Về lại phố xưa - Чужое воспоминание


Đêm phố cũ

Bài này có thể ai đó đã đọc trên Nhà cũ hoặc sẽ được đọc trong loạt bài THA PHƯƠNG trên blog Lợi Trần. Tôi không có ý định tô mầu cho những tháng ngày ở Nga. Những dòng viết dưới đây không phải của tôi, nhưng viết về tôi, về những tháng năm đó: 

Tháng 9 năm 1984, Nhân em trai tôi sang Nga học, thư viết cho tôi cũng một nỗi nhớ nhà da diết, chua xót cho cuộc sống nơi quê nhà. Đất nước Xô viết khi ấy cũng chỉ phồn hoa nơi các đô thị lớn, những vùng nông thôn cũng nghèo, nhưng còn hơn nhiều quê hương tôi. Thư nó viết “Hình ảnh cuối cùng về quê hương trong em qua cửa kính là gương mặt mệt mỏi, hốc hác, bơ phờ, lởm chởm râu ria của anh Thắng. Em thương mọi người quá, quê hương biết bao giờ hết đói nghèo…”

Tôi viết thư cho nó, động viên em trong khi lòng cũng xót xa:

Đêm nay anh đất khách
Và em cũng quê người
Hai đứa nhắn nhủ lời
Cho nhau qua trang giấy.

Đêm mơ em có thấy
Anh tìm đến bên em
Khuyên em hãy cố quên
Nỗi buồn khi xa mẹ.

Đêm qua đi thật nhẹ
Trời đã sáng rồi sao
Anh, em cùng ước ao
Về thăm cha, thăm mẹ.

Hai đứa còn quá trẻ
Đã cất bước đi xa
Còn khóc vì nhớ nhà
Trong ngày ba mươi tết.

Mùa thu qua gần hết
Tuyết sắp rơi rồi em
Chịu lạnh chắc chưa quen
Phải mặc cho thật ấm.

Ôi, đất Nga gần lắm
Mà anh không thể sang
Cho em tình anh mang
Từ quê hương, cha mẹ.

Oryol buồn lẻ
Hoang vắng mỗi buổi chiều
Em cô lẻ bao nhiêu
Anh thương em chừng ấy.

(Gửi em nơi đất khách – 2.10.1984)

Anh em tôi thường viết thư, kể cho nhau về cuộc sống nơi quê người, điều làm chúng tôi phải suy nghĩ là làm thế nào dành dụm để ngày về phải đóng được thùng hàng. Tôi thì không sao, đi làm có tiền rồi, vấn đề là phải tìm mua được hàng ”chiến lược”. Khổ thân em, học bổng của sinh viên có đáng là bao, mà phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng rúp để dành năm sau về nước có tủ lạnh Saratov, nồi áp suất, bàn là, dây may so…Nếu chúng tôi không làm được điều đó, chúng tôi cảm thấy mình có tội với người thân của mình. Chẳng ai bắt buộc chúng tôi, nhưng lương tâm sẽ chẳng để cho chúng tôi sống yên lành. Dù em tôi không nói, nhưng tôi biết nó đã cố dè sẻn hết mức, nó tự an ủi rằng dù phải ăn dè hà tiện nhưng còn sướng gấp trăm lần bố mẹ, anh chị ở quê hương. Thời gian của nó bên này ngắn ngủi quá, chẳng bù cho tôi, mấy năm sống đã quen với việc ăn tiêu xả láng, những ngày nghỉ cuối tuần xách túi lãng du hết thành phố này đến thành phố khác trên đất Tiệp, nhiều khi cầm tiền trong túi đi cả 2 ngày mà không mua nổi cái gì. Tôi biết nó buồn và suy nghĩ nghiều đến ngày về. Một thằng sinh viên ngữ văn, vốn chỉ ham mê văn học Nga với những Lev Tolstoi, Esenhin, Puskin…bây giờ gác những đam mê đi đây, đi đó tìm hiểu đất nước đã sinh ra những đại văn hào thế giới, dành thời gian cho cái tủ lạnh, đống nồi áp suất, đám dây mayso. Thôi đành vậy, biết làm sao. Ở quê hương lúc ấy cuộc sống của mọi người như cái nồi áp suất hỏng van vẫn đang sôi sùng sục, có thể nổ tung bất cứ lúc nào, những nỗi lo mưu sinh chồng chất lên nhau, rối như đám dây mayso bị vò trong bàn tay phũ phàng…

Đây là một đoạn thư nhà: “…Nói chung tình hình kinh tế ngày càng đi xuống, đời sống rất khó khăn, giá cả không giảm mà chỉ thấy tăng. Không hiểu cứ đà này rồi đi đến đâu, ngày xưa chờ qua Đại hội Đảng, bây giờ qua đại hội rồi chẳng biết chờ đến đâu, chờ đến bao giờ…Có lẽ mòn mỏi vì những hy vọng viển vông, để rồi chết trong cuộc sống cầm chừng chờ ngày mai…Cuộc sống bây giờ lao vào những trò may rủi, sổ xố mỗi ngày quay một đợt, bình luận số đề khắp nơi. Cờ bạc, đỏ đen may rủi là lối thoát của bế tắc. Bây giờ đời sống công nhân chỉ có hai con đường mà họ cho là giải quyết được cuộc sống: Trúng số hoặc đi Tây (họ nghĩ đi Tây là giầu mà). Có thế mới có khả năng mua được manh quần, tấm áo cho ra hồn. Còn trông vào đồng lương à? Lương anh 3 tháng nhịn ăn, nhịn uống, hít khí trời thì đủ một cái quần Fo. Thế đấy em hiểu không? Hãy chuẩn bị đón nhận cuộc sống mà em phải nhận, không phải cho anh, cho bố mẹ…”

Smile at 05/28/2012 04:27 pm comment
Cảm động quá a ạ!
Trần Thành Nhân at 05/28/2012 04:47 pm reply
Tôi phì cười (rất vui) vì mấy chữ a ạ của bạn.

Nhận xét

  1. Khi gặp anh em không nghĩ tới 1 khoảng cách thế hệ xa tới vậy,so với những gì anh và anh Lợi đã trải qua, chúng em chỉ là những đứa trẻ chưa hiểu đời. Những khi gặp khó khăn 1 chút thấy đời sao mà khó sống, cái nghị lực để kiếm tiền mua tủ lạnh với nồi áp suất chưa bao giờ tồn tại trong em, đáng lẽ như vậy là đã đủ để cảm thấy hạnh phúc lắm rồi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn cảnh thời bấy giờ như vậy mà. Nếu so sánh với người anh đã mất của anh thì anh cũng có y chang cảm nghĩ như em. Mỗi thế hệ đều có điều để tự hào, anh nghĩ thế. (Bài này anh có post trên nhà chungCLICK HERE. Em đọc thêm ở phần comment.)

      Xóa

Đăng nhận xét