Tình yêu và Danh dự và Thương hại và Tự hào và Cảm thông và Hy sinh

 
 (tiếp theo) 
 
Ba tôi hay bị đẩy về phía sự yếu đuối, nhưng ông không chấp nhận sự yếu đuối ở tôi. Ba tôi từng là lính chiến, ông kể với tôi như vậy một lần, và làm như thể điều ấy nói lên tất cả. Với tôi, Ba tôi là kho châm ngôn và các quy tắc. Không được gọi phôn. Không bạn gái. Không đọc linh tinh ngoài sách học. Khi tôi học tiểu học, Ba tôi bắt tôi vạch thời gian biểu học mười tiếng một ngày trong kỳ nghỉ hè, và phạt nếu tôi không thực hiện. Ba tôi biết cách vụt tôi bằng roi mây hai mươi lần mà chỉ để lại một vạch đỏ bầm chạy ngang trên mông tôi. Sau đó ông xoa dầu cao con hổ lên vết thương. Tôi ức phát khóc vì đã khóc trước mặt ông. Có lần má tôi không bắt tôi ăn trái sầu riêng vì tôi buồn ói, Ba tôi bắt tôi ăn trước mặt khách. Đói ăn muối cũng ngon. Đói thì ăn gì cũng thấy ngon. Tôi đã biết ghét Ba với một bộ mặt bướng bỉnh.

Khi tôi mười bốn, tôi biết được rằng Ba tôi có sống qua một vụ thảm sát. Sau này tôi có thấy qua ảnh, bài viết và sách báo, nhưng ngày ấy, tại những buổi họp mặt gia đình bạn bè ở Melbourne, chuyện ấy chỉ là một trong những câu chuyện của những người nhậu xỉn. Họ ngồi khoanh chân trên giấy báo, quanh tấm nilon xanh, uống thứ bia rẻ tiền đến say xỉn. Đêm đó, khi mọi chuyện bắt đầu bung ra sôi nổi ở cuộc nhậu. Những khuôn mặt đỏ bừng, những tiếng chửi thề, bia rót tràn trề. Chúng tôi về trễ, những người đàn ông dịch chuyển vòng quanh chừa ra một chỗ cho Ba tôi.

“Thanh! Đù má! Sao về trễ vậy – sợ à? Ngồi xuống, ngồi xuống đi”

“Cho hắn năm chai.” Một người nói giọng dữ tợn. “Tụi tao tha cho mày đấy. Mỗi người ở đây đã uống bẩy tám chai rồi.”

Lần đầu Ba tôi cho tôi ở lại. Tôi ngồi vòng ngoài, xem họ uống một cách thú vị. Những giọng Việt nam rất nặng, chửi thề, nhạo báng con cái, trêu trọc một ai đó bị nói lắp, “Cái đó công suất nă-nă-nă-năm trăm ngựa !” Ba tôi cười khoái chí rất tự nhiên, mặt ông đỏ lựng như say nắng. Tay ông cầm bát và đũa, trông ông như bị lọt thỏm giữa hai người đàn ông tranh luận về chuyện chiến tranh. Tôi thấy ông thỉnh thoảng gắp đồ nhậu ê hề đầy giữa chiếu. Thức ăn gọi là đồ nhậu: thức ăn để nhắm rượu. Những mớ hào lớn nhúng sốt tiêu xả ớt. Những con ốc biển lớn như trái bóng bi-da. Xa lát gà xé phay kiểu Nam bộ, nhúng dấm ăn với bánh tráng. Một người kêu tên Ba tôi, ông buông đũa và nói với giọng điềm tĩnh:

“Trời, súng bắn trước rồi tới hỏa châu, và M60. Ông còn nhớ tiếng nổ sao không? Nổ dữ như điếc cái lỗ tai luôn. Tôi núp dưới hầm lô cốt dưới cái chùa, má tui với bốn đứa em và bà Trân bán bánh, và vài người khác. Chẳng còn nghe thấy gì hết. Rồi tiếng súng ngớt. Bà Trân bảo phải lên hết. Nếu núp dưới đó, tụi Mỹ nó tưởng Việt Cộng. “Tui không ra đâu” má tui nói. Nhưng bà Trân nói “Tụi nó có lựu đạn đó”. Tui rất sợ vì chưa gặp tụi Mỹ bao giờ.”

Tôi phải mất ít lâu để chắp nối hình ảnh Ba tôi với câu chuyện ông kể. Ba tôi nhìn thấy ánh mắt đó của tôi, ông dừng lại một chút, như là ông đang kể chuyện bí mật với tôi. Ba tôi đã say.

“Rồi chúng tôi leo lên. Khói bụi khắp nơi, có tiếng trực thăng và M16. Nhà cháy. Trong khói tôi thấy thằng Mỹ. Tui xuýt phì cười. Nó mặc quân phục trông lôi thôi quá - quá rộng - nó đeo chuỗi hạt và đội nón lưỡi trai. Nó đeo súng M16 trên vai trông như cái mai. Trời đất, tụi nó trông không giống Việt Cộng tý xíu nào, họ gài nút áo lên tới cổ và giắt trong quần kể cả khi bò trong địa đạo cả ngày.”

Ba tôi cầm đũa gắp miếng tiết canh - một món ăn đặc biệt chế từ thịt băm với máu vịt đã đông. Vài người khác cười tủm tỉm khi thấy răng Ba tôi đỏ máu, Ba tôi vừa nhai vừa kể: “Tụi nó lùa chúng tôi đi ra phía đầu làng phía đông. Chúng nó có khoảng mười thằng, chúng tôi khoảng năm chục người. Bà Trân cứ nói “No VC no VC.” Tụi nó chẳng nghe gì, qua tiếng ồn của súng máy và súng phóng lựu đạn M79. Nhớ những thứ đó không? Mỗi tôi nghe bà Trân kêu gào thôi. Tui thấy mảnh súc vật tung tóe trên mặt ruộng, có con trâu chết còn có một nửa, phần thịt còn lại như bị xúc đi bởi một cái thìa lớn. Qua làn khói tôi thấy Ông Long đang vái thằng Mỹ. Vợ ông con gái và cháu ông đứng đằng sau sợ sệt. Tôi muốn gọi ông. Thằng Mỹ tiến lên dộng báng súng vào đầu ông rồi nó quay súng thọc lưỡi lê vô cổ ông già. Chẳng ai dám kêu chi hết. Má tui lấy tay che mắt tui, nhưng tôi còn thấy cái thằngMỹ đó gạt chốt súng của hắn từ liên thanh sang phát một và bắn ông Long. rồi nó và thằng bạn nó kéo con gái ông vào cái lán, hai đứa con gái nhỏ bám vào chân mẹ bị kéo lê theo.

“Chúng bắt chúng tôi dừng ở một cái mương gần cầu, Xác người nằm la liệt, có đứa bé mất một bên đầu, có ông sư máu đỏ cả áo cà sa. Tui thấy có xác xăm hình át bích trên ngực. Tui không hiểu. Mấy đứa em tui không khóc.Tất cả chúng tôi gào lên ‘No VC no VC’, tụi Mỹ hằm hè, nhổ nước miếng và cười. Một thằng nói gì đó, thế là bọn chúng xô chúng tôi xuống mương, có ngập bùn. Má tôi xuống trước và bế các em tôi xuống. Tôi nhìn lên trời thấy quá trời trực thăng, đủ các kiểu cái lớn cái nhỏ cái cao cái thấp. Chúng bắt chúng tôi quỳ dưới mương nước. Chúng kê súng máy. Chúng lại bắt chúng tôi đứng dậy nữa. Một thằng lính Mỹ, mặt tròn, khóc và nức nở trong lúc nó nạp băng đạn. ‘No VC No VC’. Bọn chúng không nhìn chúng tôi. Chúng bắt chúng tôi quay lưng lại. Chúng lại bắt chúng tôi quỳ xuống mương nước. Khi chúng khai hỏa, tôi thấy người mẹ tôi nẩy lên trên lưng tôi rất nhiều lần, và rồi tiếng gầm rú của trực thăng lớn mãi lớn mãi, sau đó tôi chỉ thấy tối đen, ướt, ấm và ngọt.”

Vòng tròn trở nên im lặng. Má tôi từ bếp đi ra, ngồi xuống sau ba tôi, quàng tay qua cổ ông. Đây là ngoại lệ nhỏ. “Trời đất,” Má nói, “mấy ông hết chuyện để nói rồi hay sao chứ ?”

Bàn nhậu lại im lặng, một người khịt mũi rồi nói lớn, “Cậu thắng rồi, chuyện của cậu nghe ghê quá!” thế là tất cả cười ồ, kể cả Ba tôi. Tôi cũng cười theo. Họ lại cụng ly và nói những lời chúc tụng nhau tôi không hiểu hết.

Có thể câu chuyện không chính xác như thế. Có thể tôi thêm thắt. Chẳng cần tuyên thệ khi viết điếu văn, thế cũng là đủ giống sự thực rồi. Ba tôi lớn lên ở Quảng Ngãi, làng Sơn Mỹ, thôn Tư Cung, sau này người Mỹ gọi là Mỹ Lai. Năm ấy cha tôi mười bốn tuổi.


Đêm ấy, tôi cắm chiếc máy chữ Smith Corona. Nó ro ro như hứa hẹn. Tôi lôi chai Scotch dưới gầm bàn ra và rót cho tôi một xuất đúp. Đù má, Tôi nghĩ thầm, chỉ còn hai ngày rưỡi. Tôi sẽ viết một chuyện đề tài sắc tộc Việt nam của Ba tôi. Chuyện được đấy. Chuyện hay đéo chịu được.

Tôi nạp giấy mới. Đầu trang, tôi gõ “CHUYỆN SẮC TỘC” viết hoa. Qua hàng. Tiếng máy bay trực thăng vọng trong đêm đen. Máy chữ bắt đầu gõ.
 

Tôi tỉnh dậy hôm sau. Tại quán càfê, tôi ngồi với tập bản thảo xem người qua lại. Họ cười nói, nhấm nháp càfê, nghe họ nói, tôi sức nhớ mình đang ở một thị trấn nhỏ nước ngoài.

Tôi nghĩ đến Ba tôi trong căn phòng bé nhỏ bụi bặm của tôi. Ba luôn đóng cửa khi tôi đi. Tôi nhớ lúc ngó vô phòng Ba trước khi đi: Ba tôi lọt thỏm dưới tấm chăn, cái đầu ông quá bé nhỏ so với cái gối. Ba tôi già đi rất nhiều mấy năm qua. Da của Ba tai tái trong ánh bình minh xanh. Ba đang ở đây cùng tôi, và ông đang làm phần đời còn lại của tôi trở nên siêu thực.

Tôi đọc lại phần đã đánh máy: nghĩ đến Ba ở tuổi này, vẫn rất trẻ con, Ba sẽ trở thành ai. Cửa quán mở, gió lạnh ùa vào. Tôi cố gắng tập trung. 

“Này!” Linda bước vào, mặc chiếc áo khoác lữ hành da cam đem theo mùi tươi mới nơi cô ấy vừa qua. Cô ấy vội tắt nụ cười. “Anh làm gì ở đây thế?”

“Đang viết dở chuyện của tôi.”

“Ba anh có đây không ?”

“Không”

Bạn cô ấy đợi ở quầy. Cô ta gật đầu với họ, cô ta đi vòng ra đằng sau tôi, để một tay lên vai tôi. “Chuyện đây à ?” Cô ấy cúi người xuống trên vai tôi mái tóc xòa ngang mặt. Linda nhặt vài trang im lặng đọc. “Tôi không hiểu lắm” cô ta nói để chúng xuống bàn. 

“Anh làm gì ở đây ?”

“Em muốn nói cái gì?”

“Anh chưa bao giờ kể với em những thứ này.”

Tôi nhún vai.

“Có phải Ba kể cho anh? Bây giờ cha con đã nói chuyện với nhau rồi à?”

“Không hẳn thế,” Tôi nói.

Tôi quay về phía Linda, mắt cô long lanh.

“Anh biết em nghĩ gì không?” Cô nhìn vào trang viết và nói “Em nghĩ rằng anh đang bào chữa cho Ba”

“Bào chữa?”

“Anh đang thi vị hóa quá khứ của Ba,” cô tiếp tục nói khe khẽ, “để hợp lý hóa những gì ông ấy đã làm với anh.”

“Chẳng qua là câu chuyện thôi mà,” tôi nói. “Anh đã kể gì nhỉ”

“Anh kể ông ấy ác với anh lắm mà”

Thật là quá thể, những từ ngữ ấy và liên tưởng. Tôi nhìn Linda một cách nghiêm trang, khuôn mặt rất nét với cặp mắt long lanh, tôi có cảm giác, khuôn mặt ấy đang xâm chiếm tôi. “Anh chưa bao giờ nói thế .”

Linda lùi lại nửa bước. “Hãy nói cho em đi,” cô nói, giọng bẹt xuống. “Anh chưa bao giờ giới thiệu ông ấy với bồ cũ của anh, đúng không ?” Câu hỏi rất riết róng thể hiện trên mặt cô ấy.

Tôi không nói gì cả, sau một lúc Linda gật đầu và cắn môi. Tôi hiểu cử chỉ ấy. Ngay lúc ấy, tôi đã biết tôi phải làm gì, tôi phải đứng lên kéo Linda về phía mình và thầm thì vào tai cô ấy, nhưng tôi chỉ tiếp tục nghĩ về Ba và sự tha thứ. Những thi thể mềm oặt đè trên ông. Ông đã nằm đó mười tiếng đồng hồ, bùn sặc vào tận phổi. Tôi cảm thấy mình trở lại với những thói quen cũ kỹ.

Linda bước tới và hôn lên đầu tôi. Đó là một thói quen của cô ấy: sẽ có một cử chỉ ân cần sau mỗi cuộc tranh luận. Tôi không nhìn cô ấy. Má tôi thường kể câu chuyện khi gia đình tôi mới tới Úc, chúng tôi sống trong một nhà khách ngoại ô, ở đấy người dân rất thân thiện – khi gặp nhau họ ôm hôn nồng nhiệt. Ba tôi – hài hước và thích thú – đặt tên phố ấy là “ phố tình nhân.”

Tôi nhìn ra cửa sổ, trời đã tối, buổi tối xập xuống đen sẫm. Một người đàn ông và một người đàn bà ngồi đối diện trên chiếc bàn cao. Cô gái cúi người về phía trước, tỳ ngực vào bàn đưa hai cùi chỏ ra phía trước, bàn tay gần chạm vào người đàn ông. Khi nói chuyện hàm răng cô lấp lánh. Đằng sau họ là một phụ nữ và thằng con trai. “Mẹ không chơi đâu,” bà ta lẩm bẩm, tay lật giở một cuốn tạp chí.

“L,” thằng bé nói.

“Mẹ bảo mẹ không chơi.”



Tôi tin như thế này: chúng ta tha thứ những sự hy sinh của cha mẹ, chừng nào nó không có trong tên của chúng ta. Với Ba tôi, không có tên khác – chỉ có tên tôi và ông đặt tên tôi như miền đất mà ông đã rời bỏ. Sự hy sinhcủa ông đã thực hiện xong và nó thúc bách ông đến tất cả mọi thứ đã xảy ra. Với tất cả những thứ đó, Tôi không đủ.

Năm mười sáu tuổi, tôi bỏ nhà đi. Theo một cô gái, và thứ thuốc gây ảo giác, và khả năng mất mát lớn hơn bất kỳ sự mất mát nào tôi có thể nghĩ ra. Cô ấy có tất cả những điều Ba tôi cấm đoán, nên đi theo cô ấy là xứng đáng. Ba tôi nói đúng về cô ấy: cô ấy dậy tôi đau đớn và hứa hẹn. Chúng tôi như hai con thú trong bóng tối, giằng xé nhau, nhưng không hề có một chút xíu cảm xúc dâng hiến – tôi đã có cảm giác như thế. Khi Ba tôi biết chuyện Má tôi bao che cho tôi, ông ấy cho má tôi một tối hậu thư. Má tôi đến ở nhà người bạn làm nghề may để tập chạy máy overlock và tiếp tục gửi tiền cho tôi.

“Tất nhiên má muốn về với Ba,” Má tôi nói khi tôi về thăm bả. “Nhưng má muốn con cũng về.”

“Ba đâu có muốn con về.”

“Con là con của Ba,” má nói . “Ba muốn con về”. Tôi giặt bộ đồng phục học đường nhờ bạn cắt tóc giùm và chờ hết giờ học thì lên tầu về nhà. Ba tôi tự cho phép ông gặp tôi. Khi ông ấy đi vô phòng khách, tôi thấy ông ấy thay chiếc sơ mi và tóc ông ướt. Tôi thấy người như ốm, mặt tôi vã mồ hôi lạnh, tôi bị cảm. Căn phòng toàn mùi dầu bạc hà. Ba hỏi sống tôi ra sao, tôi nói tôi khỏe, và ông hỏi bạn gái tôi ra sao, tới lúc ấy tôi có cảm giác ông nói với tôi không như cha nói với con mà như hai người bạn, và điều đó làm tôi dịu bớt. Tôi đã tập kìm bớt cái máu nóng, nhưng những lời hỏi han ấy tốt hơn tất cả. Tôi miễn cưỡng nhìn ông và yêu cầu Ba đón Má về.

“Còn con thì sao?”

“Con sẽ không lấy tiền của Má nữa.”

“Về nhà đi”, cuối cùng Ba tôi nói. Giọng ông nghẹn lại.

Sau đó tôi cảm thấy những sự bực bội của tôi như những bánh xe ròng rọc bị Ba kéo đi không cưỡng lại được.

“Không, Ba” Tôi bật ra câu ấy.


Căn hộ sực mùi tỏi chiên và dầu mè khi tôi bước vào. Ba tôi ngồi bệt trên sàn phòng khách, trên chiếc nệm mỏng ông mang theo. Đó là chiếc nệm mút trắng. Ba nói vì Ba đau lưng. “Còn cơm chiên trong bếp ấy.” 

“Cảm ơn Ba”

“Ba đã đọc truyện của con sáng nay,” ông nói, “lúc con đang ngủ”. Ruột tôi thắt lại. Tôi đã quên không dấu tập bản thảo. “Có mấy chỗ không đúng.”

“Ba đọc làm gì?”

“Chuyện cuối cũng có chỗ không đúng.”

Chuyện cuối của tôi. Tôi nhớ lại cú phôn của Má kể: Ba tôi, từ khi thất nghiệp sống độc thân ở Sydney, bắt đầu gửi email cho các bạn cũ của ba bốn chục năm về trước. Má khuyên tôi nên nói chuyện với Ba. Tôi gửi Ba chuyện về chuyến vượt biên của gia đình. Ba tôi không trả lời. Tôi từ bếp ra với một đĩa cơm đầy, tôi cố nhớ những chi tiết tôi chưa nghiên cứu kỹ. Có lẽ đoạn tả Rạch Giá – trước khi chúng tôi lên thuyền. Tôi gắp đậu phụ, đậu xanh và hạt điều. Ba đã đi chợ bữa nay. “Đó là chuyện mà Ba”, tôi nhai chầm chậm, “Hư cấu thôi” 

Ba tôi dừng một chút, và nói, “Thế thì được con.”

Đã từ rất lâu tôi ăn toàn đồ tây, khoai tây chiên, mì sợi và bánh pi-za. Tôi thèm đồ ăn Việt. Khi tôi ăn, Ba nằm dài trên tấm nệm.

“Lưng Ba sao rồi ?”

“Ba mới đi chụp CAT scan” ông nói “Ba bị mất chất nhờn các đốt sống.” Ba cười nhăn nhó, vắt chéo chân chữ ngũ. “Ba sẽ đưa con xem phim chụp.”

“Có đau không Ba ?”

“Đau chứ.” Ba tôi cười, như thể đang nói chuyện đùa. “Nhưng Ba làm gì được đâu con. Chấp nhận thôi.”

“Họ có mổ được không?”

Tôi cảm thấy sự quan tâm nhạt dần. Tôi là thằng con hư. Ba tôi ly thân Má tôi khi tôi bắt đầu vào trường Luật từ đó ông hay bị đau lưng lặp đi lặp lại – ông luôn nấp sau cái triết lý nhà Phật về nhân quả, nên cái bản ngã lạnh lùng của tôi luôn nghi ngờ rằng ông phóng đại, nhằm kéo sự quan tâm của tôi rồi lại trách móc sự quan tâm ấy. Ba đã bắt tôi đi học lớp karate tới khi tôi mười sáu, trong một lần cự cãi cuối cùng giữa hai cha con, ông tiến đến phía tôi và tôi đã đứng thủ thế. Ông cười khi tôi đang căng thẳng đối phó. “Được đấy”, ông nói. Cha con tôi bùng nhùng trong những hành vi sai quấy. Chúng lấy hết tất cả thời gian để hiểu những điều chúng tôi đang đối diện, chúng tôi đối diện cả những vấn đề của người khác.

“Con muốn nói chuyện với Ba” 

“Khi về già, cơ thể nó cứ dão ra thế,” ông nói

“Không, con định nói về cái truyện ngắn kia.”

“Nói chuyện à?”

“Vâng.”

“Chuyện gì vậy?” Ba tỏ ra thích thú.

“Về những cái sai ấy,” Tôi nói.


Bạn hỏi vì sao tôi sang Iowa, tôi sẽ trả lời vì tôi là Luật sư, và vì tôi không là Luật sư. Mỗi 24 giờ, tôi thức dậy buổi sáng đầy sương mù, im lặng leo lên xe buýt, xe điện, thang máy, chẳng nói một câu, mặc quần áo ấm, tay cầm cốc cà fê nóng đến văn phòng làm việc tại những cao ốc hiện đại nhất Melbourne – toàn kính. Thời gian tính theo đơn vị 6 phút một. bạn bè ăn trưa hết 8 đơn vị. Tôi ghét cái việc tôi đang làm và làm tốt. Chính ra, tôi ghét công việc ấy khi biết công việc ấy làm Ba tôi tự hào về tôi. Khi tôi nói với Ba bỏ việc để đi Iowas học viết văn, ông nói, “Trau buoc ghet trau an”. Trâu buộc ghét trâu ăn. Lúc ấy Ba tôi không còn khả năng kiểm soát đời tôi, Tôi đã hai nhăm tuổi.

Đừng viết những gì người khác không viết được, mà hãy viết những gì chỉ có mình anh viết được. Tôi lại thấy những dòng này trong cuốn vở cũ. Người viết câu ấy hẳn biết rõ rằng thế nào là sự phẩn bội của thời gian, sự rỗng tuếch cảu ngôn từ, những câu chữ bạn từng yêu mến, nay úa tàn trên trang viết.

“Sao con viết truyện này vậy?” Ba tôi hỏi.

“Nó là một câu chuyện hay Ba”

“Nhưng có nhiều chuyện khác con có thể viết được mà.”

“Chuyện đó quan trọng mà Ba. Con muốn cho mọi người biết.”

“Con muốn họ thương hại.”

Tôi không biết có phải đó là câu hỏi. Tôi cảm thấy tự ái. “Con muốn mọi người nhớ lấy”, tôi nói.

Ba tôi im lặng một lúc lâu. Sau đó ông nói, “Chỉ có con nhớ, Ba nhớ. Mọi người đọc xong, phủi tay và quên hết.” Ông nghiêm mặt một lúc. “Nhiều khi cách tốt hơn là quên đi, có đúng không ?”

“Con vẫn viết,” Tôi nói. Cảm xúc trở lại trong tôi – tôi nhớ lúc gõ máy chữ đêm hôm trước. Một suy nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: “Nếu con viết một câu chuyện thật,” tôi nói với Ba, “Con sẽ bán nó dễ hơn.”

Ba tôi nhìn tôi thăm dò, như thấy điều gì đó trong mắt tôi. Cuối cùng ông nói, giọng điềm tĩnh, “Ba nói con nghe”. Ba tôi ngưng laị suy nghĩ. “Tin Ba đi con, đó không phải là chuyện con sẽ viết được đâu.”

“Dù sao con vẫn cứ viết mà Ba”, tôi nhắc lại.
 
 
Khi tôi dậy Ba không còn trong nhà nữa. Một mẩu giấy trên bàn: Ba đi dạo. Ba có cầm theo truyện của con để đọc. Tôi ngồi trên chiếc cầu thang thoát hiểm tay cầm cốc rượu Scotch, chờ Ba. Để cho ấm người, tôi uống , hơi ấm của rượu luồn lách từ từ qua khắp lồng ngực đi xuống dần trong cơ thể. Tôi chỉ ngủ có ba tiếng, còn lừ đừ mệt mỏi và cảm giác thật trễ nải, yên tĩnh. Cây phong lá đỏ bên hàng xóm đã trơ cành. Tôi đảo mắt qua cửa sổ nhà hàng xóm, hoàn toàn trống trải.

Chắc Ba sẽ đọc, với thứ tiếng Anh học từ sách, và Ba sẽ nhận ra mình trong chuyện theo cách của ông. Ông có thể nhận ra tôi. Ba có thể thấy sự ghê gớm của những trải nghiệm trong đời ông, giá trị của những nỗi đau ông đã trải – tôi đã làm những nỗi đau ấy bật ra thành tiếng ra hơn chính bản thân nó. Ba sẽ hài lòng về tôi.

Tôi ực nốt cốc Scotch. Đã mười một rưỡi bầu trời xám xẫm và tối sầm. Truyện ngắn của tôi phải nộp trưa nay. Tôi xỏ găng tay, nhấc chiếc xe đạp ra. Ba sẽ hài lòng về tôi. Tôi đi qua các dẫy nhà, dọc phố Summit tìm kiếm hình bóng chiếc áo khoác của mình. Phố rất vắng. Tuyết lại tan, vẫn còn lớp băng mỏng trên mặt đường và tôi đi rất chậm. Mắt tôi cay xè hơi thở như sương khói, Tôi lượn xuống phố qua trường College Green, cỏ bị đóng băng, gãy vụn dưới bánh xe ràn rạt. Ánh đèn mờ nhạt hắt qua những khung cửa sổ. Trên đường Washington, một cơn gió bất chợt bứt những chiếc lá du ném chúng xuống mặt đường chậm rãi và im lặng.

Tôi đang qua quá nửa cầu thì nhận ra Ba. Tôi dừng lại. Ba đứng bên bờ sông. Không nhìn rõ mặt nhưng tôi nhận ra cái đầu nhỏ và chiếc áo lớn. Ba đang đứng với gã lang thang, cả hai cùng nhìn chiếc bình ga cháy. Khói lên đen đậm. Đột nhiên tôi nín thở một giây vì choáng. Tôi linh cảm thấy điều ông đã làm một cách chắc chắn. Tàn tro bay lên cao cuốn theo gió ra xa và rơi xuống sông. Ông vỗ vai người đàn ông, moi ra ít tiền từ túi hậu và nhét vào bàn tay đeo găng hở ngón của ông ta. Ba tôi đi lên cầu, ông nhìn thấy tôi. Một cảm giác bộn rộn xâm chiếm tim tôi. Ba tôi đi tay không cầm gì cả.

Nếu như tôi biết trước điều đã xảy ra, chắc chắn tôi đã không phải nói những điều tôi đã nói với Ba tôi lúc ấy. Tôi không phải bảo ông rằng Ba không hiểu gì cả -- rõ ràng, ông đã hiểu. Tôi đã không phải nói với Ba rằng việc Ba làm không thể tha thứ được. Rằng Tôi mong giá Ba đừng đến, hay ông chưa từng là Ba tôi. Nhưng tôi đã không biết, và tôi chờ, gió đang đổi, tôi chỉ thấy một người đàn ông mặc chiếc áo khoác quá khổ, xoa bàn tay nhọ đen vào nhau, bước qua làn khói với những tàn giấy cháy nham nhở, người đàn ông ấy đã tự hủy mình một lần nữa trong mắt tôi. Con sông phía sau ông. Gió đầy mùi axít. Tôi quay mặt đi trong ánh sáng ảm đạm và nhìn xuống dòng sông. Dòng sông sắp đóng băng, trở nên lớn và đầy hơn. Nước sông vẫn chẩy, đen và gợn sóng lăn tăn. Chuyện ấy đã xảy ra với tôi, sau đó dòng sông từ từ đóng băng thật chậm – mặt sông trở nên một tấm pha lê phẳng lỳ hoàn hảo, làm sao cái mặt gương băng giá ấy có thể vỡ tan được ra bởi sự va chạm của một âm tiết.

(Trích từ tập truyện ngắn Thuyền của Nam Le Copyright © 2008)

Nhận xét