Москва không tin vào những giọt nước mắt (2)

Misha Đoàn


Bài 2: Con buôn
 
Nói không ngoa là đến 99% người sang Liên Xô học, công tác, làm việc… đều có dính dáng đến “buôn bán”.


Hàng từ Việt Nam mang sang chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm (dỏm), đồ điện tử… và từ Liên Xô mang về thì đủ thứ thượng vàng, hạ cám từ tủ lạnh, máy khâu, bàn ủi đến cả dây cột nón, shampoo, xà phòng, dây ma nhê xo (để làm bếp điện – thời nay không còn ai dùng nữa).

Với bối cảnh Việt Nam những năm 80 là thời bao cấp đói nghèo, bị cấm vận thì lượng hàng hóa từ Liên Xô chuyển về qua con đường phi mậu dịch đã nuôi sống bao gia đình, cải thiện tình trạng khan hiếm hàng hóa cố hữu của nền “thương nghiệp quốc doanh” và góp phần xây dựng đất nước theo phương châm “dân giàu, nước mạnh”.

Thời đó giao lưu giữa các nước rất hạn chế, đi lại khó khăn và hàng rào thuế quan xuất nhập rất khắc nghiệt. Ví dụ mỗi khi xuất cảnh khỏi Việt Nam và nhập cảnh vào Liên Xô mỗi người chỉ được phép mang 2 quần Jeans, vài cái áo phông, vật dụng đủ dùng cho cá nhân… Đến đầu những năm 90 khi Liên Xô sắp sụp đổ và Việt Nam mới “mở cửa” thì Hải quan cả hai nước cởi mở hơn.

Thế nên những hình ảnh hài hước nhưng khá quen thuộc ở sân bay Sheremachevo, nơi các chuyến bay từ Việt Nam qua đều tập kết ở đó là những người Việt Nam bé tí nhưng to kềnh càng và đi đứng khệnh khạng như những con robot. Vì sao? Bởi vì một số người Việt để lách luật hải quan đã mặc vào người một lúc 2, 3 quần bò và mấy chiếc áo phông…

Hải quan Liên Xô hầu như đều biết chuyện đó nhưng vẫn cho qua. Tuy vậy thi thoảng vẫn có người bị bắt lại, đem vào phòng bắt cởi ra và tịch thu nên khóc hu hu giữa sân bay.

Vì sao mọi người cứ cố mang đồ sang như vậy? Bởi lúc bấy giờ Liên Xô cũng bị Tây phương và Mỹ cấm vận mà công nghiệp nhẹ của Liên Xô thì cực kỳ yếu kém, sản phẩm quần áo thô kệch, chủng loại nghèo nàn. Thế nên một quần Jeans từ Việt Nam mang sang bán có thể mua được 2 – 3 cái tủ lạnh Saratov là một gia tài bao người mơ ước ở Việt Nam thời đó.

Bởi vậy từ những chuyến chuyên cơ cấp chính phủ đến sinh viên, công nhân xuất khẩu, các đoàn du lịch hay công tác ngắn hạn từ Việt Nam sang đều lỉnh ca lỉnh kỉnh tha đồ sang Liên Xô. Thú vị là mang gì sang Liên Xô cũng bán được và mang gì về Việt Nam cũng tiêu thụ được hết, “hai bên cùng có lợi”. Nhưng mâu thuẫn ở một điều là theo Luật Hình sự của cả Việt Nam lẫn Liên Xô thì hành động đó (trao đổi hàng hóa) bị khép tội “đầu cơ, tích trữ” và xã hội của cả 2 nước (trên mặt lý thuyết) đều lên án, coi thường những kẻ “con buôn” đó.

* * *

Nó còn nhớ, hồi nó bé tí sơ tán về một làng quê ở Thái Bình. Có một bà cụ bán hàng xén ở chợ rất thương tụi con nít sơ tán như nó, thậm chí khi phát hiện ra nó mua lưỡi câu giả vờ đưa tay lên đầu gãi để giấu mấy lưỡi câu vào tóc bà vẫn hồn hậu cười, gỡ ra cho nó luôn mà không lấy tiền. Đến dịp Tết là bà cho nó mấy viên pháo tép, cho kẹo lạc và cành đào… Thế nhưng khi nghe người lớn xì xào là “bà ấy không chịu vào Hợp tác xã, đồ con buôn” thì nó đâm ra sợ và cố tình lảng tránh mỗi khi bà cụ gọi nó lại để cho gì đó. Với nó, trong tiềm thức từ thuở ấu thơ thì từ “con buôn” thật là xấu xa và khủng khiếp lắm.

Khi học xong khóa dự bị tiếng Nga và chuẩn bị đi sang bên đó nó vẫn thờ ơ khi tụi bạn xung quanh xì xào bàn tán với nhau là nên mua đồ này, đồ kia để mang đi.

Một hôm nó cùng thằng bạn cùng lớp lang thang ngoài trung tâm Sài Gòn, vô tình ghé vào một “Hợp tác xã mua bán”. Chợt thằng bạn kéo tay nó chỉ: “Tao nghe tụi nó nói là bên Liên Xô chuộng quần bò Montana lắm, bán một cái là mua được mấy tủ lạnh và TV đó!”

Nó cầm cái quần lên xem thấy xấu xí quá so với cái quần Kingjo của Thailand mà lại đề Made in Indonesia nhưng được cái không quá đắt, tặc lưỡi, thôi mua để mặc vậy. Mua xong ra đường Lê Lợi đứng tán chuyện thì chợt có một thanh niên rụt rè tiến tới hỏi bằng giọng Bắc: “Hai anh mua quần bò này ở đâu vậy?” Nó chỉ cái cửa hàng bên kia đường. Khi người kia hỏi giá bao nhiêu thì thằng bạn đi cùng chả biết lý do gì mà lại nói giá vống lên tăng gần gấp 3-4 lần.

Thế nhưng người kia lại cứ kỳ kèo xin để lại cho anh ta tuy nó đã bảo qua bên kia mà mua, có đầy ở đó. Anh ta bảo anh ta mới vào Nam, lạ lẫm nên ngại lắm, “mấy anh người trong này, cầm tiền của em rồi đi mua cái khác cũng được”. Tóm lại cuối cùng cũng đành nhượng bộ để lại cái quần cho anh ta với cái giá gấp 3-4 lần rồi hai đứa chui ngay vào chợ Bến Thành và… chạy bởi sợ người kia đòi tiền lại.

Lúc về kể với bà dì thuộc loại “tư sản đỏ” (tức tầng lớp thuộc dân Bắc sau 75 mới giàu lên), bà trợn mắt: “Đưa tiền đây tao xem có phải tiền giả không?” Nó cười: “Giả hay thật thì bọn cháu cũng đã xài hết rồi!”, rồi nó chìa cho bà xem một số đồ nó mua được bằng số tiền “chênh lệch” kia để chuẩn bị mang sang Liên Xô.

Bà dì cười: “Đấy, mày bắt đầu bước vào con đường buôn bán rồi đấy! Phi thương bất phú cháu à, ông bà đã dạy thế rồi!”



Lần đầu tiên xuất ngoại, khi ở Tân Sân Nhất cô hải quan nhìn cái vali rỗng tuyếch của nó có vẻ ngạc nhiên lắm. Rồi cô cầm bó bút chì kẻ mắt có hai đầu màu đen và nâu lên hỏi mang đi làm gì? Nó cúi mặt lí nhí là để tặng các bạn LX. Cô ấy vất lại vali và nói có vẻ thương hại: “Kẻ bằng đất sét thế này có mà toét mắt con người ta ra hả? Mà sao em không có ai chỉ dẫn, đi Tây mà chả có gì thế này phí quá. Cái cần mang thì không mang mà đi mang mấy thứ vất đi.”

Sang đến Sheremechovo nó sợ cuống cuồng vì có mang theo khoảng 10 cái kính mát tráng thủy ngân mà nó mua ngoài vỉa hè Lê Lợi của mấy bà hàng xén. Nghe tụi nó kháo nhau là khi sang Liên Xô những thứ độc hại cho sức khỏe sẽ bị tịch thu và cho máy ủi cán nát còn người mang sang có thể bị đuổi về nước ngay lập tức. Nó định vào toilet vất nhưng sợ có camera theo dõi nên không dám. Đến lúc người hải quan Nga xem vali của nó hỏi có bao nhiêu kính thì nó sợ run người nói đại khái là không phải hàng của tao, người khác gửi, mày có muốn lấy thì lấy. Có vẻ người hải quan không quan tâm đến đống kính và bút chì kẻ
mắt “đất sét” lắm mà khám rất kỹ mấy cái quần đã mặc trong vali, thậm chí còn dùng tay lần theo cạp quần để tìm kiếm gì đó. Sau đó anh ta cầm gói dầu cá mà nó mang theo lên ngắm nghía rồi đưa cho một người khác để người đó mang đi đâu ấy.

Thấy nó bị khám lâu quá, người cán bộ Sứ quán ra đón đến hỏi chuyện gì? Nó lắp bắp kể về lọ dầu cá thì ông ấy bĩu môi nhìn cái vali trống rỗng “Không mang đồ giống như moị người thì họ nghi là đúng rồi!”

Khi mới về trường, ở ký túc xá cho khoa Dự bị tiếng Nga (dân học các môn xã hội phải học thêm 1 năm tiếng Nga sau khi đến Liên Xô, còn dân học và tự nhiên thì vào học chính thức luôn) tụi sinh viên Việt mới qua hầu như tách riêng 2 nhóm: nhóm đi từ miền Bắc (thường được gọi là nhóm Thanh Xuân theo tên trường Ngoại ngữ ở Hà Nội) và nhóm đi từ phía Nam (được gọi là nhóm Sài Gòn).

Học được khoảng nữa năm nó để ý thấy cứ sáng thứ bảy và Chủ nhật thì hầu như đám con trai Thanh Xuân biến đi đâu mất, phải đến sau 12 giờ trưa mới về. Còn đám dân Sài Gòn thì chỉ nằm lăn lóc ngủ hoặc đánh bài, chờ tụi Thanh Xuân về mới đi đá banh cùng. Tò mò quá, hỏi tụi Thanh Xuân nhưng chả đứa nào hé răng cả nên nó đành đi hỏi tụi Sài Gòn đã qua đây trước đang ở ký túc xá khác. Tụi đàn anh mới cho hay là ở thành phố này có một chợ trời họp vào buổi sáng cuối tuần và dân sinh viên Cộng Thanh Xuân thường ra đó bán đồ.

Nó nghe vừa ngạc nhiên vừa háo hức nên nhờ đàn anh giới thiệu cho tham gia. Có mấy anh dân Bắc học năm trên thương tình bày vẽ và đưa đồ cho bán thử. Nó còn nhớ lần đầu tiên tham gia cái nghiệp “con buôn” mà nó hằng khinh bỉ đó.

Một buổi sáng lạnh tái tê nó cầm hai cái quần Jeans Montana, loại cực model lúc đó, chằng chịt túi và dây kéo, có logo hình con đại bàng sải cánh của Tây Đức được mang từ Ba Lan sang Moscow rồi từ đó tỏa đi các thành phố khác, và mấy cái kính mát nữ Ba Lan to vành vạnh như đáy hai chai bia. Muốn đến chợ phải đi Metro (subway) đến tận ga cuối cùng rồi đi xe bus tiếp. Chợ chỉ là một khoảng đất trống, không có hàng rào hay sạp hàng, thiên hạ lố nhố kẻ bán người mua nhộn nhịp.

Nó cầm hai cái quần mà mặt cúi gầm xuống vì xấu hổ. Mấy đứa đứng cạnh đã bán được bao nhiêu rồi mà chả ai thèm hỏi nó cả. Bỗng nhiên có ai đập vào vai nó, ngước lên thấy một người đàn ông địa phương hỏi giá bao nhiêu? Nó lí nhí nói giá và người ấy bảo đi ra chỗ trống để thử. Nó lầm lũi đi theo vừa mừng, vừa lo. Rồi khi nó trao quần, người đàn ông không thèm thử mà rút ra một cái thẻ màu đỏ gí vào mặt nó: “Tao là Công an. Ai cho mày đứng bán bất hợp phát ở đây?”

Nó đờ người vì sợ hãi, không nghĩ đến chuyện đọc xem thẻ viết gì hay la lên để kêu cứu nữa. Người “Công an” thấy nó còn cầm cả cái kính nên sau khi hỏi giá cũng giật luôn và cảnh cáo trước khi bỏ đi “Xéo đi, tao mà còn thấy mặt mày ở đây là tao bắt đuổi học cho về nước luôn!”

Nó đi như kẻ mộng du, về lại ký túc xá nơi mấy người giao hàng và kể cho họ nghe mọi chuyện. Mấy người vò đầu, bứt tai “Tại nó thấy mày lạ và sợ sệt nên nó bắt nạt đó. Mà nhìn mày lanh lợi thế mà cũng ngốc nghếch nhỉ?” Nó quay về phòng nằm thở dài thườn thượt, mấy thằng bạn Sài Gòn hỏi đi đâu về cũng không nói.

Rồi cái tin nó đi chợ trời bán hàng bị trấn lột cũng bị lan ra, tụi Sài Gòn nhìn nó bằng cặp mắt khinh bỉ, tụi Thanh Xuân thì hả hê. Nó thì làm phép tính: để đền từng đó đồ thì ba má nó ở Việt Nam có bán hết đồ đạc trong nhà đi cũng không đủ (xin nói thêm ba má nó là công chức cực kỳ trung thành với chế độ và cực kỳ liêm khiết tới mức ngớ ngẩn), còn với học bổng của nó (80 rub/tháng), nó phải ăn bánh mì và uống nước lã khoảng nửa năm mới trả hết.

Thế là khoảng một tháng sau, lấy hết cam đảm nó lại vác mặt ra cái chợ trời đó để kiếm tiền trả nợ. Nợ trả xong thì nó lại thấy có nhu cầu kiếm tiền để bia bọt, để ăn chơi… Thế là nó lao vào cái vòng xoáy của cuộc đời và trở thành “con buôn” lúc nào chẳng hay. Nhưng nó vẫn luôn thấy xấu hổ, rất sợ thầy cô hay bạn học biết được. Nó không có được cái phong thái hồn nhiên và chây bựa như tụi Thanh Xuân cùng lứa đứng mời chào rối rít.




Mà đi bán chợ trời cũng có những chuyện vui. Một lần có khách hỏi nó cái quần giá bao nhiêu, nó bảo 200, nghĩ là 180 nó sẽ bán vì quần này chủ hàng đưa cho nó với giá 150 (nói thêm: quần này do những sinh viên Cộng mua vải jean về may lấy nên mới có giá đó. Lương kỹ sư mới ra trường của Liên xô thời đó là 120 rub/tháng). Người mua hỏi vậy 24 mày bán không? Nó hỏi lại 24 là sao thì người kia lấy ngón tay vẽ lên đám tuyết bám trên cốp xe hơi đứng gần đó con số 240. Nó ngạc nhiên quá nhưng đồng ý. Rồi khi ra khuất góc để thử thì người mua kêu lạnh, nói nếu mày chịu 22 thì tao lấy luôn, không thử nữa. Nó cầm 220 rub , đếm đi, đếm lại mà ngơ ngác không hiểu tại sao lại như vậy. Về kể và hỏi tụi bạn thì tụi nó cũng chịu, không thể nào hiểu được cái logic của người mua.

Ở trường nó học có một anh học năm trên may rất giỏi, quần anh ấy may ra không kịp để tiêu thụ, tụi Cộng học trường trung cấp kỹ thuật đêm thứ 6 hàng tuần phải đến phòng anh ấy ngủ để kịp lấy hàng đi bán vào sáng cuối tuần. Đôi khi may xong không kịp cắt chỉ, đóng cúc nữa, anh ấy phát cho cái cúc đồng, ra chợ tranh thủ lấy gạch đập đập đóng vào quần. Thậm chí nếu cũng không kịp nữa thì đưa luôn cho người mua chiếc cúc bảo mang về tự đóng lấy.

Sao người mua Liên Xô hồi đó dễ tính thế, cái gì họ cũng gật miễn sao là mua được hàng. Có lần ngẫu hứng anh thợ may thêu mấy đường lượn loằn ngoằng trên túi quần. Vậy mà mấy phiên chợ sau đó có khách hàng đòi mua quần phải có hình như vậy, không chịu mua quần khác. Về bảo anh kia thì anh ấy bảo bố tao cũng chả nhớ hôm đó tao thêu cái gì nữa!

Vui nhất là cho các cô gái thử đồ. Bãi đất trống chả có fiting room nên cứ kéo nhau ra sau mấy chiếc xe hơi rồi các cô cởi tuột đồ ra, tồng ngồng với đám đồ lót. Tụi nó xăng xái giúp kéo nút để “lợi dụng đụng chạm” mà các cô gái Nga vẫn hồn nhiên cười tươi như hoa nở khi xuân về. Công an cũng rất dễ tính và bảo vệ dân ngoại quốc bán hàng, đôi khi còn cho đi nhờ xe free đến trạm Me
tro nữa. Và nó bắt đầu không cảm giác hồi hộp, lo lắng mà thậm chí còn nóng lòng chờ đến weekend để được đi chợ, vừa có tiền, vừa vui.

Rồi học hết năm dự bị thì có màn kiểm điểm hạnh kiểm cuối năm để phân đi học chính thức ở các thành phố khác. Anh Đảng viên phụ trách khóa dự bị đó biết tỏng tính tình của nó nên lôi nó lên đầu tiên trong buổi tự kiểm điểm đó để đánh “phủ đầu” dằn mặt những kẻ khác. Nó rất thật thà nên khai vanh vách là có tham gia buôn bán. Thế nên những thằng có đi chợ trời cũng phải khai theo luôn.

Kết quả nó và những kẻ tham gia buôn bán cùng với những ai “trai gái” đều bị hạnh kiểm loại B và bắt ở lại cái thành phố heo hút, xa xôi đó học chính thức còn dân hạnh kiểm loại A thì được chuyển về Moscow, Lenigrad và các thành phố khác thuộc Nga.

Với Sứ quán thì thành phố mà nó học là một chốn “đi đày” dành cho những thành phần bất hảo. Thế là từ một thằng trong trắng, ngơ ngác, chỉ chưa đầy một năm ở nước ngoài nó đã trở thành một “con buôn”.

Nhưng đó chỉ là sự chập chững ban đầu, quá nhỏ bé, nực cười so với những gì đang chờ nó trên con đường đầy chông gai, bão tố ở phía trước…

Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 1: Tình một đêm

Nhận xét