Truyện ngắn : Blogger

Truyện ngắn của Thụy Anh - 8x lớn lên ở Nga.

Tắt máy đi, Phúc! Suốt ngày bờ lốc với bờ liếc, chưa đến tuổi đâu, con ạ...

Phúc nhăn nhó đóng bớt các cửa sổ trên máy tính lại, lầu bầu: “Con lớn rồi, bao giờ thì đến tuổi nữa!”. Ý mẹ đến tuổi là tuổi làm một điều gì khác cơ, chứ không như ý nó. Nhưng nó cũng chẳng kịp nghĩ cho thấu. Dường như không nghe thấy mẹ nữa, “a” lên một tiếng, Phúc lại chúi mũi vào màn hình. Trên đó có những cái nick đang sáng đèn hân hoan gọi.

Phúc 14 tuổi. Nó sinh ra ở Nga, hai năm một lần được về thăm ông bà ở Hà Nội, còn thì cuộc sống của nó quanh năm suốt tháng diễn ra ở đây, trong cái bloc hai phòng của ốp Lưu trữ, một phòng cho bố mẹ, một phòng cho nó. Phòng nó được dán abôi (1) có chú gấu xanh, bố mẹ sửa sang từ hồi nó chưa ra đời, mẹ bảo thế.

Nối giữa hai phòng là một góc hành lang hẹp, có để chiếc bếp điện nhỏ trên cái bàn gỗ, một bên tường là tủ lạnh, cái tủ lạnh Saratov cũ, cứ đêm là kêu rùng rùng. Đó là khu vực bếp. Bồn rửa bát và rửa mặt chung, ở trong nhà tắm. Khách đến cứ phải len lỏi qua khu bếp ấy rồi mới vào nhà. Bố mẹ Phúc ở Nga từ đời nào, nó cũng chẳng biết nữa, nhưng biết chắc rằng bố mẹ đều buôn bán ở chợ.

Nhớ hồi học lớp 3, có đoàn giáo viên trắc nghiệm tâm lý đến trường hỏi han học sinh, người ta hỏi nghề nghiệp của bố mẹ, nó ngây thơ trả lời: “Bố mẹ bán áo len”. Cô giáo chủ nhiệm bảo bố là nghiên cứu sinh, mẹ nội trợ chứ! Đấy là trong lý lịch bố khai cho nó như thế. Nó cãi: “Em biết bố mẹ bán áo len mà! Chủ nhật nào cũng đi chợ Sân vận động lấy hai bịch rất to toàn áo là áo mà! Mẹ em còn phải khâu lại những cái bị bờrắc (2) nữa”. Cô giáo kể lại cho bố hôm họp phụ huynh, về nhà bố kêu “xấu hổ” mãi!

Nó không hiểu vì sao bố xấu hổ. Nó thì không, vì bà nhianhia (3) trông nó từ bé thường bảo nghề nào cũng quý như nhau, người bán hàng, người nông dân, cô giáo hay người lao công, quét rác...

Mẹ Phúc bảo bố nói thế vì sợ con xấu hổ với bạn bè, bố mẹ làm nghề này cũng là tạm thời thôi, còn bố là nhà khoa học đấy. Lớn lên một chút thì Phúc biết bố nó từng là nghiên cứu sinh Trường Lưu trữ. Nó không thấy có gì khác cả vì bọn bạn cùng lớp cũng chẳng đứa nào quan tâm đến nghề nghiệp của bố mẹ nó. Phúc học giỏi, gần như toàn điểm 5 nên bọn chúng nể lắm. Đó cũng là nhờ bà nhianhia. Bà học cùng Phúc từ khi nó đi học lớp 1, bảo ban đủ điều.

Quá trưa đón nó về, bà nấu xúp cho nó ăn rồi bày cho nó chơi cờ nhảy. Đôi khi bà giở quần áo ra là, còn nó nằm vạ vật trên đivăng, thích thú lắng nghe bà kể lể đủ thứ chuyện. Người đàn bà đồ sộ và ấm áp ấy thân thuộc với nó biết bao!

Bà luôn ngay lập tức hiểu nó muốn gì, nhưng luôn kiên nhẫn lắng nghe, rồi nhắc lại câu nó muốn nói bằng thứ tiếng Nga chính xác. “Đúng đúng, cháu muốn thế!” - nó reo lên, tràn ngập biết ơn. “Tanhia, Tanhia!” - nó gọi cái tên ấy bất kể lúc nào thấy khó khăn. Một bài toán khó, một bài văn cần soạn, một bài sử cần học thuộc...

Bà rất thích đọc thơ. Những buổi chiều mùa đông, trời tối sập xuống rất nhanh, bố mẹ vẫn đi đâu đó chưa về, hai bà cháu ở nhà, nó ngả ngớn trên cái gối to, lắng nghe bà đọc thơ. Bà to béo, đã có tuổi rồi mà giọng vẫn trong. Nó nghe như tiếng thánh thót của những giọt tuyết đầu xuân tan rơi xuống từ mái nhà...

- Phedia, con nghe này... (Tên tiếng Nga của Phúc là Phedia)...

Ngoài trời đầy gió bão
Tuyết lốc quay mịt mờ
Khi gầm như mãnh thú
Khi gào như trẻ thơ
Hỡi bạn lòng tri kỷ
Những ngày thơ cơ hàn... (4)

Phúc mơ màng nghe thấy tiếng gió rít nỉ non trên những ngọn thông đằng xa. Những đêm bão tuyết, Phúc rúc trong chăn, tưởng tượng ra những câu chuyện hoang đường, những hoàng tử, công chúa tuyết. Sớm ra, các cành cây đều dát bạc. Hơi giá của buổi sớm mùa đông trong lành không thể tưởng. Và Phúc cũng không thể tưởng tượng ra nó là người của một miền nóng nực, có lúc nóng đến 40 độ!

Ấy là lần về phép đầu tiên của Phúc hồi năm tuổi. Tháng sáu, đúng ngày Hạ chí, trời nóng như nung. Chỉ rời ôtô máy lạnh leo bộ lên tầng năm nhà bà thôi mà má Phúc đỏ lừ vì nóng, áo quần dính hết vào người. Hình như ở nơi này không bao giờ có gió, à, đôi khi có, nhưng là gió nóng.

Thế nhưng cái nơi xa lắc và nóng nực ấy có những người yêu thương nó, chiều chuộng nó vô cùng, mặc dù họ không hiểu nó. Cả ông bà nội lẫn bà ngoại đã cười ầm lên khi nó hỏi: “Cái gì hát ngoài kia?”. (Lúc ấy có chị đồng nát đi qua, cất tiếng rao ngân nga!). Mọi người càng cười tợn mỗi lần Phúc thay vì “vâng ạ” lại nói “đúng rồi” bằng cái giọng ngây thơ non nớt của mình. Phúc năm tuổi rồi à? - Đúng rồi. Phúc ăn cơm nhanh nhỉ, tự xúc ăn rất gọn gàng! - Đúng rồi!... Thấy mọi người cười, nó giận, ở lì trong phòng không ra. Hễ nó nói gì, ai cũng bảo: “Mẹ nó đâu, phiên dịch đi nào!”. Không ai im lặng lắng nghe. Ai cũng muốn sửa cho nó một điều gì đó. “Phúc, không được nói như thế, thế là hỗn! Con phải nói bà ngoại, chứ không phải bà Thư. Gọi cả tên bà ra thế là không được!”. Tất cả bọn trẻ con khác đều được quyền gọi bà là bà Thư, riêng nó thì không. Một lần khác, nó thấy bên đường có một bà đứng mắng một ai đó, bà nói to ghê gớm, dùng những từ đáng sợ và nó thấy là khủng khiếp lắm. Mẹ bảo bà ấy đang rủa một người nào đó. Rủa là gì thì nó không biết chắc, chỉ thấy bà ấy bảo ai đó chết đi, ra đường xe cán, ở nhà thì vữa rơi bẹp đầu, nó rùng cả mình. Cất công băng qua đường chỉ để ngước mắt lên nhìn bà ấy một hồi, rồi hỏi: “Bà ơi, sao bà ác thế?”. Những chuyện ngây ngô như thế của Phúc nó thấy cần phải giấu đi, chẳng hay ho gì, thế mà khi hết phép quay lại Nga, mẹ nó kể đi kể lại mãi...

Nó còn không thích nữa là mẹ kể xong lại cười: “Cái thằng này mất gốc, thành Tây con rồi!”. Nó biết nó không phải là Tây con, mặc dù Phúc thích sử Nga, mê Kutuzov, vị tướng thống lĩnh vạn quân đánh bại Napoleon. Hôm nghe nó đọc bài ở nhà, bố bảo:

- Nước mình có tướng Giáp cũng chẳng thua gì Kutuzov cả. Chiến thắng Điện Biên Phủ ấy.

Mắt Phúc sáng lên. Nó xoắn xuýt hỏi bố rõ kỹ về chiến thắng ấy. Bố bận ra chợ, trả lời qua quýt cho xong. Bà nội gọi điện sang hỏi thích quà gì, nó bảo bà gửi sách về tướng Giáp. Nhưng bà không gửi cho Phúc sác
h về tướng Giáp mà gửi bánh cốm, bánh gai và mấy bộ quần áo dệt kim Đông Xuân.

Bố thấy Phúc thích biết về tướng Giáp, mới đi thuê cô Hòa dạy tiếng Việt và đọc sử Việt Nam cùng nó.

Bây giờ thì Phúc đã ra dáng một chàng thanh niên lắm rồi. Ria mép đã mờ mờ xanh. Ra đường mất hơn nửa tiếng chọn quần chọn áo, tóc vuốt keo bóng dựng đứng cả lên.

Có hôm còn đua đòi xịt màu xanh màu bạc lên tóc. Nhưng rồi mẹ càu nhàu, bố thì cấm nên nó đành ngậm ngùi gội sạch đi. Bọn con gái cùng lớp đã hay gọi điện về nhà tìm nó nhưng nó chỉ “đa, đa” (5) vài câu lấy lệ. Phúc không có thời gian baltat (6). Nó bận. Từ hôm về phép, anh Nhật Minh, anh họ nó, dạy cho cách làm blog yahoo 360, nó hào hứng lắm. Entry đầu tiên nó viết về Kutuzov, về những trận đánh lịch sử, về mùa đông nước Nga dài dằng dặc đã làm quân đội Napoleon phải hãi sợ mà chùn bước...

Blog là nơi duy nhất nó phải viết tiếng Việt, nhưng mà nó lại thấy thích chứ không vất vả khổ sở như hồi trước mỗi khi cô Hòa ra đề bài tập làm văn cho nó ngồi gặm bút cả chiều. VTV4 chiếu phim tài liệu về Điện Biên Phủ, về bác Giáp, nó đặt giờ ở đồng hồ báo thức mà đón xem. Chả bù cho ngày trước, bố phải sắm cả roi để ép nó ngồi xem “Vườn cổ tích”, ngo ngoe định chuồn là bị lừ mắt. Trên ấy người ta nói cái gì mà nói nhanh quá, trẻ con thì cứ nhao nhao, nó nghe không ra chuyện gì, thấy chán ồm.

Bây giờ cô Hòa đã thôi dạy Phúc, cô bận lấy chồng và sinh con. Mẹ tặc lưỡi bảo thôi biết đọc biết viết, học văn vẻ sử siếc bấy lâu cũng hòm hòm rồi, giờ tự học là chính. Thì đây, nó tự học đây! Viết cái entry nào cũng có bạn trong friend list vào comment, anh Nhật Minh cũng hay vào à ơi dăm ba câu với nó, nó đâm ra nghiện. Ngày nào không được vào mạng là bứt rứt không yên. Mà nó cũng học được khối thứ đấy. Ví dụ, nó đánh: “Ra đình mình sống ở Matxcơva”, thì ngay lập tức thằng có nick Phụng vũ cửu thiên chê: “Sai chính tả rồi ông ơi, gia đình, nhé!”.

Nó học được cả cách gọi nhau là ông, tôi với bọn con trai hay bà, tôi với bọn con gái. Thế mới sành điệu! Ra đường nó ngẩng cao đầu đạp trên đám băng bóng loáng bên hè mà không sợ trượt ngã. Nó thấy nó tự tin và đã hoàn toàn là người lớn rồi. Nó thấy nó có cả một thế giới khác mà bọn bạn Nga cùng lớp không biết. Đó là bí mật của nó. Bí mật rộn ràng trong tim, kể cả lúc nó đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Cái thế giới ấy gần lắm, chỉ cần ngồi vào máy, đánh mật khẩu là nó đã về được ngay.

Nhưng Phúc học mãi không vào lịch sử Việt Nam, chỉ rành sử Nga. Những bài viết ngắn ngủi trong sách giáo khoa không hiểu sao vẫn cứ chui ra khỏi đầu. Nó đành chỉ kể mãi về nước Nga, các đời Nga hoàng, tỉ mẩn post ảnh chân dung các vị ấy. Hội “ở nhà” để ý blog của Phúc.

Bọn chúng thích những câu chuyện kỳ lạ về những đoàn quân quần nhau trên cánh đồng đẫm máu, về ông vua hung bạo tự tay giết con trai mình, về bác nông dân lừa toán giặc vào vùng đầm lầy Nga không lối thoát... Friends của Phúc toàn bọn cùng tuổi, add mỏi cả tay. Lượt Page view cứ gọi là tăng vùn vụt. “Chú sắp thành hot blogger rồi còn gì”. Anh Nhật Minh nói thế. Phúc thấy sướng lâng lâng.

Chỉ có mẹ là bực mình. Mẹ sợ nó học sút đi vì mất thời gian vào blog quá. Nhưng mẹ không thấy là bù lại nó không đi nhong ngoài đường như trước. Các bà mẹ nói chung thường không bao giờ hài lòng, luôn luôn tìm ra được lý do để ca cẩm. Trước, nó hay lang thang ở chợ Metro hoặc ra chợ Chim (7). Có hôm nó vác về một con rắn và một con ếch bé tẹo bằng hai đốt ngón tay, nuôi trong hai cái lọ. Đêm, con rắn xổng ra ngoài đi khám phá căn hộ, con ếch thì cất tiếng... gáy, báo hại Phúc bị mắng một trận nên thân. Giờ nó không cần rắn và ếch làm bạn nữa. Nó đã có thế giới blog!

Tối nay là ngày quan trọng của thế giới blog của Phúc. Nó hẹn hội bạn chat chit, hí hoáy suốt từ trước bữa tối. Mùi hành tây xào thịt bò từ bếp bay ra thơm phức cũng không gọi được nó rời máy tính. Mẹ gọi, rồi kêu ca, rồi quát. Nó cũng bỏ ngoài tai. Đôi tai vốn đã vểnh của nó lúc ấy càng vểnh lên tợn, vểnh lên mà chẳng nghe thấy gì.

Bố về, mẹ mách một tràng, toàn những câu nó chỉ hiểu láng máng, nào là sáng tai họ điếc tai cày, nào là thân lừa ưa nặng... Bố Phúc nóng tính, không kịp cả tháo giày, phăm phăm vào bấm nút tắt, tắt phụt máy tính của nó. Lúc này Phúc mới như choàng tỉnh, nó ngơ ngác nhìn bố, rồi bặm môi, buột ra một chữ “blin” (8).

Hả? Mày dám nói thế với bố hả Phúc?

Bố gầm lên. Phúc bấy giờ mới ý thức được mình đã nói gì. Nó sợ hãi lắp bắp xin lỗi bố, nhưng đã muộn. Bố nổi điên vác thước kẻ quật thằng con. Cái thước kẻ bằng nhựa trong và mềm không chịu nổi cơn nóng giận của ông bố đã gãy tan làm ba mảnh.

Phúc không thấy đau, đau gì cái thước mảnh ấy, chỉ có một cục nghẹn cứ ứ lên trong cổ khiến nó không thốt được lời nào. Mà bực nhất là nước mắt chảy ra, mặc dù nó không muốn khóc. Nó đứng ngửa cổ nhìn lên trần mong cho nước mắt chui ngược vào, nuốt vị mằn mặn đã lâu rồi nó không còn nhớ nữa. Phải rồi, lâu lắm rồi nó không khóc.

Cho đến khi bữa cơm tối diễn ra chóng vánh trong không khí nặng nề thì nó đã bình tĩnh trở lại. Nhưng cơn nghẹn vẫn cứ ngang ngang ở ngực. Bố ăn xong, bảo:

- Không có máy tính gì nữa nhé, tối nay, tối mai cắt mạng.

Phúc hoảng hốt. Cực chẳng đã, nó xin:

- Bố cho con nốt hôm nay.

Bố nó quắc mắt, bảo không là không. Bố nó nóng nảy thế nào nó cũng biết rồi. Nhớ hồi bé, nó chơi đồ chơi không cất đúng chỗ, bố về vướng chân dưới đất, thế là “hấp”, bao nhiêu đồ chơi đẹp, đắt tiền... vào sọt rác hết. Phúc cứ tưởng sau đó bố mẹ xót ruột sẽ lại nhặt vào, nhưng không. Bố nó rất kiên quyết.

Mẹ đã ra đivăng ngồi, một tay cầm tách trà, tay cầm cái remote bật tìm kênh VTV4, nói với ra: “Cắt mạng là đúng rồi. Chỉ đàn đúm, mất thời gian!”. Nói rồi mẹ chăm chú lên màn hình: “Phóng sự về Trường Sa gì đây này...”. Bố ngẩng lên một vài phút, rồi lại cúi xuống hí hoáy đếm nốt đống tiền hàng đã chia thành cọc ngay ngắn.

Bần thần lắng nghe đoạn phim, Phúc bỗng nức lên. Bố mẹ ngạc nhiên quay ra nhìn nó. Bố có vẻ bối rối. Mẹ thảng thốt: “Ơ cái thằng này, bao lâu nay có biết khóc nhè là gì! Chỉ vì bố cắt mạng mà khóc à, hèn thế hở con?”.

Phúc lại càng nức nở mạnh hơn nữa. Nó bỏ vào nhà
tắm ngồi, đến khi hết cơn, mắt hết đỏ rồi mới ra. Hình như nó ngồi trong ấy rất lâu, vì khi nó ra thì tivi đã tắt, mẹ đã thiếp đi trên đivăng. Bố còn thức, sắp xếp các túi dứa lồng vào nhau, lót giấy báo vào ủng, chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. Bố không nói gì với nó, mặt bơ như không thấy thằng con. Thái độ này của bố thường làm Phúc ngại nhất. Bố vốn ghét con trai lèo nhèo ủy mị.

Dừng lại giữa nhà nhìn cái màn hình máy tính dăm phút, Phúc thở dài về giường mình. Cái giường sắt cũ, cọt kẹt nhiều phát tức. Phúc nhìn lên trần nhà, thấy màu đỏ ở đâu kéo loang loáng trước mắt.

***





Sớm ấy, bố Phúc phải đi lấy hàng trước mẹ, năm giờ sáng đã dậy. Bố Phúc ngó vào phòng con, giật mình thấy Phúc gục đầu trên bàn phím ngủ ngon lành. Bố Phúc cáu kỉnh đến gần tính đánh thức con, bất giác quờ tay tìm con chuột. Mấy giây sau, một màu đỏ nhức nhối hiện lên màn hình khiến bố Phúc bất đồ nheo mắt lại. Một lát mới định thần, đọc: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!”. Một loạt cờ đỏ sao vàng hiện ra đều đẹp bên cạnh những cái tên kỳ quặc: “Phụng vũ cửu thiên”, “Unhappy”, “Tiểu thư chán đời”, “Oh yeah!”...

Bố Phúc gượng nhẹ bế con trai về giường. Nhanh quá, mới hôm nào bé tí tẹo trong bọc khăn trắng thắt nơ xanh bố đón từ nhà hộ sinh về, giờ chân đã dài ngoằng chạm đất. Vứt mớ túi dứa vào góc nhà, ông ngồi xuống cạnh Phúc, chạm vào cái bờm tóc xịt keo cứng đơ, bết chặt lại của con, khẽ mỉm cười.


-----------

(1) giấy bồi tường. (2) bị lỗi, bị hỏng. (3) bà vú nuôi, trông trẻ. (4) Buổi tối mùa đông, thơ A.S. Pushkin, Thúy Toàn dịch. (5) ”ừ, ừ” - tiếng Nga. (6) buôn chuyện - tiếng Nga. (7) chợ bán động vật ở Matxcơva. (8) một từ đệm chửi tục tiếng Nga.


Nhận xét