Phía Tối Tâm Hồn Tôi - Ngọc Anh





Hắn tự quy ước không nói về công việc trên blog, dù công việc hiện tại hay trong quá khứ. Không phải hắn ngại đồng nghiệp đọc được, soi chiếu điều hắn viết với thực tế, mà hắn thật sự không muốn lần về ngọn nguồn thất bại của mình, giống như không muốn đánh thức kí ức cuộc tình lỡ dở mà vị buồn, xót xa, nuối tiếc còn theo mãi đến ngày nay.

Vừa đến cơ quan hắn nhận được tin nhắn báo buổi họp lớp chuyển sang thứ Hai, mọi người muốn chờ thêm một người bạn từ Nga trở về. 15/08. Hắn nhìn lịch và tự nhủ chẳng mấy mà qua một đời. Quá nhanh! Ra trường đã 27 năm. Hắn cười khẩy: làm gì có buổi lễ tốt nghiệp nào, làm gì có giây phút sung sướng đón nhận tấm bằng tốt nghiệp sau 5 năm mài đũng quần trên giảng đường, thậm chí chẳng có kì thi tốt nghiệp hay bảo vệ luận văn. Khóa hắn học buộc phải tốt nghiệp đặc cách, không phát bằng với một điều kiện: lên làm việc tại công trình thế kỉ lớn nhất Đông Nam Á - thủy điện Hòa Bình. Mọi người coi ngày ra đi ấy là ngày ra trường.

Hơn một phần tư thế kỉ đã trôi qua, đời hắn từ lâu đã rẽ sang lối khác, vậy mà có những đêm hắn choàng tỉnh giấc với những cảm xúc chợt sống dậy từ đâu đó trong sâu thẳm thời gian vùi lấp: cuống quít như vừa ngủ quên dậy đi làm ca đêm, lắc lư trên chiếc thùng xe trên đường lên công trường, sợ hãi choáng váng khi ngày mưa dò dẫm trên đường ống trơn nhẫy chạy trên mặt sông ngầu đỏ phù xa, và nghẹn tức không thở được trong những đường hầm vừa nổ mìn đặc bụi, tanh nồng thuốc nổ, nơi đá long chưa gia cố có thể sập xuống bất cứ lúc nào...

15/8/1985. Buổi sáng. Lớp hắn tập trung ở trường với valy, hòm xiểng, xô chậu, nồi niêu bát đũa chờ xe công trường về đón. Phòng giao vụ nhà trường phát cho mỗi người một tờ Giấy phân công công tác. Hãy góp sức xây dựng Tổ quốc tại Công trình Thanh niên Cộng sản. Hai năm sau về nhận bằng tốt nghiệp. Hộ khẩu cùng tiêu chuẩn lương thực được để ở Hà Nội. Đi đi. Hàng tuần thứ Bẩy có xe công ty đưa về Hà Nội. Làm sao thành người miền núi được.

Hắn vẫn nhớ cơn mưa lớn ngày hôm ấy, nhớ cả tâm trạng hoang mang lúc đứng tránh mưa trong dãy hành lang, hắn chưa hình dung ra cuộc đời kiếm sống bắt đầu từ ngày mai ra sao. Các bạn hắn đang tranh cãi, bị chia rẽ vì đến phút chót nhà trường rút lại giấy phân công công tác của một vài người. Hăn im lặng suốt quãng đường từ Hà Nội lên Hòa Bình. Khi ô tô xuống phà Thia sang sông cảm giác hoang mang lúc trước dường như lớn thêm và nắm trọn lấy hắn.

Đêm đầu tiên trên công trường hắn và đám con trai ngủ trên những chiếc bàn trong hội trường vì nhà khách Tổng công ty không đủ chỗ. Lần đầu tiên trong đời hắn thấy hoàng hôn mầu tím. Tím trời, tím núi, tím sông. Tâm trạng hắn cũng tím não nề khi nằm co ro trên chiếc bàn, giấu bớt chỗ hở da thịt để tránh muỗi cắn suốt đêm.

Sáng hôm sau hắn được phân về ở chung cùng ba nhân viên cũ trong một căn phòng đầu hồi trên tầng năm. Tòa nhà theo thiết kế có khu vệ sinh và bếp, nhưng ngay từ khi thi công hệ thống này đã nứt hỏng nên người ta bỏ luôn. Hàng ngày phải xách từng xô nước lên tầng năm để nấu cơm, tắm thì xuống bể dưới sân, đi vệ sinh phải chạy ra bờ sông. Hắn sống ở đó sáu năm trong điều kiện sống như thế.

Một số quan chức chính phủ bây giờ khi đó giữ những chức vụ quan trọng trên công trường: Tổng giám đốc Ngô Xuân Lộc sau này là PTT chính phủ, giám đốc công ty Nguyễn Hồng Quân giờ là Bộ trưởng xây dựng, bí thư Đoàn thanh niên Đinh La Thăng giờ được đánh giá là nhân vật “nổ” nhất trong chính phủ... Hắn mỉm cười nghĩ tới việc mất ghế của PTT Ngô Xuân Lộc sau  vụ “Thủy cung Thăng Long”. Sẽ ra sao nếu Lê Tân Cương, một nhân vật trong lớp hắn không bị đúp lại và lên sông Đà đợt này? Biết đâu cuộc diện kiến TGD Ngô Xuân Lộc đẩy sớm lên nhiều năm này sẽ làm cho lối rẽ của hai người sẽ khác đi: Cương không bóc lịch trong tù và PTT không sụp đổ sự nghiệp chính trị. Nhưng giá như chỉ là giá như...

Công trường khổng lồ. Hắn cùng các bạn được biên chế về phòng phiên dịch trực thuộc văn phòng Tổng công ty và rồi phân xuống làm việc tại các công ty. Tuy gọi là phòng nhưng quân số lên tới 300 người, chia thành nhiều ban tương ứng với từng công ty, ban lại chia thành các nhóm tương ứng với các xí nghiệp, nhóm tiếp tục chia thành các tổ ứng với hạng mục công trình xí nghiệp đảm nhiệm thi công. Dân phiên dịch đa phần là nữ nên các vị trí ở văn phòng đều dành cho chị em, đàn ông con trai như hắn phải làm việc ngoài hiện trường, mà cũng chủ yếu làm ca đêm. Ban đầu hắn được phân làm việc ở tầu hút khai thác cát. Để ra được tầu đậu giữa sông chỉ có một con đường duy nhất là tuyến đường ống bơm cát từ tầu vào bờ. Không biết bơi, hàng ngày hắn như người làm xiếc giữ thăng bằng vượt tuyến đường ống như leo qua miệng vực, một sơ sấy thôi không biết sóng nước sẽ đưa hắn về đâu. Đến một ngày hắn thấy một xác chết trôi từ thượng nguồn về mắc lại bên đường ống, phát hoảng, hắn đành đến gặp trưởng ban xin lên bờ. Từ đó như một con vạc hắn triền miên với những ca đêm không thấy mặt trời.

...Sáu năm ở đó cũng như những người khác hắn nhiều lần đánh vật với chữ vay: vay tiền, vay gạo, mớ rau, bìa đậu, quả trứng... Vì làm ca nên chuyến xe cuối tuần về thành phố hoàn toàn xa lạ với hắn. Không về được nhà đồng nghĩa với việc nguồn tiếp tế bị gián đoạn. Có những bữa mấy đứa hắn chỉ còn bột tôm dùng để nấu canh rắc lên cơm. Nghĩ lại vẫn thấy cực. Công nhân nghĩ đám phiên dịch làm việc với người quốc tế chắc sung túc, mấy ai biết giữa ca đêm xe đón chuyên gia về ăn đêm, công nhân Việt Nam được phát bánh mì, nhưng những người không thuộc về đâu như hắn đành cài thêm một nút thắt lưng và cố gắng chợp mắt. Những người ít học lại còn ghen ghét cái sạch sẽ của đám phiên dịch nên mới có chuyện đồng nghiệp nữ của hắn ra ngoài hiện trường hay bị trêu trọc độc ác bằng việc ném đá vào những vũng nước hay tạt xe cho bùn bắn bẩn quần áo.

...Hắn để lại 6 năm tuổi trẻ ở đó. Trở về với một cảm giác bị phụ bạc. Có lần hắn viết trên blog của một người Hòa Bình rằng tuổi trẻ của hắn đã chôn vùi ở đó. Người ấy thấy như bị xúc phạm, nhưng hắn cũng không giải thích. Hắn không muốn kể rằng suốt sáu năm, mỗi lần ngồi trên mạn đò qua sông để về thành phố hắn luôn hình dung ngày từ giã dòng sông này sẽ như thế nào.

Cùng với thời gian nỗi tuyệt vọng trước tương lai càng dâng đầy trong mắt. Công trình đi vào giai đoạn kết thúc, cuộc hôn nhân chính trị tan vỡ. Không ở đâu cần những người như hắn. Tan tác. Bạn bè hắn theo dòng người xuất khẩu lao động ra đi. Cuộc đi dạo lần cuối bên bờ sông dưới ánh đèn vàng thay buổi liên hoan chia tay. Rền rĩ tiếng cano trên mênh mang sông nước. Hắn không muốn quay lại nước Nga. Hắn muốn nâng niu những hình ảnh từng biết. Điều đó có nghĩa là hắn sẽ phải từ bỏ đoạn đời dài 11 năm để bắt đầu lại từ đầu.

Không biết điều đó may hay không may cho hắn. Từ buổi chia xa ấy bạn bè hắn phiêu dạt khắp nơi. Đứa bỏ mạng trên sứ xở bạch dương trong những vụ thanh toán làm ăn, đứa mệt mỏi quay về làm lại từ đầu khi tóc trên đầu điểm bạc, đứa độc hành lang bạt, đứa lập gia đình với người bản xứ, và cũng có đứa trở thành đại gia với biệt thự ở Nga, nhà máy ở Trung Quốc, dự án ở Việt Nam...

Với hắn hai chữ "sông Đà" rất nhạy cảm, nhạy cảm đến mức hắn không dám ngó nhìn giá nhóm cổ phiếu sông Đà. Hắn tự hỏi trong cái giá đang lên xanh xuống đỏ mỗi ngày kia người ta có tính những tháng năm cống hiến của những người như hắn. Chỗ ấy nợ hắn nhiều thứ, nợ hắn những tháng năm tuổi trẻ.

Một lần, cách đây vài năm, tại đám cưới một người bạn hắn gặp lại anh kĩ sư làm cùng. Ngày ấy hắn và anh quý nhau lắm. Hắn dạy anh tiếng Nga, anh giải thích các thuật ngữ kĩ thuật để hắn dịch chuẩn xác hơn. Hắn nhớ anh hay nhường xuất bánh mì ca đêm cho hắn. Giờ anh đã trở thành Tổng giám đốc của cái Tổng công ty ấy. Hắn lao đến. “Anh nhớ em không?” Hắn reo lên khi những kỉ niệm chợt ùa về, để rồi chết lặng  vì ánh mắt liếc xéo ngờ vực. Một ngày tổng giám đốc phải nghe câu ấy bao nhiêu lần, anh cảnh giác là phải. Hắn hiểu. Ngượng với kỉ niệm cũ bị tổn thương, hắn ấp úng xưng tên. Dường như có một cái gì đó rất xa quay về, anh trân trân nhìn hắn và: “Vợ con đâu? Ngồi với anh nhé”. Nhưng một cánh cửa nào đấy đã xập xuống, hắn bắt tay anh, xin lỗi. Và hắn không quay lại chỗ anh nữa.
Thuy at 10/09/2012 03:39 pm comment
Em rất thích entry này nhưng không thích cái suy nghĩ 'mặc cảm thất bại' của anh. Mỗi người có một cuộc sống khác nhau và một nhân cách khác nhau. Cái anh chàng kỹ sư kia không thể so sánh được với tâm hồn và con người của anh đâu. Thực tế chưa biết ai giàu hơn và hạnh phúc hơn và được trân trọng hơn đâu!
Trần Thành Nhân at 10/09/2012 09:38 pm reply
Tự phê thì anh thấy mình ... dở ẹc, kể cả cuộc gặp lại anh kĩ sư trưởng. anh nhận ra vì biết trước là anh ấy đến dự, nếu không chắc gì đã nhận ra nhau sau hơn 20 năm.
12C at 08/22/2012 03:42 pm comment
Qua thăm nhà anh thấy bài viết sâu sắc quá! Chúc anh buổi chiều vui!
Trần Thành Nhân at 08/22/2012 03:53 pm reply
Cám ơn Bạn. Nếu tôi nhớ không lầm lần trước bạn gọi tên theo tên. Tôi thích thế hơn.
Rat_Hue71 at 08/21/2012 09:15 pm comment
Một cái gì đó thật buồn như chính người đọc vừa trãi qua cái cảm giác ấy. " Phía tối tâm hồn tôi " và có lẽ cũng là " phía tối " của rất nhiều người.
Rat_Hue71 at 08/21/2012 10:23 pm reply
Em không có giật mình, chỉ là giật thót người thôi, [img]21[/img]
Trần Thành Nhân at 08/21/2012 09:57 pm reply
Folder "Nghe nhạc". Nhưng có những bài âm lượng to, lại để autoplay, đừng có giật mình nha[img]4[/img]
Rat_Hue71 at 08/21/2012 09:31 pm reply
Như vậy cũng rất hay anh ạ. Mà blog của anh khi click vào ở đâu đó mới nghe được nhạc phải không?
Trần Thành Nhân at 08/21/2012 09:24 pm reply
Anh thích nghe nhạc trên blog của mình. Nghe theo kiểu của riêng anh, hầu như không liên quan đến nội dung bài hát. Có khi chỉ là anh muốn nhớ tới khung cảnh lần đầu tiên anh nghe nó thôi.
HHP at 08/21/2012 03:47 pm comment
Một sự lừa dối hào nhoáng:"công trình thế kỹ"/"thư gởi mai sau" mà khi công trình kết thúc ,bao nhiêu thanh niên bị bỏ rơi.Nhân kể chuyện đi trên ống hút cát trơn trợt khiếp nhỉ,mạng người nhỏ thật .Chỉ có mấy thủ lĩnh chính trị là được ,họ leo lên...bằng cách quên bạn bè mà,hơi đâu buồn.
Trần Thành Nhân at 08/21/2012 08:04 pm reply
Đấy là gam mầu chủ đạo lưu giữ trong em. Cũng có những khoảnh khắc trong bóng tối đen hơn ly cafe, ngoài hành lang vắng tiếng guitar thủng thẳng rơi xuống mặt sông tối đen, xa xa lửa hàn giội sáng góc núi rừng. Thời gian qua nhanh quá anh ạ.
Lợi Trần at 08/20/2012 11:29 pm comment
Nửa Đời Nhìn Lại không thiếu những chuyện buồn như vậy, nhưng hãy tự hào rằng chúng ta đã làm được nhiều việc có ích hơn vô số những người khác và luôn sống ngẩng đầu.
Lợi Trần at 08/21/2012 12:00 am reply
Không phải chú đang tiếc những năm tuổi trẻ bị hoài phí ở cái công trường đó sao, và việc gặp lại cái ""ông anh kĩ sư" cũng đâu phải chuyện vui...
Trần Thành Nhân at 08/20/2012 11:32 pm reply
Bác nói gì em chả hiểu
THOMOC at 08/20/2012 09:53 am comment
Cái thằng cha đó trong nảo hắn đả được cài " cái chíp quên ,nghi ngờ ,tình yêu " -Chỉ tội cho anh chàng mừng mừng tủi tủi với kỷ niệm khi gặp lại cố nhân ! he he ![img]3[/img]
Trần Thành Nhân at 08/20/2012 11:09 am reply
Mình nghĩ người đáng trách là cái thằng xưng “hắn” trong entry này. Khó có thể chấp nhận sự khái tính của nó. Chung quy nó hành xử theo mặc cảm thất bại mà thôi.

Nhận xét

  1. Em cứ đọc một đoạn lại tự dặn mình : "tẹo nữa k dc commet" vì nghĩ chỗ này riêng tư của anh, k nên ..khuấy động không gian yên tĩnh..ai ngờ...xuống dưới thấy quá trời..còm rồi!...:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còm vô tư đi. Đã viết lên đây là để chia sẻ mà em. :)

      Xóa

Đăng nhận xét