Clip "Xin Cho Tôi"

Khi mò về ngôi nhà trên Multiply tìm hiểu cách thức chuyển nhà, nhờ công cụ download được cung cấp,  mình lấy lại được clip này. Bài hát "Xin Cho Tôi"của Trịnh Công Sơn trình bày trong chương trình "Thay Lời Muốn Nói"của Quỳnh Hương  trên HTV9. Đó là một trong những entry đầu tiên khi mình viết blog (bấm vào đây).





"Không rõ trong hoàn cảnh cụ thể nào Trịnh Công Sơn viết nhạc phẩm này, một trong nhiều ca khúc da vàng cho thân phận Việt Nam, thân phận những người nằm xuống trong cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử đất nước. Mỗi lần nghe, mỗi lần tim đau thắt.

…Mười tám tuổi anh đã nằm lại trong cuộc chiến ấy. Trẻ. Quá trẻ, chưa biết đến nụ hôn đầu. Và quá đau khi suốt đời chúng tôi đặt lên bàn thờ anh hoa trắng. Anh có bạn gái chưa? Trong kí ức chúng tôi không có hình bóng người con gái nào anh dẫn về để chúng tôi líu ríu chào là chị. Anh có bạn gái chưa? Câu đó nhiều lần chúng tôi hỏi các bạn anh, những đồng đội may mắn trở về. Vu vơ câu trả lời. Vu vơ rung động đầu đời như không là thực...Nhưng có thật những đêm các anh trần truồng vượt sông ôm ba lô quân trang gói kĩ trong túi ni-lông, gặp những nữ du kích đi ngược lại, rúc rích cười, thẹn thùng đỏ mặt. Có thật ngực xuân căng tràn con gái ghì chặt khuôn mặt người lính trẻ, vuốt ve mái tóc chàng mà khóc, khóc cho những ẩn ức, cho những khát khao. Có thật những lời cầu xin, có thật những tiếng thầm thì bên bức tường đổ nát...Chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng con người nhưng không thể huỷ diệt khát khao sống.

Tôi mong mình mơ thấy một đêm, tĩnh lặng thay tiếng đạn pháo, ánh trăng thay ánh hoả châu, anh nắm tay một người con gái nào đó để thấy trên mặt đất hoang vu đổ nát này trỗi lên một vườn địa đàng. 

Để tim tôi bớt quặn thắt khi nghe “Xin cho tôi xin cả cuộc đời để hôm nào trẻ hát trong nôi”


***

Lần đó khi tình cờ xem "Thay Lời Muốn Nói", Quỳnh Hương đưa ra chủ đề Hẹn Yêu cho tháng kế tiếp nhân dịp ngày Valentine, mình nhói lòng khi nghĩ đến những người trẻ tuổi không bao giờ có cơ hội yêu. Những dòng đó đã viết ra trong quặn thắt kí ức về anh. Rồi gửi qua email cho Quỳnh Hương. Bạn thích nó nhưng thấy hơi nhạy cảm.

Một tháng sau nhận được thư của Quỳnh Hương thông báo bạn đã sử dụng nó trong chương trình "Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên". Điều kì lạ là hôm phát sóng trực tiếp lại đúng vào hôm mình đến thăm anh ở Quảng Trị. Mình đã kể về điều này trên một entry khác (bấm vào đây)


Tháng Bẩy năm đó, trước ngày giỗ anh, mình tình cờ thấy clip này trên You Tube. Nó được một bạn trẻ đưa lên. Vì Quỳnh Hương có kể rằng trong chương trình truyền trực tiếp có phần trò chuyện của bạn với Hà Anh Tuấn nên mình đã để lại lời nhắn cho chủ nhân của đoạn clip. Cậu sinh viên liền đưa lên bản đầy đủ theo đề nghị của mình. Tiếc rằng không biết vì lý do gì tài khoản You Tube của cậu ấy giờ không còn tồn tại. Nhưng cũng may là mình đã tải clip này về và upload lên trang cá nhân trên Multiply.

Các trang mạng xã hôi  xuất hiện rồi đóng cửa. Kỉ niệm gửi vào đó trầm luân theo. Up lên, down xuống, lại up lên, lại down xuống, đoạn clip ấy giờ nhòe nhoẹt. Nhưng điều gói gém trong đó không bao giờ phai mờ trong mình.


Nguyen ha at 12/08/2012 08:51 pm comment
Em rất yêu nhạc TRỊNH vậy mà đây là lần đầu tiên em nghe bài này . xúc động quá anh ạ! xúc động bởi những lời hết sức chân thành tự đáy lòng anh đã viết cho người nằm xuống! "anh đã có bạn gái chưa?...."[img]20[/img]
Nguyen ha at 12/08/2012 09:00 pm reply
vâng! em có xóa ..tc nhé!
Trần Thành Nhân at 12/08/2012 08:57 pm reply
Cám ơn NH. Cám ơn rất nhiều. Về cả comment NH đã xóa đi.

Nhận xét

  1. Có lẽ được sống và được yêu là điều hạnh phúc nhất trần đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm và chia sẻ. Chúc bạn một năm mới hạnh phúc.

      Xóa
    2. Thưa chú Thành Nhân từ trước tới giờ cháu là kẻ ngoại đạo của blog và gần như không tham gia vào những mạng xã hội trên Net. Nhưng có lẽ mọi thứ trong đời đều do duyên khởi mà thành và duyên tàn mà tận. Cách đây mấy năm cháu đã tình cờ nghe được những lời tự sự của chú qua trương trình Thay Lời Muốn Nói. Khi ấy trong cháu là rất nhiều những cảm xúc đan xen về dòng đời và đời mình. Để rồi từ đó mỗi lần muốn nghe lại ca khúc Xin Cho Tôi cháu lại tất tả tìm kiếm trên Google đúng clip ấy. Thật không thể ngờ là cháu đã tìm được chủ nhân của những lời tự sự ấy vô tình như thế. Lần đầu tiên cháu nghe Xin Cho Tôi là một đêm ở Sài Gòn có mưa buồn bã. Góc phố nhỏ Nguyễn Thượng Hiền cháu vẫn ngồi cùng dăm bảy chai bia để lặng nhìn dòng đời trôi qua đáy mắt. Trong cái khung cảnh ấy cháu bất chợt nghe ai đó cất tiếng ca " Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời .... Xin cho tôi yên phận này thôi .... Xin cho tôi xin vạn lần rồi". Khi đi về phía lời ca ấy, cháu thấy một đôi vợ chồng già đang dắt tay đi hát dạo. Người chồng mù loà cùng cây đàn ghita tàn tã đã kể cho cháu nghe về thân phận con người. Những lời ca ước lệ ấy đã làm cho tâm trí cháu bỗng trở nên trống rỗng. Mọi được mất ở đời bỗng không còn quan trọng. Mọi danh lợi ở đời bỗng không còn ý nghĩa. Mọi niềm tin bấy lâu bấu víu bỗng chốc đổ vỡ trước mắt mình. Tương phản trong đôi mắt mù loà ấy cháu thấy đời mình đã rơi mất ở ngoài kia. Từng nhịp đập trong tim như từng nhắt dao cứa vào tâm trí cháu. Có gì đau đớn thế khi nhìn lại đời mình với 12 năm bon chen với bản ngã của dòng đời. Mục đích về vật chất đã thực hiện được nhưng những ước mơ trong sáng thời viên sinh đã chết cùng những năm tháng tuổi thơ.Bỏ lại những đam mê hư ảo cháu về Hà Nội mong tìm lại cho mình quá khứ và tuổi thơ ngây. Và một tối tình cờ mở TV cháu và Xin Cho Tôi lại kết nối với nhau qua những lời tự sự của chú. Rất lâu sau này, cháu vẫn nghĩ rằng một người lính đã viết những tự sự rất người ấy. Bởi chỉ khi đứng giữa cái ranh giới mong manh của sự sống chết thì bản năng thèm sống bỗng cháy mãnh liệt. Khi ấy mọi giá trị về cuộc sống bỗng không còn giá trị. Nếu ngày mai ta chết, ta sẽ làm gì hôm nay ?
      Nếu cuộc đời đã mất, ta tìm kiếm điều gì ?
      Kì lạ thật 18 tuổi cháu đã nghe nhạc Trịnh và tôn thờ dòng nhạc ấy như một thứ triết lý về cõi nhân sinh. Nhưng chưa bao giờ cháu nghĩ sẽ tìm thấy mình trong những khúc bi ca ấy. Tuổi trẻ quá ngông cuồng chau đem đời mình đánh bạc cùng số phận. Được gì và mất gì khi nỗi đau ăn mòn số phận. Đôi lúc những lời Trịnh viết lại rơi xuống bên đời lặng lẽ. " Trong sự cùng quẫn của tuyệt vọng tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau " Con người vẫn tin vào sự tha thứ nhưng cháu không tin con người làm được điều đó.

      Xóa
    3. Trong sự cùng quẫn của tuyệt vọng tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau tôi nghĩ là Trịnh đúng hơn bạn :bh

      Xóa
    4. Nếu trên đời này mà tồn tại phép màu cháu tin rằng đó chỉ có thể là sự tha thứ. Sự tha thứ cứu rỗi linh hồn con người nhưng mấy ai tha thứ được cho bản thân mình. Có chăng chỉ là sự tìm quên

      Xóa
    5. Nếu gọi đó là phép mầu , thì chúng ta tạo ra nó đi. Hãy tha thứ và tự tha thứ dù có thể là rất khó. Liệu ý nghĩ cuộc đời và chính thân mình vốn dĩ khiếm khuyết ở vài chỗ nào đấy có làm cho việc tạo ra phép mầu ấy dễ dàng hơn không?

      Xóa
  2. Những lời tự sự của chú đã hoàn thiện khúc bi ca Xin Cho Tôi. Thi thoảng thoát khỏi những đêm say cháu vẫn nghe những lời tự sự ấy và mơ về một vườn địa đàng trỗi lên từ .... Cảm ơn chú

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đọc những dòng tâm sự của bạn từ hôm qua. Chúng làm cho tâm trạng tôi xáo trộn. Những dòng này viết cách đây 5 năm. Hẹn Yêu cho ngày Valentine, một ngày lễ xa lạ với thế hệ chúng tôi. Mỗi lần đọc lại thêm một lần nghẹn ngào. Nhớ tới những người trẻ, như anh trai tôi, đã nắm lại đâu đó trong cuộc chiến, không mộ phần, thân xác hòa vào lòng đất. Cầu mong linh hồn họ được siêu thoát để tái sinh trong cuộc đời khác, để được sống, được yêu như bạn nói.

      Tôi trân trọng những tình cảm bạn dành cho những dòng tâm sự của tôi. Với những gì đã trải nghiệm từ cuộc sống, tôi cũng có thể hiểu được những gì bạn viết Mọi được mất ở đời bỗng không còn quan trọng. Mọi danh lợi ở đời bỗng không còn ý nghĩa. Mọi niềm tin bấy lâu bấu víu bỗng chốc đổ vỡ trước mắt mình. Tương phản trong đôi mắt mù loà ấy cháu thấy đời mình đã rơi mất ở ngoài kia. Có một chút ngạc nhiên. Với đa phần những người trẻ thì trải nghiệm ấy có sớm, có già dặn? Tôi không dám chắc. Mỗi người, mỗi đời phải không? Tôi chỉ chắc chắn một điều là đôi lúc bạn tách mình ra khỏi dòng chảy hối hả kia, nhìn nó bằng một cái nhìn đầy trải nghiệm, để sống chậm lại, để cảm nhận cuộc sống với chiều sâu của nó. Đứng tách ra thôi nhé, đừng gục đầu trên chiếc bàn với những ly rượu đổ.

      À, mà bạn có chắc phải gọi tôi bằng chú không? Đọc BÀI NÀY bạn có thể biết tuổi tôi

      Xóa
    2. Thưa chú Thành Nhân cháu năm mới 32 tuổi. Trẻ. Quá trẻ để nói về cuộc đời và trải nghiệm. Nhưng có lẽ dòng đời đã cuốn cháu vào cái guồng quay cuộc sống sớm hơn mọi người đồng lứa. Thế hệ của cháu không biết đến chiến tranh nhưng cũng có một thời như thế đã đi qua cuộc đời của Ba cháu. Thi thoảng Ba cháu vẫn nói rằng Ba và thế hệ của Ba đã xếp hàng gánh đất nước trên vai. Thế hệ của Ba đã gác lại những mộng mơ trong trắng để ra đi khát vọng Giải Phóng Con Người. Chẳng ngôn từ nào có thể diễn đạt nổi những hy sinh to lớn ấy. Thế hệ của ngày ấy đã sống vì lý tưởng và chết vì ước mơ. Tượng đài nào có thể ghi hết công ơn của những đứa con đã ngã xuống vì đất mẹ. Từng người con trung hiếu hy sinh quên thân mình để lời ru vang mãi bên vành nôi trẻ thơ. Thế hệ của cháu mãi mãi khắc ghi trong tim mình sự hy sinh của thế hệ Cha - Anh. Nói như nhà văn Ngô Thảo thì một thế hệ những con người tốt đẹp và tài hoa đáng sống nhất đã phải lại cứ chết dần, chết vợi. Chỉ còn lại những con người bình thường và bất tài. Và có lẽ, những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời đã thuộc về dĩ vãng. Và dĩ vãng tốt đẹp ấy chỉ có thể tìm thất ở tương lai mà thôi.

      Xóa
    3. Thanh có thể gọi tôi là chú nếu muốn. Tôi nghĩ những người ở độ tuổi tôi giống cái gạch nối giữa thế hệ những người cầm sung chiến đấu với thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Khi những người lính như anh trai cả của tôi bơi qua dòng Thạch Hãn vào thành Quảng Trị thì những đứa trẻ tuổi tôi cũng phải chứng kiến máu đổ, phố phường đổ nát vì bom dội. Chúng tôi ra khỏi mùa đông 1972 khi vệt bom B52 dừng lại cách nhà tôi một dãy nhà. Chúng tôi lớn lên, được học hành và cũng mắc lỗi. Liệu có phải vì thế tôi có thể hiểu được cả hai thế hệ mà không rơi vào cực này hay cực kia của thái độ.

      Đúng là rất, rất nhiều người ưu tú, tài hoa đã ngã xuống, nhưng có bi quan không khi cho rằng dĩ vãng tốt đẹp ấy chỉ có thể tìm thất ở tương lai mà thôi. Tại sao không tin vào những người trẻ biết nhìn lại quá khứ và có ý thức đối với cuộc sống hiện tại như bạn nhỉ. Thanh rất cá tính thì phải?

      Xóa
  3. Anh xúc động không kìm nổi nước mắt,N ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cám ơn anh... Có những lúc ngôn từ bất lực như thế, một cái xiết tay có lẽ nói nhiều hơn :bh

      Xóa
  4. Anh Nhân, em đọc câu chuyện giữa anh và bạn Thanh trước rồi mới nghe clip và đọc những dòng anh viết. Cảm giác giống như ngày em nhìn những đứa trẻ tật nguyền, mình có nhiều thứ quá mà không nhận ra...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanh bằng tuổi em, đều này làm anh nhớ đến entry viết về buổi họp lớp trên nhà cũ của em. Một bạn em say lắm, cậu ấy nói và cậu ấy khóc... Khi đi nhanh mình có thể vấp. Tuổi trẻ ai chả vậy. :)

      Xóa
  5. Cháu thì nghĩ cái sự vấp không phải bởi đi nhanh hay đi chậm. Cái sự vấp ấy đơn giản bởi chúng ta là người. Người đi nhanh thường là người không sợ vấp, họ xác định tư tưởng là không sợ vật cản trên đường. Khi vấp, họ ngã, họ đứng dậy và họ đi như bản năng vốn thế. Người đi chậm thường cẩn trọng họ nhìn những người đi trc để mò mẫm bước theo sau. Cứ bước một họ tiến, họ nghĩ cứ tránh những chỗ vấp của người đi trc là họ được an toàn. Nhưng họ nhầm, khi đi trên một con đường mà không cảm nhận được độ nông sâu thì dù cho có cẩn trọng đến mấy họ cũng sẽ vấp và cái sự vấp ấy còn đau đớn hơn nhiều những người đi nhanh.
    Họ khóc không phải bởi họ đi nhanh và họ vấp. Họ khóc đơn giản bởi đôi khi họ lạc lối trên chính quãng đường họ đã đi qua. Khi ấy họ đi chậm lại và tìm một lối đi ... Đôi khi họ mệt mỏi và muốn dừng chân như Trịnh viết " mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi " . Trên một quãng đường đời người đi nhanh thì có thể đi chậm lai. Vẫn quãng đường ấy người đi chậm thì chỉ có thể chậm nữa mà thôi. Tuổi trẻ không phải ai cũng vậy, chớ thấy họ ngã mà cười bởi họ ngã là họ giám ngã. Mà đã là con người ai rồi cũng phải cúi đầu trước vận mệnh bởi dẫu có cố đến đâu cũng vẫn thua bởi số phận ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi xin lỗi nếu những trao đổi giữa tôi và Cas làm Thanh không vui. Hai tình huống chúng tôi nói tới rất cảm động, như những dòng Thanh viết trên entry này vậy. Và cái biểu tượng kia như một nụ cười hiền lành bao dung cho những lỗi lầm trong quá khứ của chính mình.
      Thanh cũng đúng khi nói về nhanh chậm và vấp. Tôi cũng cố đi thật chậm nhưng vẫn vấp đấy thôi. Thân mến.

      Xóa
    2. To @Thanh Tran: Đồng ý với bạn rằng "vấp không phải bởi đi nhanh hay chậm". (mình bằng tuổi bạn, xưng hô bạn- tớ nhé). Bản thân tớ bị ngã vì người bị đi nhanh "kéo ngã". Cứ tự hỏi sao mình đã cố sống tốt mà vẫn ngã dúi dụi vậy ? hay mình không đủ trí tuệ để tránh xa kẻ phóng nhanh vượt ẩu đó ???) .Rồi tớ cũng cho rằng số mình nó vậy. Đã là số thì đứng yên cũng bị xô ngã, nằm trên giường = >ngã xuống đất, nằm trên đất vẫn có thể ngã xuống hố. Tớ rất thích 1 câu danh ngôn của ông nào đó " có những kẻ vì sợ vấp ngã mà không dám bước đi, nhưng như vậy khác nào chân đã gãy".
      Gửi bạn 1 nụ cười cho ngày cuối tuần (một trái tim trào phúng sẽ giết chết mọi vi khuẩn) Chúc bạn vui !
      http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/hahaha-thanh-duy.dw6JoPdNoi1L.html.

      Xóa

Đăng nhận xét