Москва không tin vào những giọt nước mắt (10)

Misha Đoàn

Bài 10: Học tài thi phận

Đã từng có người thắc mắc tại sao những sinh viên VN từng học ở Liên xô và Nga khi đã về VN rồi thì đều luôn hoài niệm về đất nước, con người, văn hóa Nga?

Điều này một phần lớn là do sự đối xử ân cần, ấm áp mà thầy cô giáo nói riêng và những người dân bình dị Soviet nói chung dành cho sinh viên VN. Với thầy cô giáo Sô viết thì sinh viên VN vừa là học trò, vừa là con cháu trong nhà. Họ thương sinh viên VN một phần vì yếu tố chính trị, vì nghĩ về những cực khổ, mất mất mà VN phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Với những nụ cười nhân hậu thầy cô có thể bỏ qua những lỗi nhỏ trong thi cử, những buổi trốn lên lớp, trình độ tiếng Nga chưa đạt... của sinh viên VN. Càng về sau này nhất là sau khi LX đã tan rã thì thái độ của giáo viên Nga đối với sinh viên VN càng thay đổi. Họ (giáo viên Nga) trở nên nghiêm khắc và lạnh lùng hơn, thậm chí có cả những trường hợp "vòi vĩnh " sinh viên nữa.

Hồi mới sang mấy anh chị học trước truyền kinh nghiệm: "Đi học sợ nhất là kỳ zachet (kiểm tra) chứ không phải là ekzament (thi). Thậm chí Curxovaya rabota (course work) còn mệt hơn cả zachet nữa!" Nó không hiểu tại sao thì được nghe giải thích thi thì đắng nào cũng qua vì có điểm, ăn thua là điểm thấp hay cao thôi. Còn kiểm tra và course work thì không khéo phải làm đi, làm lại bao lần mới được ký. Đến cho tận bây giờ thi thoảng nó vẫn mơ mình đi thi, khi tỉnh dậy vẫn còn run...



"Đang làm gì thế, con trai?" - bà giáo Nga gõ tay xuống bàn khi nó (chủ blog này) thả hồn trên những khoảng sân ngoài giảng đường

Môn thi đầu tiên mà nó trải qua ở năm học chính thức đầu tiên là "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô". Đây là môn bắt buộc trong tất cả các năm học với tất cả các trường và là môn thi tốt nghiệp Quốc gia. Môn này rất khó nhai vì cuốn sách giáo khoa dày gần cả gang tay với bao sự kiện chồng chéo với những cuộc thanh trừng, đấu đá, những con số vô nghĩa nhưng phải nhớ và chả thế nào nhớ nổi hết. Còn nhớ vào thi run ơi là run, ngồi cạnh một con bé tên là Marina. Lúc đó cứ cô nào mắt xanh, tóc vàng đối với nó đều là "thiên thần" hết, sau này tiếp xúc nhiều mới biết nhan sắc bé Marina này chỉ thuộc hạng trung bình kém mà thôi. Cứ lấy cùi tay hất hất, đẩy đề thi sang bên phía nàng và thì thầm cầu cứu "Marina, giúp tao với!" Lúc đầu nàng cũng viết cho vài câu vào giấy nhưng sau nàng phát chán vì nó cầu cứu nhiều quá mà nàng thì còn phải làm bài của mình nữa. Thế là nàng nổi cáu, làu bàu: "Misha, đừng làm phiền tao nữa! Tự xem này!" Rồi thật bất ngờ nàng kéo tốc váy lên đến tận nơi có cái quần lót màu hồng. Nó bị choáng vì lần đầu tiên trong đời nhìn thấy da thịt trần của "gái Tây". Trên cặp chân trắng muốt nõn nà của nàng, từ phía đầu gối trở lên chi chít những dãy số chủ yếu là ngày tháng liên quan đến những sự kiện ... Tim đập loạn xạ vì cặp chân trần của con gái, nó lấy ngón tay đẩy đẩy cặp kính lên trên sống mũi để nhìn cho rõ... Nhưng một phần vì nàng viết lộn xộn chỉ một mình nàng mới hiểu được, một phần vì nó bị phân tâm và sợ nhìn lâu lom lom như vậy thì thầy giáo bắt gặp được ... Thế nên nó đành thở dài, khe khẻ kéo váy xuống phủ lại đôi chân cho nàng rồi ngồi nhay bút suy nghĩ ... Marina chăm chú viết bài, thậm chí không phản ứng gì, cũng chả thèm quay mặt lại nhìn khi nó kéo gấu váy xuống cho nàng. Lúc lên trả bài, nó nói nhăng, nói cuội, ngày tháng sai bét nhè, ông giáo ngồi cứ lắc lư ngán ngẩm lắc đầu. Nó đã run rồi vì sợ điểm kém thì dễ bị đuổi học về lại VN lắm. Cuối cùng ông giáo ra một câu hỏi phụ về chính sách "chung sống hòa bình" thời Khrushchev, may quá nó có biết sơ sơ vì hồi ở nhà VN có nghe qua về vụ "xét lại" này. Khi ông giáo hỏi "Vậy chứ trên lĩnh vực "tư tưởng" có thể "chung sống hòa bình" được không?" thì nó dõng dạc trả lời: "Không, đấy là mặt trận không khoan nhượng!" Ông giáo khoái chí buông câu: "Giỏi!" rồi ký phẹt con 5 to tướng vào cuốn sổ thi của nó!!! Con bé Marina sau khi biết nó được 5 thì nhìn nó có vẻ vừa tức tối, vừa ghen tị vì nàng chỉ được 4 điểm. (Hệ điểm của Soviet: 5 là xuất sắc, 4 khá, 3 trung bình, 2 kém, 1 thì có nghĩa là ngu nhưng hầu như không có sử dụng!)

Kỳ thi mỗi cuối học kỳ và cuối năm học thường bao gồm zachet (kiểm tra) và ekzament (thi). Như nói ở trên sinh viên cực sợ zachet vì thầy cô có thể không ký mà không được ký thì không được thi. Chấm zachet thường là giáo viên chính cùng một số phụ tá (kiểu như giáo viên thực tập) và có nhiều câu hỏi được người chấm trực tiếp nói cho sinh viên. Vì sinh viên đông, người chấm cũng nhiều, câu hỏi được giao bằng lời nói (chứ không bằng giấy) nên tụi sinh viên nghĩ ra nhiều trò đối phó. Đến kỳ zachet là nó học tủ chỉ khoảng vài câu cho thật nhuần nhuyễn rồi lúc vào làm bài, chả cần biết thầy giao cho mình câu gì, xuống dưới ngồi ghi ghi, chép chép, nhăn trán, cau mày có vẻ đăm chiêu lắm. Rồi lúc lên trả lời, thầy hỏi câu gì thì nó nói ngay một trong những câu đã được học tủ sẵn. Vì học sinh đông, câu hỏi nhiều nên giáo viên không thể nào nhớ hết mình đã giao cho ai câu gì, vả lại còn cả phụ tá chấm zachet nữa. Thế nên nó thoát được dễ dàng những kỳ zachet. Rồi một hôm người phụ tá đã chấm cho nó đậu zachet thì ông giáo chính bảo khoan đã, thằng này nghỉ học nhiều lắm. Người phụ tá bảo nó trả lời tốt lắm mà thì thầy giáo chính đưa ra thêm một câu hỏi phụ về khái niệm Spekulian (đầu cơ). May cho nó là đã từng bị liệt vào loại Spekulian vì tội "buôn bán" nên nó trả lời rất chuẩn. Thầy hỏi tiếp : "Nếu tao mua một cái quần nhưng về tao mặc không vừa hoặc tao không thích nó nữa nên tao bán lại với giá cao hơn thì có bị coi là spekulian không?" Nó lắc đầu: "Không, mày không phải là spekulian vì lúc mày mua quần thì mày không có ý nghĩ là mua để bán lấy lời mang lại lợi nhuận cho bản thân mày!" Thầy giáo gật gù ký cái phẹt vào sổ thi và nói "Mày nghỉ học nhiều nhưng sao học giỏi thế nhỉ? Đừng nghỉ thêm nữa nhé, mày có triển vọng lắm đó!"

Lúc ekzament lại khác, các đề thi được in trong giấy được gấp lại, sinh viên vào bốc một cái bất kỳ để trả lời. Đầu tiên khoảng 5 sinh viên vào phòng thi, ai trả bài thi xong ra thì ngườI khác vào thế chổ, cứ thế cho đến khi hết lớp thì thôi.Thế là lại có trò chuồn đề thi ra ngoài cho bạn bè mở sách giáo khoa ra viết những ý chính rồi gửi vô lại qua những sinh viên vào thi tiếp. Một lần thằng Yemen vào dúi câu trả lời cho nó, mở ra thì biết là thằng này chuyền lộn đề vì mỗi lần vào cầm mấy câu trả lời cho mấy thằng ngồi trong lận. Một lúc sau thằng Afganistan lên trả lời, cứ cầm đọc vanh vách tờ giấy mà đáng ra phải dành cho nó cơ. Nó ngồi lắng nghe chăm chú nhớ những ý chính. Lúc thằng Afganistan đọc xong rồi thì thầy giáo xem lại đề thi và ngạc nhiên hỏi: "Ủa, đề thi của mày nội dung khác cơ mà?". Kết quả cu cậu Afgan bị đuổi ra phòng thi, đúng là dân bã đậu, không thèm động não để biết rằng câu trả lời chuồn vào lộn địa chỉ. Đến lúc nó lên thi, đưa đề thi cho thầy rồi bình tỉnh trả lời theo nội dung câu hỏi, thầy gật gù ghi Giỏi (điểm 5) vào sổ.

Trong giới sinh viên VN trường nó lưu truyền một giai thoại như sau: Lớp thi chỉ còn lại một người VN duy nhất cứ ngồi lỳ mà không lên trả bài. Cuối cùng thầy giáo ngoắc tay: "A nuka, idiche xiuda! " (Nào, đi lên đây) Chàng sinh viên Cộng cúi gầm mặt bước lên đưa đề thi cho thầy nhưng không thốt ra được một câu nào. Thầy chán quá hỏi vậy mày có thể nói được điều gì khác không? Anh chàng ngập ngừng "Mojno schikhi" (Có thể đọc thơ được không?). Thầy giáo khoát tay: "Davaiche schikhi!" (Đọc thơ đại đi!) Chàng ta lại lí nhí: " Mojno po Vietnamski? " (Có thể đọc bằng tiếng Việt được chứ?) Ông giáo lại khoát tay tiếp: "Khoroso, davaiche po vietnamski! " (Cũng được, đọc đại bằng tiếng Việt đi!) Chàng kia ngồi ưỡn ngực, em hèm mấy tiếng rồi dõng dạc " Tố Hữu - Xuân Sáu tám" Thầy giáo hoảng quá, lắc đầu quầy quậy: "A nuka, daiche zachteku! " (Thôi, đưa sổ thi đây!) rồi ký cái phẹt vào. Chuyện này mà kể bằng nguyên gốc tiếng Nga mới vui, lăn ra mà cười. Thậm chí thiên hạ đồn đích danh một anh nghiên cứu sinh cơ, nó có hỏi anh ấy có phải thế không thì anh ấy lắc đầu phủ nhận.

Có lần lên trả thi, ấp úng mãi nên thầy hỏi hôm qua mày làm gì mà không học bài? Nó bảo tao xem bóng đá qua TV. Thầy hỏi xem trận nào, nó bảo trận Liên xô và Ý. Thầy hỏi tiếp vậy chứ LX đá như thế nào? Nó nói "Các cầu thủ LX không đá bóng. Họ múa ba lê trên sân" (Trận bán kết Euro 88 thì phải, LX thắng đậm Ý). Thầy sướng quá khen "Giỏi" và ký cho con điểm 5 đỏ chói. Thằng bạn đang chờ đến lượt mình, thấy vậy vội chạy lên tham gia hóng hớt "Nhưng tao lo lắm, Kuznhevxov bị hai thẻ vàng rồi nên không tham gia đá trận chung kết với Hà lan được!" (io thêm Kuznhevxov là một tiền vệ trụ cột của đội tuyển LX lúc đó) Thầy cười sảng khoái khoát tay "Bóng đá Soviet là một tập thể giỏi chứ không nhờ một cá nhân. Không có Kuznhevxov này thì chúng ta sẽ có những Kuznhevxov khác. Mày đưa sổ thi đây, tao ký luôn cho!" Thế là hai thằng hớn hở cầm hai sổ thi với 2 con 5 chạy ra khỏi phòng và nói với nhau: "May quá, bóng đá nó cứu tụi mình “.

Bây giờ ngồi trên lớp nghe thầy cô Mỹ giảng, thi thoảng nó vẫn để hồn bay ngoài cửa sổ nhớ về một thầy giáo già người Nga thường hay xoa đầu nó và âu yếm gọi "Môi Xưnnốc! " (Con trai bé bỏng của ta ơi!)

Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 1: Tình một đêm
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 2: Con buôn
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 3: Vượt biên
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 4: Buôn vàng
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 5: Tình tạm
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 6: Kiếp người
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 7: Quốc tế vô sản

Nhận xét