Có Những Nhịp Cầu




Tháng Bẩy đến. Trong sâu thẳm, lòng tôi nặng trĩu một nỗi day dứt khó nguôi ngoai thúc giục tôi trở lại miền đất ấy. Đã mấy năm nay, cứ vào dịp này tôi lại trở lại với Quảng Trị, vượt qua 600km đường bộ đến thắp nén nhang cho anh tôi cùng bao nhiêu đồng đội của anh, những người lính nằm lại trên mảnh đất này. Trở lại để tìm đến . Em tìm đến với anh, người sống tìm đến người đã chết, hiện tại tìm đến với quá khứ, phai nhạt lãng quên tìm đến kí ức cuộc chiến qua hai bờ âm dương cách biệt.

Chuẩn bị lên đường nghe tin cơn bão số 2 đang từ ngoài khơi hướng thẳng vào miền Trung, ông anh trai hỏi tôi đã theo dõi kĩ tình hình bão thế nào chưa. Tôi cười bảo anh cứ yên tâm vì bão đã bắt đầu chuyển hướng đi dọc lên phía Bắc và chợt nghĩ đến câu chuyện tháng Bẩy năm 2005, hàng triệu người dân Việt đã tin rằng linh hồn những người lính nằm lại ở Quảng Trị đã đẩy cơn bão đang đổ bộ vào bờ phải quay ngược ra biển, để lễ tưởng niệm các anh được diễn ra suôn sẻ. Hôm ấy trời tầm tã mưa như nước mắt hàng triệu con tim khóc các anh, những linh hồn trai trẻ đã nằm mãi với núi sông Quảng Trị không về

Đêm tháng Bẩy, trong làn mưa dữ dội, ngược chiều với cơn bão chúng tôi lên xe chạy vào Nam. Đến địa phận Ninh Bình xe bị hỏng máy lạnh, cửa kính hấp hơi dòng dòng nước chảy phải kéo hết xuống, trong xe cũng uớt chẳng kém bên ngoài. Con đường phía trước trở nên mù mịt, làm sao đi tiếp đây? Có cái gì đó không cho phép chúng tôi dừng lại. Trong im lặng chúng tôi thầm khấn cầu anh mình phù hộ. Hãy để cho chúng em đi theo dấu chân năm xưa của các anh. Nơi này đây, tháng Bẩy năm 1972 anh cùng đồng đội xuống tầu, chuyển sang ôtô hành quân vào Nam...

Tạm dừng lại uống nước, lặng lẽ nhìn khói thuốc bay, tâm trí tôi cố gắng bắc một nhịp cầu về những ngày tháng 7/1972, về những chặng đường mà anh đã đi… Trời ngớt mưa, chúng tôi lên xe đi tiếp. Dường như được hỗ trợ bởi thế giới tâm linh, kính xe khô hẳn không còn hấp hơi như trước, đủ sáng để nhìn rõ đường, chúng tôi tiếp tục hành trình một cách thuận lợi. Trời đã sáng khá lâu, xe chạy một lèo qua Đồng Hới rồi dừng lại bên bờ sông Bến Hải. Tôi xuống xe, châm điếu thuốc và thả bộ ra cây cầu sắt cũ. Nơi đây chứng kiến bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt, cây cầu không đưa nổi con người đến với con người qua dòng sông thù hận. Chỉ đôi nhịp ngắn ngủi mà vời vợi cách xa… Cây cầu ấy giờ đây chỉ còn nhiệm vụ làm một chứng tích lịch sử, đã có một cây cầu hiện đại khác nối đôi bờ thay nó. Nghe đâu khi xây dựng cầu mới có ý kiến phá bỏ cây cầu cũ. Chao ôi những ý tưởng, làm thế khác gì xé đi một trang sách lịch sử, hay rút súng bắn vào quá khứ…

Nắng chói loá, nhưng do ảnh hưởng của bão nên không có gió Lào, chúng tôi cứ để gió thổi lồng lộng trong xe mà đi. Miền Trung nghèo khó, khô rang trong nắng gió, để ai đó phải thốt lên: “Gió Lào ơi thôi đừng thổi nữa/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người”. Chắc mai đây sẽ có một con đường cao tốc, một nhịp cầu xuyên Á giúp xoá đi cái nghèo khó của miền đất này, để người dân đỡ phải phơi mình trên cát trắng, trong nắng cháy thiêu đốt mà vẫn nghèo vẫn khổ.

Thạch Hãn đây rồi, dòng sông mà những đồng đội của anh sao mỗi khi gọi tên lại buốt lòng xa xót. Cây cầu sắt cũ năm nào vẫn còn đây. Nơi này đã chứng kiến đêm nào anh cùng đồng đội thả mình theo dòng nước sang bờ Nam, quyết tử giữ Cổ Thành. Dừng xe, chúng tôi vào thắp hương ở đài tưởng niệm trung đội Mai Quốc Ca, lòng tái tê trước những giọt máu rơi trên chảo lửa. Ôi, những người anh đã đem cả cuộc đời trai trẻ làm những viên gạch xây móng trụ một cây cầu qua dòng sông Chiến Tranh và Chia Cắt để đến bến bờ Hoà Bình Thống Nhất. Cạnh cầu sắt là một cây cầu bê tông mới, chỉ hơn chục giây xe đã sang bờ Nam nơi anh nằm lại, nhưng cây cầu nào có thể đưa em tìm được anh? Anh nằm nơi đâu trong 1,8km2 của cái thị xã nhỏ bé này? Bước xuống xe, buốt lòng bởi ý nghĩ chân em đang bước trên xương máu các anh. Mỗi mét vuông đất nơi đây có bao nhiêu người anh nằm lại? Những liệt sỹ không tên và không cả mộ phần. Nhịp cầu nào xoá đi gianh giới âm dương để con người vơi đi nỗi đau mất mát?

Mấy anh em chia nhau đi thắp hương suốt một đoạn triền sông và thả hoa xuống dòng nước. Nhưng tất cả không trôi đi, cứ dạt vào bờ. Thấy mấy cái thuyền buộc gần đó đã định tháo dây tự chèo nhưng không tìm được mái, đang thầm mong có người giúp thì từ trong xóm bỗng xuất hiện một người dân với mái chèo trong tay đi ra. Anh vui lòng giúp khi chúng tôi ngỏ lời nhờ đưa ra sông. Thả đồ lễ vào mênh mông dòng nước tôi chợt nhớ câu thơ của một người lính sư đoàn 325 đã chiến đấu ở đây: "Dòng sông xanh hiền hoà trong mát/ Xương trắng nhiều hơn đá lát dòng sông” (Về lại Quảng Trị- Tạ Quỳnh Phương). Cầu xin linh hồn các anh được thanh thản cõi vĩnh hằng. Với tất cả tấm lòng chúng em xin bắc một nhịp cầu, mong các anh về với những người thân của mình, dẫu chỉ là trong giấc mộng.

Thành cổ Quảng Trị, đài tưởng niệm các anh - một ngọn tháp vút thẳng lên trời, một lưỡi lê AK tinh thần quyết tử? Một cây bút viết lên trời xanh những trang sử bằng máu của một thời trai trẻ? Một ngọn đèn ý chí soi sáng cho các thế hệ mai sau? Để mãi mãi chúng ta nhớ đến một thế hệ buông bút, cầm súng chiến đấu cho độc lập, tự do của đất nước. Đây là nơi giao hoà giữa âm dương, trời đất, giữa người sống và người đã khuất. Giữa mênh mông cỏ xanh, trong khói hương trầm mặc những dòng người trong hành trình tháng Bẩy về với các anh đều nặng trĩu những suy tư…

Suốt ba ngày, chúng tôi chạy dọc theo đường 9, qua Làng Vây, Khe Sanh…rồi nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, ngã ba Đồng Lộc. Những bó huệ trắng, những túi đồ lễ trong cốp xe vơi đi nhưng nỗi buồn lại dâng lên xót xa theo câu hát: "Đồng đội ơi, đồng đội. Tôi gọi mãi sao không ai trả lời…Mà cứ trắng những hàng ngang hàng dọc…Đất nước thống nhất rồi sao không dậy mà vui..”. Một cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống, như nước mắt chúng tôi khóc các anh trên đường quay ra Bắc...

Đêm 27/7/2007 thắp nén nhang cho anh xong tôi vào trang web: http://nhantimdongdoi.org - một trang web do một số ngườ
i bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh lập ra để sẻ chia nỗi đau và giúp nhau trong hành trình đi tìm người thân của mình… Tôi đã gửi lên đó những day dứt khôn nguôi qua những dòng thư cho người đã khuất với hy vọng nó là nhịp cầu giúp tôi tìm được đồng đội của anh mình.

Tối 28/8/2007 điện thoại di động chợt đổ chuông, một số máy lạ. Qua trò chuyện tôi biết anh cũng đã từng là một người lính, hiện là giảng viên Đại học Quốc gia, anh vừa đọc những dòng thư trên mạng và gọi ngay cho tôi với sự cảm thông, xẻ chia nỗi đau mất mát…Ngay lúc ấy tôi vào mạng và lạnh người đọc lại lá thư cuả mình, nó được cập nhật đúng vào ngày 28/8 (DL), ngày mà 35 năm trước đây anh tôi đã ngã xuống. Một nhịp cầu tâm linh?

Sáng 07/9/2007 lại một số máy lạ, một người đồng đội của anh (nay là một nhà báo), nhập ngũ cùng ngày, huấn luyện cùng nơi, cùng vào chiến đấu tại Quảng Trị. Anh vừa đọc song bài viết đêm qua và gọi cho tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau, anh đến cùng mấy người đồng đội, tất cả họ đều là bạn cùng đơn vị. Anh kể, đứa con trai anh năm nay 28 tuổi thấy bố khóc khi đọc những dòng thư ấy, cháu ngạc nhiên hỏi anh lí do, và anh đã rất khó trả lời cháu…Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, lòng dưng dưng nhớ về những người đã khuất. Vậy là trang web ấy đã trở thành một nhịp cầu nối kết nối chúng tôi, cho tôi tìm được đồng đội của anh mình, những người lính sau bao nhiêu năm chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai kỉ niệm về những người bạn một thời sinh tử.

những người lính đã ngã xuống vẫn còn quanh đây, ngay bên cạnh chúng ta, cùng chúng ta bắc một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại. Và cuộc đời này cũng còn rất nhiều tấm lòng đang bắc những nhịp cầu qua vùng thờ ơ và vô tình để các thế hệ sau gần với thế hệ cha anh, giúp con cháu chúng ta biết quý trọng hơn những giá trị cao quý mà cha anh đã đổ xương máu để giành lấy. Hãy chung tay bắc những nhịp cầu đến với tương lai tươi sáng của dân tộc. Mỗi một nhịp cầu luôn mang dòng chữ :KHÔNG CÓ GÌ BỊ LÃNG QUÊN!

Hà Nội, những ngày thu tháng Chín 2007.
Source: http://nhantimdongdoi.org

Nhận xét