Москва không tin vào những giọt nước mắt (6)

Misha Đoàn

DCVOnline: Khi khối Đông Âu sụp đổ và Liên Xô tan rã, chính phủ Việt Nam có e ngại, sợ giới lưu học sinh Việt Nam bên đó bị “lung lay về tư tưởng” dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống chính trị trong nước. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại.
Hầu như những biến cố chính trị của những năm cuối 80, đầu 90 tại Đông Âu và Liên Xô không ảnh hưởng đến tinh thần “lập trường” của giới lưu học sinh và công nhân Việt ngoài sự chật vật về cuộc sống khi Liên Xô hỗn loạn trong lúc giao thời chuyển đổi giữa hai hệ thống chính trị.

Hoàn toàn không có những đợt rút lưu học sinh về nước và phân biệt đối xử như Việt Nam đã từng làm trước đây vào những năm 60 của thế kỷ trước khi xảy ra “chủ nghĩa xét lại” tại Liên Xô và “cách mạng văn hóa” tại Trung Quốc. Giới trí thức Việt Nam tại Liên Xô thời sụp đổ sau khi về nước vẫn nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ cũng như trong các ngành kinh tế thiết yếu của Việt Nam.


Cũng có những hành động cố gắng tại Nga với mục đích tạo ra những thành phần đối lập trong cộng đồng người Việt đối với thể chế chính trị tại Việt Nam nhưng không thành công vì sự thờ ơ, bất hợp tác của người Việt tại Liên Xô cũ. Tại Liên xô chỉ có một số rất ít những cá nhân từng có tên tuổi ở VN sống “lưu vong” vì bất đồng chính kiến từ thời “chủ nghĩa xét lại” nhưng họ hầu như không có ảnh hưởng chính trị đến cộng đồng người Việt và bị dần dần quên lãng ...


Bài 6: Kiếp người

Một bà cụ da trắng tiến tới bàn nơi hai đứa đang ngồi trong một quán ăn nhỏ. Dáng bà đi đã liêu xiêu nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh lắm. Ngập ngừng nhìn chúng nó một lát rồi bà rụt rè hỏi:

- Các cháu là người Việt Nam hả?

- Vâng, có gì không bà?

- Bà là vợ của ông Q. , các cháu biết ông ấy chứ?

Nó vội vàng đứng lên, kéo ghế mời bà ngồi:

- Vâng, thầy Q. hồi xưa có giảng về văn học phương Đông ở trường chúng cháu.

Nhấp một ngụm nước lọc rồi bà than thở:

- Ông Q. yếu lắm rồi, có lẽ là sắp đi. Bà cũng không biết làm sao hơn nữa. Bây giờ trong những cơn mê sảng ông chỉ la hét hay lẩm bẩm bằng tiếng Việt mà bà thì không hiểu gì cả. Bà mệt mỏi với ông ấy quá!

Bà chìa cho hai đứa xem một túi giấy bóng mà bà mang theo người:

- Đây, tất cả giấy tờ của ông ấy đây. Bà muốn lên Sứ quán Việt Nam xem người ta có giúp được gì không.

Nó cố gắng an ủi:

- Bây giờ Sứ quán đang nghỉ trưa, khoảng 30 phút nữa bà tới là vừa.

Tay run run, bà lôi ra vài bức ảnh đen trắng, vài cái quân hiệu, huân chưong, mấy tờ giấy đã ố vàng theo thời gian.

- Đây, ông ấy hồi xưa khi mới sang Liên Xô học. Tất cả những gì của một thời chinh chiến chỉ còn lại như vầy thôi …

Giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo bởi tuổi tác:

- Ông ấy năm nay 87 tuổi rồi và bà cũng đã là 76. Không có con, hai người già sống lui thủi với nhau với đồng lương hưu chết đói. May mà đứa con gái riêng của bà bên Hy Lạp thi thoảng còn giúp đỡ chứ không chẳng biết sống ra sao nữa.

Hai đứa xót xa nhìn bà mà cũng không biết nên nói gì, làm gì nữa. Chẳng để ý đến nét mặt của người đối thoại, bà tiếp tục kể:

- Thời gian cuối, ông ấy thường tự chửi mình là “thằng ngu”, “bán nước”, ông rất ân hận vì đã bỏ Việt Nam. Cho đến giờ ông vẫn không nhận quốc tịch khác. Ông nói là dù có chết ông cũng vẫn là người Việt Nam.

Bà kể rất lâu và chúng nó hầu như chỉ im lặng ngồi nghe. Rồi đến lúc bà lau nước mắt đứng dậy:

- Thôi, bà đi đây. Chẳng hiểu bà kể cho các cháu nghe những chuyện vớ vẩn này làm gì. Nhưng bà muốn chia sẻ với ai đó, chứ không bà phát điên lên mất!

Rồi bà lại khập khiễng bước đi với chiếc túi nhựa trong tay dưới cái nắng hầm hập của một buổi trưa hè miền Trung Á…

Thằng bạn ngồi cùng hỏi:

- Ông Q. là ai vậy anh?

- Ủa, vậy em không biết hả? Ông Q. là 1 nhân vật rất nổi tiếng (1) đấy, cả Bùi Tín cũng nhắc đến ông trong cuốn “Hoa xuyên tuyết”. Hồi xưa ông ấy đã từng là Đại tá, chính ủy của sư đoàn, Đại đoàn gì đó. Sau khi học xong ở Học viện Quân sự Frunze thì ông không về nước nữa với lý do chính trị. Hồi đó năm 64, có phong trào xét lại gì đó. Khổ thân ông, nếu ở Việt Nam thì ông đã là tướng từ lâu rồi!

Thằng bạn lắc đầu chép miệng:

- Khổ anh nhỉ? Số phận trớ trêu quá! Giờ thế này bỏ xác ở xứ người không một người thân bên cạnh. Hay mình đi thăm ông ấy đi?

Sau đó ít hôm, ngồi chơi với ông Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam và vô tình nhắc đến chuyện ông Q., ông lãnh sự nói:

- Em trên tư cách cá nhân có thể đến thăm ông ấy được chứ bọn anh thì không thể vì là mang danh nghĩa chính thức Sứ quán. Mà ở Việt Nam ông ấy vẫn còn một án tử hình vắng mặt. Tất nhiên chả có ai muốn giết ông ấy bây giờ nữa nhưng trên cương vị người nhà nước thì anh phải bắt ông ấy chứ không phải là đến thăm.

Rồi ông lãnh sự thuật lại là bà vợ ông Q. có đến Sứ quán nhờ tạo điều kiện đưa ông về Việt Nam nhưng sứ quán khuyên là không nên. Vì bây giờ chẳng còn ai chờ ông ở Việt Nam nữa, ngay cả 5 người con với người vợ Việt Nam trước của ông cũng vậy vì ngại liên lụy. Lúc bà về, sứ quán có gửi biếu ông nửa cân chè xanh Thái Nguyên và bánh đậu xanh Hải Dương. Chả rõ ông còn đủ sự minh mẫn để cảm nhận được không nữa...


Học viện quân sự Frunze

Hồi trước, khi còn là sinh viên bọn nó thi thoảng vẫn gặp một ông giáo sư người Việt dạy văn học phương Đông và tiếng Trung, Nhật, Việt. Đó là ông Q. kể trên. Ông rất trầm lặng và luôn giữ một khoảng cách với sinh viên Việt. Bà vợ thì giữ chặt, phong tỏa không cho người Việt giao tiếp với ông. Lúc đó mọi người cứ nghĩ là bà sợ ông ấy quay về Việt Nam. Bây giờ té ra mới biết là ông bà luôn sống trong sự sợ hãi vì nghĩ là Việt Nam vẫn tìm cách hãm hại ông.

Rồi khi nó gọi điện thoại, bà bốc máy cho hay là mắt ông đã hoàn toàn mù hẳn rồi và tình hình sức khỏe càng tồi tệ hơn. Khi biết nó muốn đến thăm, bà đã từ chối:

- Cám ơn cháu đã gọi điện, nhưng cháu không thể giúp gì cho ông ấy được hơn nữa đâu cả về thể xác lẫn tinh thần. Ông ấy sẽ không nhận ra cháu đâu và bà cũng không muốn cháu nhìn thấy cảnh ông ấy tiều tụy như vậy. Ông sắp về với Chúa rồi! Có thể ở thế giới khác đó, ông sẽ hạnh phúc và thanh thản hơn chăng?

Nó rùng mình và thấy cay ở mắt khi thẫn thờ bỏ ống nghe xuống. Thương cho ông quá!

Thương cho một kiếp người, thương cho một kết cục không có happy end. Tự nhiên nhớ tới lời trong một bài hát của Trịnh Công Sơn – như thể là viết riêng cho ông:

“Cuối đời còn gì nữa đâu? Đã tàn mộng mị, khát khao...”

Sau khi nó lên Moscow có phone về thì bà khóc trong ống nghe bảo ông mất rồi. Đám tang ông không có một bóng dáng người Việt Nam nào cả. Khi nó hỏi là bà có báo cho Sứ quán Việt Nam không thì bà nói “Báo làm gì hả cháu, ông luôn coi mình là người Việt Nam nhưng ông có còn quốc tịch Việt Nam nữa đâu. Hy vọng ở thế giới bên kia tất cả đều bình đẳng và được Chúa thương như nhau”.

Đó là đâu khoảng vào năm 2007.

DCVOnline: (1) Đại tá QĐND Lê Vinh Quốc, nguyên phó chính ủy sư đoàn thép 308, phó chính Ủy khu Ba, người được coi là cánh tay phải của ông, đã xin tị nạn chính trị tại Liên Xô. Ngoài ông Vinh còn có một số cán bộ Ðảng được cử đi học tại Trường đảng cao cấp Liên Xô, học viện quân sự Frunze cũng xin tị nạn chính trị như thượng tá Văn Doãn (biệt hiệu Doãn Bụt), tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, phó chủ tịch ỷy ban hành chính Hà Nội kiêm phó bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Cần. (Theo Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. Chương 19). Cả 3 Quốc, Doãn và Cần đều đã tuyên bố phản đối “nghị quyết 9“, nghị quyết lái hẳn toàn bộ đường lối của ÐCSVN theo đường lối của ÐCSTQ (Nguyễn Minh Cần, ÐCSVN qua thời kỳ biến động lớn thứ hai từ sau đại hội 20 ÐCSLX). Tại hội nghị các cán bộ cao cấp và trung cấp gồm chừng 400 người họp lần đầu tiên tại hội trường Ba Ðình trong tháng giêng năm 1964 để học tập nghị quyết 9. Ông Trường Chinh tuyên bố: “Các đồng chí cần đặc biệt lưu ý một điều là nghị quyết 9, do tình hình phức tạp trong phong trào cộng sản quốc tế, không thể viết hết ra những điều cần nói. Cần đặc biệt lưu ý là thực chất của nghị quyết 9 chỉ có thể phổ biến bằng miệng, điều đó là: Ðường lối đối nội, đối ngoại của đảng và nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối nội đối ngoại của đảng và nhà nước Trung Quốc.” (Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính và chủ nghĩa xét lại.).

Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 1: Tình một đêm
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 2: Con buôn
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 3: Vượt biên
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 4: Buôn vàng
Москва không tin vào những giọt nước mắt – Bài 5: Tình tạm

Nhận xét