Tết yên bình

Chùm ảnh: Hoài niệm ngày Tết thời bao cấp 8


Mượn tít “Tết yên bình” của QH - TLMN để viết entry này, mặc dù chương trình đã phát sóng từ lâu. Tự bảo lúc nhận được mail: sẽ viết, nhưng không gửi bởi những gì mình viết thường buồn và thật không phải nếu làm những mảng sáng lộng lẫy, tràn ngập âm thanh mùa xuân chợt tối vì một nỗi buồn, nhưng giờ lại nghĩ: một gam mầu tối đôi lúc cũng cần để tôn cái rực rỡ. Sẽ ra sao, nếu chỉ có mầu sắc, ánh sáng chói loà. 

…1973. Nhân Hoà – Lí Nhân, những ngày đầu năm. Con đường tỉnh lộ bỗng xuất hiện những chiếc xe mang theo cờ, khẩu hiệu và loa phóng thanh. Tiếng nhạc, tiếng loa vọng vào tĩnh lặng làng quê, cái làng quê nghèo khó suốt đời phải dời nhà vì ở bên lở của sông Hồng. Hai anh em tôi với mấy đứa cháu sàn sàn tuổi rủ nhau ra xem, chạy từ ngõ ra đường xe đã đi xa. Chuyện gì thế nhỉ? “Hoà Bình rồi!” - người lớn bảo.

Hoà Bình rồi. Sắp được về với bố mẹ. Tết cũng sắp đến rồi. Sướng quá!

…Mùa đông 1972. Hà nội, miền Bắc Việt nam bị người Mĩ quyết cho quay lại thời kì đồ đá bằng những trận bom rải thảm. Tôi vừa tròn 9 tuổi. Quá non nớt nhưng đã biết sống xa bố mẹ. Khi Khâm Thiên (cách nhà tôi khoảng trăm mét) bị san phẳng, hai anh em tôi đang sơ tán theo trường học của chị ở Chương Mĩ – Hà Tây. Nơi đây cách Hà nội không xa, mà Mĩ ném bom ngày càng rộng nên bố mẹ quyết định gửi chúng tôi về quê. Hôm về Hà nội chờ anh họ đang trong quân đội trên đường đi công tác ghé qua đón, tôi kịp thấy Khâm Thiên hoang tàn đổ nát, thấy đội y tế phòng dịch phun thuốc khử trùng xuống giếng nước trong sân nhà bác, thấy chị con bác mang trả cho nhà hàng xóm những miếng thịt mèo tha về vì bên ấy đang đi gom xác con…Rùng rợn!

…Quê. Nhà bác nghèo, anh chị với một bầy con lít nhít phải nuôi thêm hai anh em tôi, nhưng ơn trời lúa gạo ở quê không phải mua bằng sổ nên chúng tôi không đói. Tĩnh lặng làng quê xoá đi tiếng còi báo động, tiếng bom rơi, đạn nổ.Tuổi thơ bình yên với những khám phá con trẻ. Tôi ngu ngơ trong mắt mấy đứa cháu (giờ gặp lại, đầu bạc, đầu hói nhắc chuyên cũ, và tôi vẫn ngu ngơ trong kí ức chúng ngày nào). Chiến tranh như đã ở đâu xa, chỉ thấy tối tối anh họ cùng những người đàn ông trong xóm ngồi rít thuốc lào bên ấm nước chè xanh bàn chuyện chiến sự dưới leo lét ánh đèn dầu. Ngoài vườn bóng tối đen kịt, đâu đây bập bùng tiếng trống gọi con chiên đi lễ chúa (không hiểu sao nhà thờ ở đây dùng trống thay chuông). Sau cả ngày lang thang theo mấy đứa cháu khắp triền đê, bãi sông, tối đến là lúc tôi thấy lẻ loi và đơn độc nhất. Tôi sợ bóng tối, sợ đến mức không dám mò ra vườn đi vệ sinh, sợ cả tiếng trống bập bùng xa xa. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ ..

Hoà Bình rồi! Sắp được về với bố mẹ. Sướng quá!

…Bố mẹ, chị về. Chặng đường dài từ Hà nội về Nam Định đi bằng xe đạp bởi chầu chực xếp hàng mấy ngày không mua được vé, tiền lại bị kẻ cắp lấy. Bố mẹ mong gặp các con, các con ngóng chờ bố mẹ. Khoảng cách xa xôi giờ không còn. Vui, sướng tíu tít đâu có thấy mắt mẹ bần thần thương hai đứa gầy và đen đúa. Tôi còn nhớ hai vợ chồng anh chị họ kiên quyết không nhận tiền mẹ đưa đỡ phần nào cơm gạo nuôi chúng tôi.

Thành phố thân thương, những ngày giáp Tết. Tiếng pháo tép lạch tạch nổ ngoài ngõ. Mùi thuốc pháo thơm thơm trong lất phất mưa xuân. Bạn bè túm tụm khoe chuyện nhà mình sắm Tết. Mẹ tất bật chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, chị húi húi rửa lá rong để bố gói bánh, anh được phân công đi xếp hàng mua gói hàng tết. Ôi, cái túi nilong đựng niềm vui háo hức: một hộp mứt thập cẩm thơm thơm sung sướng hít hà, hai bao thuốc lá D’Rao in hình con chim, hai gói chè (mẹ dặn phải mở ngay ra, cất riêng chè, riêng thuốc, nếu không chúng lấy mất mùi của nhau), một gói hạt tiêu nho nhỏ phân nửa hạt lép toàn vỏ, một gói mì chính bằng cỡ nửa cái nem chua, một xâu hai miếng bóng bì - một miếng vàng nở đều, một miếng nướng quá lửa, còn dính nhiều lông lợn…Rồi háo hức theo mẹ đi làm bánh quy. Trong giá lạnh mùa đông cái mùi thơm của lò bánh toả ra khắp phố. Thích lắm, háo hức lắm lúc bê rá bánh ra về…Rồi thức đêm chờ vớt bánh trưng. Đâu, đâu rồi cái bánh nhỏ của con?

Ôi, Tết ngày xưa, Tết ngày ta bé! Ngất ngây hương nước mùi già mẹ đun rửa mặt buổi sáng. Ngất ngây mùi pháo xao lòng vẫn nhớ khi phải đón Tết xa nhà…Còn bây giờ tại sao thế? Tại sao với thời gian, Tết trong ta mất đi niềm háo hức? Vì không còn là con trẻ? Càng no đủ, Tết lại càng thiếu tết, Xuân lại càng kém xuân.

…Nhớ Tết thơ bé thấy như có lỗi với tuổi thơ con. Đã bao giờ con nhận được niềm vui nâng niu ve vuốt chiếc bánh trưng nho nhỏ bố gói riêng cho nó? Đã bao giờ con nằm co ro trong lòng mẹ xem chơi tam cúc ngày Tết? Đã bao giờ…và đã bao giờ…

Nếu ta có rửng rưng nhìn Tết thì chính vì ta đã quên, đã quên quá nhiều. Và có lẽ thật sai khi nghĩ các con không háo hức Tết bằng ta khi xưa… Có lẽ mai con thức dậy phải hỏi xem chúng thích nhất điều gì ở Tết. Và sẽ đọc lại entry này, nếu thấy nhiều mầu tối nhất định sẽ nhờ hai đứa kể một chuyện tiếu lâm (về con chuột chẳng hạn) để post lên, đẩy entry này chìm xuống.

Nhận xét