Entry for January 20, 2008




“Tôi có thể giúp bà được gì không?” - Thấy khách chật vật diễn đạt ý mình, tôi tiến lại và hỏi bằng tiếng Nga. Người khách quay sang nhìn, ngạc nhiên, mừng rỡ trút gánh nặng bất đồng ngôn ngữ. Giữa một chốn xa lạ, lúc không ngờ nhất bỗng nghe thấy tiếng nói quê hương, bà ngạc nhiên cũng phải. Nhưng sao những người xung quanh nhìn tôi lạ thế, như thể chúng tôi đang nói bằng thứ ngôn ngữ của dân tộc thiểu số vậy. Líu ríu vui mừng bà vẫn không quên hỏi tôi học tiếng Nga ở đâu, đã tới nước Nga chưa. Dạ, tôi đã từng ở đó, và bà làm tôi nhớ buổi chiều mùa đông trắng tuyết, tan học, vai đeo cặp, tay bưng hộp bánh sinh nhật, tôi loay xoay tìm chỗ đứng trên chuyến xe bus chật ních người. Kiểu này về tới nhà cái bánh chẳng còn hình thù gì mất. “Nào đưa ta giữ cho, con trai!” - một đôi tay ở hàng ghế gần nhất chìa ra giúp đỡ.

*******

Đưa hộ chiếu xong, hai người đàn ông vô tư tiếp tục đề tài yêu thích, nghĩ xung quanh không ai hiểu mình nói gì.

- Ông là…người Nga? - tôi hỏi bằng thứ tiếng họ đang nói với nhau, có ý giảm bớt sự vô tư hơi thái quá. - Vì tên ông … một cái họ rất phổ biến đối với người Hàn Quốc.

- Người Nga gốc Triều tiên. Chúng tôi sinh ra ở Nga, vùng Viễn Đông. Anh có biết đảo Sakhalin?

- Gần Nhật Bản…

- Đúng. Nhưng chắc anh không biết về chiến tranh Nhật Bản, những biến động lịch sử và vì sao chúng tôi sinh ở Nga

- Tôi không chắc lắm…Ông nói được tiếng Hàn?

- Một ít thôi. Sinh ra, lớn lên ở Nga, đi học chỉ dùng tiếng Nga nên gần như không nói được

- Ông có dịp về Hàn Quốc chưa?

- Tôi đã về vì còn họ hàng bên ấy.

- Hàn Quốc phát triển rất nhanh, ông có muốn về hẳn không?

- Không, tôi là người Nga.

…Không hiểu sao tôi nhớ tới các bạn của mình, những kẻ giờ lưu lạc khắp các phương trời, nhớ tới con cái của họ, những đứa trẻ thuần Việt hay mang một nửa dòng máu Việt. Những câu hỏi như thế chắc các bạn tôi cũng hay phải trả lời. Nhưng một câu hỏi khác, tôi tin các bạn rất xót lòng khi phải trả lời cho đứa trẻ của mình: Tổ quốc là gì hả bố? Lúc ấy bạn đành cắt nghĩa từ vựng: từ “tổ quốc” có nguyên gốc từ chữ “sinh ra”- Tổ quốc là nơi ta sinh ra, con ạ!

*******

Một châu Âu không biên giới. Khó đoán được người thanh niên trước mặt thuộc quốc tịch nào nếu không nhìn vào hộ chiếu. Đang trong tâm trạng vui vẻ, tôi mở đầu bằng một lời chào quen thuộc. Đáp lại - một câu chào tiếng Anh. Một câu nữa. Vẫn “yes” thay cho “đa”. Không phủ nhận, nhưng anh ta cố tình lờ đi tiếng mẹ đẻ. Lời mở lòng chân thành sượng sùng tắt ngấm, một đoạn cassette tiếng Anh chuyên ngành bật làu làu. Anh ta lấp vấp trả lời, âm sắc đặc Nga…

Một thời xưa hơn dĩ vãng giới quý tộc của Turgenev chuộng dùng tiếng Pháp, còn bây giờ mốt của lớp người giầu mới là tiếng Anh chăng? Hay anh chàng này sợ tiếng nói mẹ cho đẩy mình xuống thành công dân châu Âu hạng hai?

…Ngôn ngữ chỉ là vỏ bọc truyền tải tư duy, trí tuệ. Quan trọng là nói điều gì, chứ không phải bằng thứ tiếng nào. Tôi muốn bảo anh ta như thế, nhưng lặng im.

Nhận xét

  1. Những câu chuyện nhỏ....nhưng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không thể xấu hổ chỉ vì mẹ mình nghèo hay không sang trọng. Chuyện nhỏ hàng ngày ngẫm thấy chẳng nhỏ.

      Xóa
    2. Dạ! đúng vậy! em muốn nói chuyện nhỏ nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc biết bao..

      Xóa

Đăng nhận xét