Chuyện đổi tên


Picture 107

Ngày xưa trường nó có 3 cơ sở: khoa Hoá đóng tại Viện Đại học Đông Dương do người Pháp xây tại 19 Lê Thánh Tông, các khoa khoa học tự nhiên ở 334 Nguyễn Trãi và các khoa xã hội ở Mễ Trì. Buổi sáng đi nộp hồ sơ tuyển sinh cho con trai, nhìn địa chỉ 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội nó tự nhủ “Trường mình đây mà!”


Picture 101

Phòng Đào tạo ngày xưa ở dãy nhà này. Ngày 15 tháng 8 năm 1985, dưới cơn mưa chiều bất ngờ ập xuống, cầm tờ giấy phân công công tác trong tay, nó cùng các bạn đứng trong dãy hành lang này chờ xe công trường thuỷ điện Hoà Bình về đón. 28 năm sau, nó tự tin phăm phăm đi về hướng đó. Đeo kính, ngó ngó nghiêng ngiêng. Không tìm thấy, nó hỏi một cô bé sinh viên. Cô bé nói phòng Đào tạo ở dãy nhà khác rồi tận tình dẫn tới tấm bảng sơ đồ nhà trường.


Picture 102

 Theo chỉ dẫn của cô bé nó nhằm hướng dãy nhà khác. Dãy nhà bên trái xưa là khu kí túc. Một toà nhà mới mọc lên ở chỗ trước kia là Nhà ăn sinh viên. Ngày ấy khoa của nó mới thành lập nên văn phòng khoa, phòng học, thư viện được bố trí xen trong khu kí túc. Lũ bạn nội trú cần không quá 2 phút để có thể có mặt tại giảng đường sau khi thò chân quơ đôi dép dưới gầm gường. Có đứa vì vội nên xuất hiện trên lớp với vệt nước dãi khô trên má. Chúng có thể biến mất khỏi lớp tiết cuối để nhập vào đám sinh viên ồn ào trước cửa nhà ăn. Nó nhớ có lần ông giáo người Nga bảo nó dẫn xuống tìm hiểu bữa ăn của sinh viên. Rất ngượng nhưng nó cũng dẫn thầy đi. Nhà ăn thiếu ánh sáng, tăm tối và bẩn thỉu. Nó và thầy nhập vào một nhóm đang ăn đứng. Trên chiếc bàn đá ganito chỉ còn nồi cơm và nồi canh dở. Mấy cậu sinh viên lúng ta lúng túng. Ông thầy nhanh nhẹn lấy thìa xúc cơm và chan thứ  nước canh đen như nước cống vào bát. Ăn xong ông hỏi phải trả bao nhiêu và góp ý canh nên có thêm ít mỡ… Từng ấy năm qua rồi! Anh bạn ngày xưa lên lớp với vệt nước dãi và thường trốn tiết cuối vì sợ lỡ giờ mở nhà ăn bây giờ trở thành đại gia, nếu đứng ở đây lúc này không biết anh có nhớ tiếng khua thìa đũa ngày nào.

Còn phải đi làm nên nó không có thời gian để ngắm nghía xem ngôi nhà 8 tầng này xây trên nền đất nào. Gọi thang máy lên tầng 6 tìm vào phòng Đào tạo. Nhìn bộ hồ sơ nó chìa ra người ta chỉ sang Đại học Khoa học Tự nhiên ở số 334. Nó ngây ra không hiểu gì. “Trong khuôn viên này à?” “Vâng, nhà T1”. Lạ nhỉ. Một trường có đến 2 phòng Đào tạo? À, chắc phòng này phụ trách tuyển sinh Đại học và trên đại học, còn con mình đang tuyển sinh vào PTTH chuyên – nó tự nhủ.


Picture 105

Nhà T1 là khu giảng đường chính ngày xưa. Sảnh chính đang được sử dụng làm nơi trưng bày tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguỵ Như Kon Tum, vị hiệu trưởng đầu tiên của trường nó. Tên ông giờ được đặt cho một đường phố trong quận và cái hội trường cổ kính ở khoa Hoá.


Picture 106

Leo lên tầng nộp hồ sơ xong, xuống lấy xe ra về nó mới nhìn kĩ khuôn viên trước khu giảng đường. Gốc cây hoàng lan là chỗ trước kia nó thường để xe. Ngày ấy đi học bằng xe đạp. Chiếc xe cũ của bố. Cái xe duy nhất ấy có từ khi nó còn bé lắm, từ cái thời xe đạp đeo biển kiểm soát và có giấy đăng kí. Bố đã chở anh em hắn qua những chặng đường chiến tranh bằng chiếc xe ấy… Một ngày tan lớp nó đứng như trời trồng khi không thấy chiếc xe dưới gốc hoàng lan. Nó với bạn khoá chằng hai chiếc xe kĩ lắm mà. May sao lần ấy bảo vệ trường và công an bắt được nhóm tội phạm nên nó lấy lại được.

... Chạy xe xuôi theo con đường sâu xuống phía dưới vòng qua dải phân cách, nó thấy trường có thêm một cái cổng mới. Tấm biển phía trên làm nó hiểu ra chỗ sai của mình. Té ra lúc đầu nó đã vào phòng đào tạo của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thay vì phải vào Đại học Khoa học Tự nhiên.

Đúng, nó có biết năm 1993 trường Đại học Tổng hợp sát nhập với hai trường khác thành Đại học Quốc gia Hà Nội. Đấy là về phương diện hợp nhất. Nó cũng biết về phương diện ly khai trường đã tách thành: ĐHKHXH&NV và ĐHKHTN, nhưng không ngờ cái cơ sở 334 Nguyễn Trãi này được chia cắt, trổ thêm cổng để trở thành một trường độc lập với địa chỉ 336. Thói quen thật là!!!

***

Đôi khi nó gặp khó khăn do thói quen sử dụng tên cũ. Người ta nói A, nó hình dung B. Tỉ dụ như hai trường mà rất nhiều đồng nghiệp của nó tốt nghiệp: trường Đại học Ngoại ngữ (ở Thanh Xuân) và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (ở Cầu Giấy). Sở dĩ nó phải đưa thêm mấy cái đóng mở ngoặc là vì ĐHSPNN khi hợp nhất vào Đại học quốc gia Hà Nội đổi tên thành Đại học ngoại ngữ, còn đến lượt mình Đại học Ngoại ngữ lại đổi tên thành Đại học Hà Nội.

Các thầy có vô vàn những lý do hợp lý giải thích cho việc cùng một cái tên nếu dùng để chỉ trong thời quá khứ sẽ trường này, còn trong hiện tại lại là trường khác. OK. Nhưng câu chuyện đổi tên phố nhà nó mới thuộc hàng crazy. Tự thuở nào phố nhà nó có tên Nam Đồng, gắn với cái làng cùng tên, ngôi đình cổ cùng tên, ngôi chùa cùng tên. Rồi một ngày tên phố được đổi thành Nguyễn Lương Bằng - tên vị phó Chủ tịch nước Việt Nam. Thật vinh dự  tự hào cho cư dân phố nhà. Nhưng oái oăm thay, thời gian gần đây, một con phố mới được mở song song phố cũ và người ta chán dùng tên các chính khách nên lấy lại địa danh Nam Đồng đặt cho phố. Đâu có vấn đề gì đối với đám người nhập cư. Nhưng sao nó cứ băn khoăn. Liệu linh hồn ông bà và anh trai nó quen với tên cũ có lạc đường về khi nghe khấn gọi. Ít nhất người ta cũng nên thêm chữ MỚI để phân biệt chứ nhỉ. Ôi, thật là đồ…!!!! 


Nhận xét

  1. Em chưa đọc hết, dài quá mà lại phải đi công chuyện rồi... Sẽ đọc sau anh Ba nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Thay tên trường rôi giảm luôn chất lượng để học trò cũ khỏi thăc mắc hoặc xót xa ,còn thay tên phố rồi đặt lại vì nhận thức của mấy quan phải có quá trình mới hết ...crazy ,Nhân ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lúc nhận ra mình đến nhầm trường em thấy mình tệ. Còn cái hôm thấy tên phố nhà mình ngày xưa giờ mang đặt ra chỗ khác, không kìm được tự dưng em văng tục dù con em ngồi sau xe. Thật là … shit!

      Xóa
    2. :)) Chửi bậy lúc tức cái này giờ em hay mắc phải này :P

      Xóa
  3. Ở HN nhưng em rất mù mờ về đường sá và các địa danh, trường em học là 1 sự lẫn lộn của ĐH Y, Khoa hóa ĐH KHTN, ĐH Dược, và cả 1 phần của bộ Y Tế, ngần ấy thứ trộn vào nhau.. . Hôm trước em vào google tìm ảnh cũ của trường mình, thấy duy nhất có blog của anh là lưu lại hình cũ nhất thôi, còn 1 pic bé xíu mờ mịt trong wikipedia nữa :) năm nay kỷ niệm 10 năm ra trường đây ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu chỉ dùng để gọi tên đường người ta có thể đánh số. Cái tên mang trong nó bề dày những lớp trầm tích lịch sử. Ví dụ nhé: Em hãy search Google cụm từ Đàn Xã tắc để tìm hiểu về dự án quy hoạch nút giao thông Ô Chợ Dừa đang thi công chỗ nhà anh, sẽ thấy thông tin sau trong BÀI NÀY :

      Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông, chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa. Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội.

      Đàn Xã Tắc tại kinh thành Thăng Long được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, Đàn tình cờ được các nhà khảo cổ phát hiện vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
      .

      Shit! Ngay từ ngày bé chưa biết chữ anh đã biết địa danh Xã Đàn (ngõ Xã Đàn, chùa Xã Đàn, bãi đá bóng Xã Đàn…) gắn với di tích Đàn Xã Tắc chìm lấp đâu đó trong vùng này. Hay cái dải đê La Thành mà chiều chiều anh Lợi dắt anh lên đó đứng ngóng mẹ tan làm có liên quan đến những vòng thành của kinh đô xưa.

      Nói vậy để thấy việc xoá bỏ những cái tên cũ đồng nghĩa với việc xóa đi kí ức lịch sử lưu giữ trong nó. Để một ngày có những nhà báo đầy học thức nói tình cờ tìm thấy nọ kia khi thực tế khi giải toả mở đường người ta chủ động khai quật một số vị trí và sau đó lấp lại. Hay tệ hại hơn, trong những comment dưới những bài báo này có những ý kiến cho rằng cái hòn đá và đảo cỏ đánh dấu Đàn Xã Tắc ấy có đáng gì để giữ. Nếu cho cha này quyền chắc nó cũng thay luôn phố Xã Đàn bằng một con số đánh đề.

      Xóa
  4. =)) may quá nơi em sinh ra và lớn lên từ ngày "lên phố" vẫn giữ nguyên tên, nếu giờ đổi thành tên 1 ông Cách Mệnh nào đó chắc em cũng văng... giống anh quá :))

    Trả lờiXóa
  5. Không phải đổi tên mà là ....sang tên cho ...chính chủ đấy ! :))

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét