tới độ đồng bóng. Sống với bà không dễ dàng dịu ngọt: vì bà mà Yann Andréa đã mấy lần hút chết, nhưng anh đều tha thứ cho bà hết vì anh hiểu rằng, chính bà cũng phải sống một cuộc đời không dễ dàng gì. Lắm khi những cay đắng với đời khiến bà trở nên độc địa. Đã có lần bà cay đắng nói với Yann Andréa: "Tôi là một người mang trái tim đầy những vết đạn thời gian!".

Càng biết thêm về quá khứ của bà, Yann Andréa càng cảm thấy thương bà hơn. Chồng Marguerite Duras trong Chiến tranh thế giới thứ hai từng bị đưa vào trại tập trung. Để cứu chồng, bà đã phải giăng mắc lưới tình đầy bất trắc với một sĩ quan Gestapo - còn gì chua chát hơn thế! Tới tuổi lục thập, bà dường như đã đánh mất lòng tin vào mọi sự hay ho trên đời và càng không tin rằng còn có tình yêu tồn tại trên cõi thế! Mặc dù rất cần có Yann Andréa ở cạnh, lắm lúc bà lại như lên cơn ngộ tính và dằn dỗi hỏi: "Yann, vous ở đây làm gì nhỉ? Vì yêu tôi ư? Thực khả nghi! Làm sao một người như anh có thể yêu một người phụ nữ ở tuổi tôi! Anh muốn lỡm bà già lắm tiền nhiều của này hả? Đừng hòng nhé, tôi sẽ không để lại cho anh một xu nào đâu!". Quá thương bà, anh không muốn biện minh cho mình một câu nào cả. Anh biết, bỏ bà thì dễ, nhưng không có anh, bà sẽ làm gì những tháng ngày tăm tối cuối cùng của cuộc đời mình?!

Trước khi mất không lâu, Marguerite Duras đã nói với anh: "Yann, chuyện gì sẽ xảy ra với anh khi tôi không còn nữa? Anh sẽ phải đau khổ lắm!... Tôi sợ cho anh quá. Chúng ta có lẽ phải cùng chết với nhau!". Có lần, bà đã chĩa súng lục vào anh. "Sao vậy? Bà muốn bắn thực ư?" - anh hỏi. "Đúng, chúng ta sẽ chết cùng nhau!". "Nhưng ai sẽ bắn trước?". "Sao lại ai, tất nhiên là tôi rồi...". "Thế sau đó bà tự bắn vào mình ư?". "Tôi không rõ, tôi còn nghĩ đã..." - Marguerite Duras đỏng đảnh đáp.

http://photo.goodreads.com/books/1183679945l/1445566.jpg



Cứ thế họ sống với nhau, phút thăng hoa xen kẽ với giờ căng thẳng. Chỉ tới sau khi Marguerite Duras qua đời, Yann Andréa mới sực tỉnh và hiểu ra rằng, với độ chênh lệch tuổi tác như thế, bà hoàn toàn có thể là bà nội của anh. Nhưng từ khi gặp bà lần đầu cho tới lúc bà mất, anh dường như bị cuốn vào một từ trường quỷ quái nào đó của tình yêu và không hề nhận thấy mình đang tự biến mình làm trò cười cho thiên hạ. Với anh lúc đó, tất cả ý nghĩa của kiếp nhân sinh là sống để làm bà vui mà sáng tạo... Đã hàng trăm lần anh định bỏ trốn khỏi bà nhưng rồi lần nào cũng quay trở lại. Anh sợ bà không có anh thì bà không sống được! Phút lâm chung, Marguerite Duras đã nói với Yann Andréa: "Toi hãy tha lỗi cho Moi!". Đó là lần duy nhất bà dùng từ "Toi" và "Moi". Có lẽ lúc ấy bà đã nói thật lòng mình, vì trong những phút như thế, không ai nói dối lòng mình cả.

Sau khi Marguerite Duras mất, Yann Andréa trở nên nát rượu một thời gian nhưng rồi những hồi ức về 16 năm chung sống với nữ văn sĩ đầy cá tính này đã đánh thức trong anh khát khao sáng tạo. Cuốn sách mà anh viết về tình yêu của họ đã được thể hiện đầy cảm xúc và với một nghệ thuật cao, tới mức các nhà phê bình văn học cho rằng, dường như hồn bà đã nhập vào anh để làm sống dậy những ký ức của họ. Để hạnh phúc cho nhau, họ đã định sửa cả luật trời và dù không mấy thành công trong những cố gắng tuyệt vọng ấy, họ vẫn không phải là người bại trận trước số phận nghiệt ngã. Bởi lẽ, cuối cùng họ vẫn còn những trang văn có thể làm đồng loại nao lòng và đủ sức tin vào những điều kỳ diệu của tình yêu

Huyền Anh

Đọc thêm
"Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em"

Nhận xét