Tình yêu và Danh dự và Thương hại và Tự hào và Cảm thông và Hy sinh



Copy từ Vn-roo Blog

Biography of Nam Le

Nam Le sinh tại Việt nam và lớn lên tại Úc. Anh đã nhận giải thưởng Pushcart của Hội Michener-Copernicus Mỹ. Anh đồng thời nhận những học bổng của Trại Viết văn Iowa, Trung tâm Nghệ thuật tỉnh Princetown, Viện Hàn lâm Phillips Exeter, Đại học East Anglia. Tiểu thuyết của anh đã xuất hiện trên những địa chỉ sau Zoetrope: All-Story, A Public Space, Conjunctions, One Story, NPR's Selected Shorts, và trong tuyển tập Best American Nonrequired Reading, Best New American Voices, Best Australian Stories, and Pushcart Prize. Nam Lê là biên tập viên mảng tiểu thuyết của tạp chí Harvard Review


Tình yêu và Danh dự và Thương hại và Tự hào và Cảm thông và Hy sinh
Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice

(Translated by Ha Minh)
 

Cha tôi đến một buổi sáng trời mưa. Tôi đang mơ màng về một bài thơ trong tiếng tạch tạch đều đều của chiếc máy chữ. Đây là bài thơ rất được – có lẽ là bài hay nhất của tôi. Tôi tỉnh dậy, cha tôi đứng ngoài cửa phòng ngủ của tôi, mỉm cười khó hiểu. Ông mặc quần đen và một chiếc áo gió nhầu nhĩ, ướt như vừa mới lôi từ máy giặt ra. Bị đóng khung trong khuôn cửa, trông ông bé nhỏ hơn, gầy gò hơn là tôi vẫn nghĩ. Vẫn còn lẩn quẩn với giấc mơ, tôi ngẩng mặt nhìn về chiếc đồng hồ báo thức.

“Mấy giờ rồi Ba ?”

“Chào Con”, Ba tôi nói tiếng Việt, “Ba gõ cửa một lúc lâu. Rồi cửa tự mở ”

Cánh đồng trong suốt, Tôi nghĩ. Và ta-tà-ra, một hợp âm, ngắt dòng, sau đó là chữ xin lỗi  hợp kim dòng kế. Đi nào, tôi nghĩ.

“Mưa lớn đấy,” ông nói.

Tôi bịu xịu. Đồng hồ chỉ 11:14. “Con nghĩ buổi chiều Ba mới đến” Cảm giác hơi lập cập, khi đã lâu mới lại nói Tiếng Việt. 

“Người ta đổi giờ bay của Ba từ Los Angeles.”

“Thế sao Ba không gọi phone?” 

“Ba có gọi” ông nói bình tĩnh. “Không ai nhấc máy.”

Tôi vặn người ngồi dậy và mở cửa sổ. Tiếng mưa ùa vào phòng, mưa đổ trên phố, trên mái, trên chiếc kho tôn bên kia sân đậu xe, nghe như tiếng pháo rền từ xa. Một mùi ẩm ướt của lá mục.

“Con tắt chuông điện thoại,” Tôi nói. “Xin lỗi Ba.”

Ba tiếp tục mỉm cười với tôi, như chờ một lời tuyên bố.

“Con nằm mơ.”

Ba tôi thường đánh thức tôi, khi tôi còn bé, đứng bên giường tôi và bẹo má tôi nhè nhẹ. Tôi ghét cái tay ươn ướt, chua chua ấy.

“Dậy đi,” ông nói và nhấc chiếc giỏ Adidas và một cuộn gì đó như cái chăn túi. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Ba tôi có thói quen nói châm ngôn tiếng Việt. Tôi đã quen lờ những câu nói ấy đi.

Tôi xỏ chiếc áo phông và thò cổ ra ngoài chiếc cửa sổ lẻ loi. Qua màn mưa, bầu trời xám như chì. Những cánh đồng trong suốt như pha lê... Như một hư ảnh, những vần thơ tan biến vào thực tại lạnh lùng và lạ lẫm: gió thổi ào ào, mưa như trút, căn phòng tối chật chội, và Ba tôi đứng đó rỏ nước mưa xuống sàn gỗ.

Tôi tiến lại phía Ba, chân tôi nổi da gà trong chiếc pijama. Ba tôi im lặng theo dõi với sự dễ chịu kín đáo khi tôi bắt tay ông và đỡ chiếc giỏ từ tay ông. “Chắc Ba mệt lắm hả”, Tôi nói.

Ông bay từ Sydney, Úc. Ba mươi ba tiếng, dừng nghỉ tại Auckland, Los Angeles, và Denver trước khi hạ cánh tại Iowa. Đã ba năm rồi tôi chưa gặp ông.

“Ba sẽ ngủ ở phòng con.”

“Lòe loẹt nhỉ,” ông nói, khi tôi dẫn ông đi trong căn hộ của tôi. “Con còn có cả piano nữa kia à.”. Ông cười với tôi khá tội nghiệp. “Ba biết con sẽ không bao giờ bỏ cuộc.” Có một nét gì đó thoáng qua khuôn mặt ông, tôi bất giác thấy lại mình ngồi trên chiếc ghế cao, mấy ngón tay chạy đua với chiếc máy đếm nhịp, cố gắng tránh nghe tiếng thở dài của ông thầy và cái thước kẻ bằng đồng nặng chịch. Tôi chợt nhận ra mình đang vặn vẹo những ngón tay. Cha tôi trải tấm nệm mỏng trong phòng khách của tôi. “Ba sẽ ngủ ở đây.”

“Ba sẽ ngủ trong phòng con mà.” Tôi nhìn ông khó chịu khi ông tò mò ngắm nghía xung quanh, những cuốn sách bừa bộn, giấy má, chén đĩa dơ, quần áo - Tôi định dọn dẹp trước khi ra sân bay. “Con làm việc ở phòng này mà Ba, con hay làm việc khuya.” Khi ông vừa vào bếp tôi tóm vội chai Johnnie Walker dở từ ngăn thứ hai giá sách dúi nó xuống dưới gầm bàn. Tôi đảo mắt nhìn quanh. Mặt bàn đầy tàn thuốc lá. Tôi che vội bằng một cuốn tạp chí, và lật sấp nó xuống vì mặt trên có hình Mao Chủ Tịch. Tôi thu vội mấy bao thuốc lá, mấy vỉ thuốc ngủ và giá nến xếp chúng lên giá sách cao, phía sau mấy cuốn Kafka cũ.

Trên cửa bếp, tôi nhớ tấm hình Linda cạnh chiếc máy in. Tấm hình dễ thương của cô ấy, tóc gió bay tung, mắt nheo nheo, đang cười với gió đông. Bồ cũ của cô ấy chụp ở hồ MacBride. Trông cô ấy hạnh phúc. Tôi tóm lấy tấm hình và lật úp nó xuống, che đi bằng mớ giấy nháp. Khi tôi đi vào bếp, có lẽ tôi đã để cửa cứu hỏa còn mở vì tôi nghe thấy tiếng mưa rơi trong ống máng xối. Tôi thấy Ba đang đứng trước cái bồn rửa chén, tay áo vén cao, đang cọ rửa đống bát đĩa dơ cả tháng. Mùi rất khó chịu. “Ba”, tôi bịu xịu, “Ba không phải làm cái đó đâu.”

Cánh tay ông rắn và nhăn nheo, nhúng sâu vào bồn rửa chén.

“Ba” Tôi hơi năn nỉ.

“Ba sắp xong rồi.” Ba tôi nhìn tôi và mỉm cười. “Con ăn sáng chưa? Muốn Ba làm cái gì ăn không?”

“Thôi,” Tôi nói, bất chợt hơi khó chịu. “Ba đang mệt. Để con ra ngoài mua cái gì về.” 

Tôi trở về phòng ngủ, mặc thêm áo và nhặt bịch rác trên đường đi.

“Con không phải lo cho Ba,” ông nói với theo. “Cứ làm gì như con vẫn làm ấy.”



Thật là, Ba tôi đến không đúng lúc tý nào. Tôi đang ở vào năm cuối của Trại Viết văn Iowa, đã cuối tháng Muời một, tiểu phẩm cuối cho học kỳ này phải nộp trong ba ngày nữa. Tôi phải sắp xếp giấy tờ và rất nhiều đơn từ xin việc và xin nghiên cứu chưa kịp viết và nộp. Thế nên không có gì lạ khi tôi uống hơi nhiều.

Tôi vừa nói với Linda đêm hôm trước là Ba tôi sẽ tới. Tôi đã ở chỗ cô ấy. Cô ấy nhễ nhại mồ hôi và rất trơn. Người Linda toàn mùi áo quần của cô ấy. Cô ta lật xấp tôi úp mặt xuống nệm giường, bàn tay băm trên lưng tôi. Cao lên. Ra ngoài một chút. Cô ấy vất vả giữ nhịp. “Nhẹ thôi,” Tôi bảo Linda. Và mấy giây sau tôi bắt đầu cười. 

“Cười cái gì?”

Tấm ga giường ướt nhẹp dưới mặt tôi.

“Gì cơ?”

“Nhẹ thôi,” Tôi nói “không phải chậm lại”

Cô ấy phát mạnh vào lưng tôi hai cái. Tôi không thể nhịn cười. Tôi lật mình trở lại nắm lấy hai cổ tay Linda. Chồm người về phía trước, cô ta hồng hào và đẹp. Tóc Linda xõa ngang mặt, nhưng tôi vẫn thấy miệng cô ấy hé mở. Cô ấy cong người đè lên tôi. Từ cổ xuống eo là một đường cong. “Buông ra” môi Linda mấp máy. Cô rút tay ra khỏi tay tôi. Những ngón tay Linda luồn xuống ngang lưng tôi, cô ta cào dọc xuống hai đùi, gối, bắp chân, mắt cá tôi. Chân tôi duỗi thẳng đơ chĩa nhọn như anh chàng diễn viên múa ballet.

Sau đó tôi nói với Linda rằng Ba tôi không biết gì về cô. Linda im lặng. “Nói chung gia đình anh không hay nói về chuyện ấy”, tôi giải thích. Cô ta trông như một người xa lạ, một diễn viên đóng vai bạn gái tôi. Nhìn cô ấy tôi thấy oải. Tôi hay có cảm giác như thế về Linda gần đây. “Ba anh chỉ ở đây có ba ngày thôi.”. Có tiếng vọng từ ngoài đường, một nhóm sinh viên la hét vui vẻ.

“Em tưởng anh chẳng bao giờ nói chuyện với Ba.”

“Dù sao ông ấy vẫn là Ba anh.”

“Ông ấy muốn gì?”

Tôi lăn về phía Linda, nhỏm người chống tay nhìn cô ấy. Tôi cố nhớ đã kể gì cho Linda về Ba tôi. Chúng tôi nằm dài trên giường, gió lùa vào phòng, hai chúng tôi đều lãng đãng. Chúng tôi theo đuổi những ý nghĩ mông lung trong bóng tối. “Chỉ có ba ngày thôi”, tôi nói.

Khuôn mặt Linda trở nên xa lạ. Cô ấy nhìn tôi khá lâu rồi vùng dậy mặc quần áo. “Miễn sao anh phải viết xong tiểu phẩm”, cô ấy nói.



Tôi biết rượu từ trước khi đến đây. Tôi uống đều từ hồi còn là sinh viên, và hồi tôi làm luật sư - kiếp trước của tôi, mọi người bảo thế. Có một cái bar rượu dưới tầng ngầm gần chỗ tôi làm, tối nào tôi cũng đến, ngồi trên một chiếc ghế tại quầy bar, làm ra vẻ không muốn tán dóc với tay bartender. Cậu ta chắc hơn tôi một vài tuổi, tôi ghen với sự tự tin của cậu ấy, với cậu ta mọi tình huống đều có thể xử lý được. Tôi bo rất bạo tay. Sau một thời gian cậu ta mời tôi tôm dần và bánh pie. Ba mẹ tôi đã ly dị từ dạo ấy, Ba tôi lên Sydney, mẹ tôi chuyển về một căn hộ chung cư cho người nghèo của chính phủ.

Đó là tất cả những gì tôi đã làm. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về đếm từ như một vị tướng đếm số binh sỹ tử thương. Tôi đã đến Iowa hơn một năm, ngày tháng trôi nhanh, tôi đã viết được ba chuyện rưỡi. Khoảng mười bẩy ngàn từ. Khi tôi làm ở công ty Luật, tôi đã viết từng ấy từ trong vòng vài tuần. Và chắc chắn có tác dụng cho ai đó.

Hạn nộp bài đã đến, mệt mỏi rã rời, và tôi miễn cưỡng đi gặp họ. Và trong khoảng thời gian trống, tôi lại ngã vào màn hình trống không với những suy nghĩ chậm chạp, cố gắng các kiểu, viết mọi nơi, trên giường, trong cả bồn tắm. Khi hạn cuối đã đến, tôi nhớ có người bạn nói anh ấy giải quyết sự bế tắc bằng cách đổi cả thói quen viết và chuyển sang dùng máy đánh chữ. Bạn viết tự do hơn, anh ta nói, nếu bạn biết rằng bạn không xóa được những gì đã viết. Tôi mua chiếc máy chữ cũ Smith Corona ở tiệm đồ cổ. Nó kêu vo vo như cái bơm bọt bể cá khi tôi cắm điện. Trông cũng hay hay. Để lấy cảm hứng, tôi đọc thơ Victorian như điên, và uống Scotch không đá. Thật là khó khăn, mọi sự trên đời này vẫn thế. Tôi có mỗi việc ghi chép chúng lại. Trên trời, hai đàn én hội đàn, rã đàn, uốn liệng như giải lụa phất phới trước gió. Trong khi xếp hàng ở siêu thị, một người đàn bà đen cúi mình hôn cái tay cầm chiếc xe đẩy, da bà ta đen và bóng như chiếc đàn dương cầm.

Tuần lễ trước khi Ba tôi tới, một người bạn nhắc nhở tôi vì tư tưởng đầu hàng của tôi. 

“Bế tắc à?” Dưới ánh đèn đường, hơi rượu bourbon phả ra từ miệng anh ấy. “Làm sao bế tắc được? Cậu hãy viết một chuyện về Việt nam ấy.”

Chúng tôi có đến dự một party có mục đọc chuyện của một cây bút thành công của Trại viết, một phụ nữ Trung quốc muốn nhập cư vào Mỹ đã viết chuyện ngắn về những người Trung Hoa đóng kịch để nhập cư Mỹ. Chuyện khá mơ hồ nhưng hay. Tin đồn là chị ấy nhận lời mời hợp đồng bạc triệu với hai cuốn sách. Cái đó nghĩa là những điều chưa nói ra là luật bất thành văn. Mọi người bàn tán sôi nổi đề tài ấy.

“Chủ đề nóng đấy,” người hướng dẫn viết văn nói với tôi tại quầy bar. “Văn học sắc tộc đang nóng đấy. Mà cũng quan trọng nữa.”

Một vài những nhân viên nhà xuất bản văn học cũng có cùng quan điểm: “Có rất nhiều tác phẩm bóng bẩy xung quanh,” một người nói: “Bạn hãy tự hỏi, cái gì làm cho bạn độc đáo?” Người bạn cô ấy nhấn mạnh: “Đó là bản sắc và kinh nghiệm sống của bạn.”

Một người phản đối: “Tôi chán văn học sắc tộc lắm rồi” một người nói: “Toàn chuyện ẩm thực” Hoặc: “Chẳng biết được ngôn từ dùng không thành thạo vì người viết cố tình hay thiếu thốn từ vựng.”

Người ta kể cho tôi về bạn của người bạn, tốt nghiệp Havard, mặc lễ phục Nigerian trên bìa 4. Tôi hình dung mình đứng giữa ruộng lúa, đầu đội nón lá. Và tôi hình dung Ba tôi đứng cùng trên mảnh ruộng ấy trông mệt mỏi, mắt hơi cau có.

“Đó là chứng chỉ cho sự nhàm chán,” bạn tôi nói. Chúng tôi say mèm, dắt xe đạp về nhà, cả hai chúng tôi đều bị xịt lốp xe.

“Nói chung các nhân vật đều nhàm chán. Nếu như người Trung quốc viết về người Trung quốc, người Pê ru viết về người Pê ru, người Nga viết về người Nga...” cậu ấy nói ê a như trẻ con đọc bài tập đọc, rồi ngưng vì bị cắt luồng suy nghĩ. Những lời nhận xét đầy ngờ vực. Tôi nghĩ là cậu ấy đang bực bội cái gì đó.

“Nhìn kìa,” Tôi nói, chỉ về phía một tiền sảnh sáng đèn đằng trước. “Mấy thằng kia có súng.” 

“Chừng nào mỗi nửa trang có hình ảnh hay hay hoặc một ẩn dụ thú vị” anh bạn chìa ngón tay làm dấu nửa trang viết, xe đạp cậu ấy loạng choạng. Tôi gật đầu với cậu ấy và gật đầu với gã đứng dưới mái hiên, hắn gật lại. Một gã khác phất chúng tôi qua nhanh với khẩu súng săn báng gỗ. Một chiếc xe đang nổ máy trên lối vào, giọng phụ nữ the thé từ trong xe vọng ra, “Đừng bắn! Đừng bắn!”

“Faulkner, cậu biết không,” bạn tôi nói tiếp qua hơi thở, “đã nói rằng ông ấy định viết về những đề tài cũ. Tình yêu và danh dự và thương hại và tự hào và cảm thông và hy sinh.” Một tiếng động chát chúa đằng sau chúng tôi, như tiếng đập của chiếc búa lớn, sau đó tiếng ống xả gầm lên. “Đáng lẽ tôi không nên nói điều này”, bạn tôi nói “Chính vì thế nên tôi không để ý đến văn của cậu, Nam ạ. Bởi vì cậu viết mãi về thuyền nhân Việt nam. Giống như chuyện thứ ba của cậu.”

Cậu ấy nghĩ rằng tôi cúi đầu khiêm tốn nghe cậu ta nói, thực ra tôi đang tìm xem mình bị bắn vào đâu, vào lưng hay vào đùi. Tôi thấy đau nhói. Viên đạn chì chắc phải sượt qua đâu đó.

“Cậu có hoàn toàn có thể sử dụng đề tài Việt nam. Đằng này, cậu chọn viết về ma cà rồng nữ và sát thủ Colômbia, và trẻ mồ côi Hiroshima hay họa sỹ New York bị trĩ.”

Một giây bàng hoàng tôi sực tỉnh. Được liệt kê như thế bằng một giọng rưọu bourbon lè nhè, những chuyện ngắn của tôi chìm vào sự an ủi được phóng đại. Chân tôi vẫn nhói đau. Tôi tưởng tượng thò tay trong quần, rút tay ra giơ lên trước mặt thấy dính máu. Tôi tưởng tượng quay lại, im lặng tiến về phía mái hiên, và đá văng hai thằng nhóc đi. Tôi sẽ kể chuyện vào máy ghi âm trên giường bệnh viện. Tôi định viết chuyện tiếp tại phòng giam của cảnh sát quận. Tôi định giết một trong hai thằng đó, dĩ nhiên ngộ sát, nhưng sẽ không kể lại cho bất cứ ai. Thực ra quần jean của tôi chẳng bị thủng lỗ nào cả.

“Tớ là thằng tồi”, bạn tôi nói, loạng choạng dắt chiếc xe đạp trước tôi vài bước.


Nếu bạn hỏi tôi vì sao tôi đến Iowa, tôi sẽ nói Iowa thì đẹp, ở đâu mà chả đẹp, cái kiểu chung chung: nếu bạn cho đấy là câu trả lời bạn tự hỏi mình mỗi ngày, thì cứ đến đấy sẽ biết.

Chiều hôm ấy, tôi định đến chỗ Linda, Ba tôi gọi tôi từ trong phòng ngủ. Tôi đứng ngoài. Ba tôi sắp đi ngủ. “Con đi đâu đấy ?” Giọng Ba tôi vang lên.

“Con đi dạo một chút,” tôi đáp.

“Ba đi cùng với con.”

Tôi luôn luôn ngỡ ngàng vì sự dài rộng ở phố Summit: những ngôi nhà hai tầng lớn, thảm cỏ rộng và dốc nghiêng xuống như sân golf, những cây du cổ thụ cành nhánh xum xuê, tôi hình dung những ông bố treo cái đu cho con gái, những cô bé mặc váy trắng. Lá cây du, chuyển vàng rồi đỏ, đỏ xậm rồi nâu úa. Mưa đã tạnh. Chẳng hiểu tại sao, chúng tôi đi giữa tâm đường, mặt đường đen như lưng cá voi lấp lóe ẩn hiện sau lớp lá rụng sặc sỡ.

Tôi hỏi Ba, “Ba định làm gì trong thời gian ở đây?”

Mặt ông ấy trắng bệch một nụ cười cố định. “Đừng để ý tới Ba làm gì,” ông ta nói. “Ba sẽ ngồi thiền, hoặc đọc sách.”

“Dưới phố kia có một quán cà fê,” tôi nói. “và cả tiệm ăn Nhật bản.” nghe có vẻ thảm hại. Thực là tôi không biết Ba tôi làm gì cả ngày. Ông mỉm cười, cúi nhìn mặt đường đang chuyển dưới bước chân.

“Con phải viết Ba ạ,” tôi nói.

“Con viết văn à.”

Và tôi không hiểu Ba cười gì. Ba đã hoàn thiện cái cách cười ấy kể từ khi chúng tôi không gặp nhau. Một kiểu nhếch mép, bí ẩn, hơi vô cảm mà tôi ngỡ là dấu hiệu tuổi già nếu không có đôi mắt còn nhanh nhẹn của Ba.

“Có một cái bảo tàng nghệ thuật bên kia sông,” Tôi nói.

“À thế à, ta tới đó đi”

“Ta đi Bảo tàng?”

“Không” Ba đáp, liếc sang tôi. “Ra sông.”

Chúng tôi ngoặt sang phố Burlington và đi xuống dốc ra phía bờ sông. Ba tôi dừng giữa cầu. Nước dưới chân cầu trông đen và lạnh, chẩy chậm giữa các nhịp cầu. Bên cạnh chúng tôi sáu làn xe luớt qua xuôi ngược trên mặt đường trơn ướt, tiếng rít như xé vải.

“Con có nghe gì từ Mẹ không?” Ba tôi đứng trước lan can, cái đầu trở nên quá nhỏ bé so với chiếc áo nhồi lông dầy mà tôi đưa ông mặc.

“Thỉnh thoảng”

Ba đổi giọng trịnh trọng bằng tiếng Việt: “Má thằng Nam có khỏe không?”

“Má khỏe,” Tôi nói rất to - cố át tiếng xe tải gào khi chạy ngang. Ba gật đầu. Đằng sau ông, bờ đông của con sông hiện ra mờ mờ trong ráng chiều. “Đi thôi Ba”, tôi nói. Chúng tôi đi qua cầu và bước tới quán cà fê Dairy Queen. Tôi trở ra với hai ly cà phê giấy trên tay, Ba tôi đã đi tiếp ra phía bờ sông. Cạnh Ba là một ông râu ria xồm xoàm, quần áo nai nịt nặng nề, đang cúi xuống hơ tay trên một bình ga đang cháy. Tôi chưa thấy cảnh này ở Iowa.

“Con trai tôi đấy,” Ba tôi nói, khi tôi đang tiến về phía bờ sông. “Nó là nhà văn”. Tôi liếc nhìn ông ta nhưng mặt ông ta chẳng biểu lộ vẻ gì. Ba tôi nhấc ly càfê trên tay tôi. “Ông có muốn uống ly càfê không?”

“Cảm ơn, tôi không uống”. Người đàn ông đứng im, chăm chú nhìn đôi găng tay len, màu da cam đang xoa quanh bình ga. Giọng ông ta nhẹ nhàng, quần áo to sụ nặng nề. Tôi ngửi thấy mùi hôi của súc vật tỏa từ người ông, mùi ga cháy, và cả mùi mưa.

“Tôi đã đọc chuyện của nó,” Ba tôi tiếp tục nói thứ tiếng Anh giật cục, “viết về thuyền nhân.” Ba tôi nhìn thẳng vào đôi mắt trống rỗng ươn uớt của ông ấy, và nói một câu quan trọng, “Chúng tôi là thuyền nhân Việt nam.”

Cả ba chúng tôi đứng đó khá lâu, xem ngọn lửa. Khi tôi ngẩng đầu lên, trời đã tối.

“Con có tiền không?” Ba tôi hỏi bằng tiếng Việt.

“Welcome to America,” (Chào mừng Bạn đến Mỹ) người đàn ông nói khẽ qua hàm râu. Ông ta không buồn ngẩng lên khi tóm vội lấy tờ giấy bạc ẩm ướt.

(còn nữa)

Nhận xét