Linh thiêng ơi, giúp bạn anh nhé!





Một buổi chiều mưa gió anh đến nhà tôi. Mẹ ra mở cửa, thấy anh đã say khướt. Anh níu cứng lấy tay áo mẹ và khóc. Mẹ bối rối dỗ dành. Anh càng khóc lớn: “Ngọ ơi!” - anh rống lên gọi tên anh trai tôi. Tôi bối rối dìu anh vào nhà. Anh nằm vật ra ghế như người sắp chết, tiếng khóc của anh ấm ức, đùng đục, tiếng khóc của người đàn ông đã bước vào bóng xế đời người. Mẹ ngồi bên, vuốt tóc anh dỗ dành. Dường như mẹ thấy trong hình hài tiều tuỵ của anh hình bóng đứa con trai thân thương của mình, mẹ khóc. Anh cứ nằm khóc như thế rất lâu, cho đến khi có một người bạn tìm tới. Anh chỉ chịu nín khi người bạn quát: “Mày định làm mẹ khổ thêm thế nào nữa!”. Bạn cõng anh đi trong con ngõ bẩn thỉu, ngập nước sau cơn mưa chiều. Hình ảnh anh thõng thượt, oặt ẹo vô hồn trên lưng đồng đội cũ cứ ám ảnh tôi mãi.

Anh Hồi. Tôi biết anh khi tôi còn là đứa bé chín tuổi. Anh là bạn cùng quân ngũ với anh trai tôi. Ngày ấy tôi lẽo đẽo theo chị gái đáp tầu điện vào Ngã Tư Sở để mẹ anh dẫn lên Hoà Bình thăm các anh. Tôi yêu các anh bộ đội lắm. Đến tận bây giờ tôi vẫn thích thú dõi theo khi bắt gặp trên phố bóng những cậu lính trẻ, mầu xanh quân phục lạc lõng giữa nhấp nhô tóc xanh, tóc đỏ đang lạng lách trên những chiếc xe rú ga ầm ầm. Như ngày nào, tôi vẫn thương những người lính trẻ, như thương tuổi trẻ vừa mới bắt đầu của anh, một tuổi trẻ trùng điệp náu trong mầu xanh cây rừng… Khác hẳn gia đình tôi, nhà anh Hồi từ ngày xưa đã thuộc hàng giầu có ở Hà Nội, nổi tiếng với thương hiệu thuốc đông y gia truyền. Anh trai tôi hình như thân anh lắm, thư nào viết cũng nhắc đến anh. Thậm chí phòng xa trường hợp thư từ thời chiến thất lạc, anh trai tôi dặn nếu lâu ngày vắng thư hãy cứ coi thư bạn gửi về là thư chung.

...Mấy chục năm đã qua. Anh trai tôi nằm lại trong cuộc chiến ấy, trẻ mãi tuổi 18, các bạn anh giờ đã lên ông nội, ông ngoại. Những khi có dịp, chúng tôi lại ngồi bên nhau, ngược dòng thời gian lần mở lại những kỉ niệm một thời. Với thời gian đi qua, kí ức chiến tranh không những không phai nhoà, mà càng trở nên rõ nét hơn, gai góc hơn, khốc liệt hơn. Bạn thuở đầu xanh, bạn ngày chia nhau sự sống đâu dễ quên.

Có lần, trong một dịp như thế anh Hồi hỏi chúng tôi về tập nhật kí của anh trai tôi. Thực sự gia đình tôi chưa bao giờ có trong tay hoặc nghe nói về nhật kí của anh mình. Di vật người ta trao lại khi anh hy sinh, không có gì ngoài một mảnh giấy với dòng chữ “Quân tư trang thất lạc trong chiến tranh”. Chúng tôi đưa anh những bức thư gia đình còn giữ đựợc. Tuy mơ hồ, nhưng đúng là tôi thấy anh thất vọng, hụt hẫng. Ánh mắt anh hoang hoải, đờ đẫn. Hình như anh chờ đợi một cái gì đó đặc biệt hơn, bất ngờ hơn.

Thông thường hàng năm, vào ngày giỗ anh trai tôi, các anh quây quần đông đủ. Riêng anh Hồi lần đến, lần không. Có đến anh cũng thường đến sau, đi riêng. Tôi có cảm giác anh xa lánh khỏi những người bạn của mình. Có thể không hẳn vậy, nhưng giữa họ có một cái gì đó gờn gợn, khó nói, tôi không biết gọi tên nó là gì, đôi lúc trong câu chuyện của các anh thoáng những khoảng lặng ngập ngùng, thoáng những vết mờ ngăn cách. Mơ hồ, nhưng không thể không thấy. Không biết đã xảy ra chuyện gì trong quá khứ?

Liệu có phải chuyện anh đã phản bội bạn mình khi bỏ ngũ? Tự dưng trong tôi xuất hiện câu hỏi ấy. Rồi tôi lại tự nhủ: Chuyện ấy đâu chắc đã có thật. Mà nếu có thật đi chăng nữa, bao nhiêu năm qua rồi, cuộc chiến giờ nhìn lại từ nhiều góc độ cũng không giống ngày xưa. Sai lầm ấy có thể hiểu được. Ngày ấy Quảng Trị khốc liệt là vậy. Một cái cối xay thịt, thịt người. Dễ hiểu thôi nếu ai trong các cậu con trai mười tám các anh hoang mang, sợ hãi bỏ chạy. Tôi đã từng đọc những dòng hồi kí của các sĩ quan chỉ huy, nhắc chuyện này các vị cũng không lên gân, không oán trách các chú lính trẻ. Có phải anh khóc vì lí do đó không.

Không biết và cũng không dám hỏi, hồ nghi và tò mò, tôi tự bảo cứ để thời gian khoả lấp đi những gì đã xảy ra trong quá khứ, nếu có thể. Nhưng mỗi khi thấy anh Hồi khóc, rấm rứt, rên rỉ tôi bứt rứt không yên. Một cảm xúc rất khó diễn đạt. Thương xót, bối rối, bất lực, day dứt. Cảm giác đó không để tôi yên. Tôi muốn biết tại sao anh hay khóc, và khóc nhiều đến vậy.

Dạo này không thấy vợ anh cùng tới đám giỗ. Trước kia nếu bận không tới được, trước một hôm chị mang hoa đến thắp hương. Thường là bó sen trắng, những bông sen đẹp nhất lấy từ sạp hoa của chị. Lặng lẽ, kính cẩn sửa lại những bông sen trên ban thờ, chị đứng thầm thì nói gì đó với anh tôi. Rồi chị bảo anh Hồi dặn bạn sống chu tất một, với bạn đã khuất phải chu tất mười. Mà Ngọ (tên anh trai tôi) là bạn thân nhất của chồng chị ngày ấy. Xúc động nghe chị nói, tôi hiểu chỉ những ai sống nghĩa tình mới nhớ đến nhau bằng tình cảm sâu sắc đến vậy. Và có lẽ thế, một lần khác, tôi đã boàng hoàng khi nghe những lời em trai anh Hồi nói về anh mình. Sau khi dành cho anh tôi những lời kính trọng (người ấy chắc biết về anh trai tôi qua lời kể của anh Hồi), một câu than khủng khiếp buông trong tiếng thở dài não nề. Tôi không dám nhắc lại ở đây. Nghe mà lòng đau nhói. Không biết anh đã để chuyện gì xảy ra?

Cũng lại một ngày giỗ, anh đến muộn hơn mọi người, hình như đã say ở đâu đó rồi. Giọng anh đã nhìu nhịu. Các bạn cố lái câu chuyện sang hướng khác để lấp liếm những câu không đầu không cuối của anh. Rồi câu chuyện lại quay về những kỉ niệm thời chiến, về cái chết và sự sống. “Đôi khi sự sống còn đau đớn hơn cái chết” – ai đó nói. Bỗng nhiên tôi thấy anh đổ gập như một cây chuối bị chặt. Anh khóc rống lên. “Ngọ ơi! Giá tao chết như mày”. Mấy anh em tôi boàng hòang, lo lắng. Không khí như đông đặc lại, chẳng còn gì để thở. Làm sao rút lại lời đã nói, một lời vô tình làm tổn thương người khác đến mức này. Yên lặng, không biết nói gì, làm gì. Anh Hồi vẫn khóc tức tưởi. Anh em tôi ái ngại nhìn các bạn anh cầu cứu. Các anh thay nhau dỗ, hết ngọt, rồi sẵng, cuối cùng, như một đứa trẻ đã khóc no nê, anh cũng nín.

Và đó là lần chúng tôi biết vì sao anh hay khóc. Lúc ra về, gạt bỏ những nghi ngại cuối cùng, các bạn anh cho chúng tôi biết lí do: Anh nghiện. Các bạn buồn trách anh đã không vượt qua lỗi lầm tuổi
trẻ, giờ đến tuổi lên ông nội, ông ngoại vẫn sai. Tôi không hỏi chuyện đó từ bao giờ, chỉ chợt nhớ đến hình ảnh vợ anh lặng lẽ đứng trước bàn thờ anh trai tôi, chị khấn cầu điều gì, tôi không rõ, dáng chị lặng lẽ, buồn và cam chịu. Tôi chợt hiểu.

Hôm nay ngày giỗ anh. Linh thiêng anh ơi! xin giúp bạn. Giúp bạn đi qua gian nan cõi đời này, anh nhé!

Rat_Hue71 at 07/23/2012 09:59 pm comment
Chỉ cần 1 câu kết thôi " ... Linh thiêng ơi! Xin giúp bạn.Giúp bạn đi qua gian nan cõi đời này, anh nhé! " , cũng đủ thấy cái tâm của người viết.
Rat_Hue71 at 07/24/2012 09:13 pm reply
RH thông cảm và xin được chia sẻ với người bạn của anh trai anh. Thật ra trong chiến tranh người còn sống được trở về là đã may mắn lắm rồi, vì thế cần phải có bản lĩnh mới có thể sống được. Anh cứ cầu nguyện chân thành, hy vọng anh ấy sẽ được cứu giúp.
Trần Thành Nhân at 07/23/2012 11:40 pm reply
Trở về từ cuộc chiến, có những người lính bị xô ngã như thế. Cuộc đời cho họ chưa đủ gian nan, chưa đủ nỗi đau sao!
THOMOC at 06/05/2012 12:18 pm comment
Mình củng hay nhậu lắm -nhưng hay rủ mấy đứa bạn nhỏ tuổi đến nhậu ở nhà thôi! Ra quán thấy bộ dạng cũa mình khi say chán lắm -Cộng thêm ở nhà tiện lắm [mặc mổi quần đùi ,tự đàn hát ....làm những gì mình thích nói chung mà chẵng sợ ai "đánh giá" cả
Trần Thành Nhân at 06/05/2012 12:29 pm reply
Vậy mình "bê tha" hơn bạn tưởng rồi.[img]21[/img]
THOMOC at 06/05/2012 11:55 am comment
Hai người có tính cách giống nhau thường khó mà làm bạn với nhau lắm! tạo hoá sắp đặt như thế để cho con người học hỏi lẩn nhau phãi không nhỉ?
Trần Thành Nhân at 06/05/2012 12:03 pm reply
Hay! Sở dĩ hôm nay mới trả lời comment của bạn vì tối qua nhậu xỉn ngoài đường. Thực sự mình rất vui được quen bạn, Thợ Mộc ạ.
THOMOC at 06/04/2012 07:05 pm comment
Ai nên khôn chẵng dại đôi lần nhỉ? và nhiều lúc tính tôi lại thích thế, tôi thích đảo lộn một chút rồi lại trở về cân bằng...còn Nhân thì thế nào nhỉ?
Trần Thành Nhân at 06/05/2012 10:04 am reply
Cái dại ấy to cỡ nào? Cả lớn cả nhỏ chắc phải hơn đôi lần. Quan trọng là có đủ sáng suốt để thoát ra khỏi cái dại ấy không... Về câu hỏi của bạn: mình nhận thấy những người có tính cách nghệ sĩ thường có khuynh hướng phá bỏ những cái cũ, xếp đặt lại chúng trong trật tự mới. Mình thế nào ư? Tự nhận là khá hiền lành. Mình nghĩ bạn có thể nhận ra tính cách của mình qua những dòng tản mạn trên blog này.

Nhận xét