Thư Thời Chiến




Kính gửi anh Đặng Vương Hưng!

Cách đây hơn một năm tôi có đọc lời đề nghị của anh đăng trên báo về việc muốn sưu tập những lá thư và nhật kí được viết trong chiến tranh, với mục đích làm một tuyển tập Những Lá Thư Thời Chiến. Ngày đó tôi cứ suy nghĩ mãi có nên viết thư và gửi cho anh những lá thư gia đình tôi đang giữ hay không, bởi lẽ đó là kỉ vật cuối cùng còn lại của anh tôi, một người lính đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị mùa hè máu lửa 1972 khi mới vừa qua lần sinh nhật thứ 18. Lá thư ấy là những gì riêng tư nhất của anh tôi với gia đình. Phân vân mãi và tôi đã không gửi tới anh.

Tháng sáu 2005 tôi đã vào Quảng Trị, khi trở về tôi đã mua hai cuốn sách: Những Lá Thư Thời Chiến và cuốn Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi. Sau khi đọc xong hai cuốn sách đó, đồng thời xem truyền hình trực tiếp đêm nhạc: Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi, tôi thực sự xúc động và tôi đã khóc, nước mắt âm thầm tràn mi, những giọt nước mắt của một người đàn ông đã đi qua già nửa đời người, đôi khi đã chai sạn, đã có nhiều lúc trở nên vô cảm. Tôi cố dấu các con không cho chúng thấy mình khóc, bởi lẽ từ lúc sinh ra đến giờ, cháu lớn vừa thi đại học, cháu nhỏ lên lớp 5, đã bao giờ chúng thấy bố khóc đâu.

Sau khi suy nghĩ tôi quyết định viết thư này, đồng thời gửi kèm tới anh lá thư của anh trai tôi viết từ chiến trường Quảng Trị ít ngày trước khi vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất đầy máu lửa ấy.

Lời đầu thư tôi xin gửi tới anh những lời cảm ơn chân thành của bố mẹ tôi và của anh em chúng tôi. Có lẽ anh ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi nói cám ơn như vậy? Khi đọc tiếp chắc anh sẽ hiểu không chỉ gia đình tôi, mà còn rất nhiều những người cha người mẹ, những người vợ, những đứa con…nghĩ về anh với những ý nghĩ tốt đẹp, với sự cám ơn chân thành. Tại sao anh có biết không?

Anh Vương Hưng ạ, chắc đã có nhiều lần anh xem các chương trình truyền hình như: Vượt Qua Thử Thách, Ai Là Triệu Phú...và nghe được những câu trả lời hết sức ngớ ngẩn của người dự thi (dù họ đang là sinh viên, hay đã tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước) về lịch sử đất nước, về truyền thống dân tộc…Nhiều người trong chúng ta giật mình trước những hiểu biết hời hợt của thế hệ trẻ về đất nước, về dân tộc mình. Cứ nghĩ có lẽ đấy chỉ là cá biệt, nhưng khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin kết quả thi môn Lịch sử trong kì thi đại học vừa qua và những thí dụ “cười ra nước mắt”của các thí sinh... thì có lẽ những người có tâm huyết với đất nước, với dân tộc không khỏi giật mình trước những gì mà thế hệ 8X và 9X đang hiểu về chính dân tộc và đất nước mình. Với những thí sinh thi khối C mà như vậy, thì ai dám chắc những thí sinh khối A, B…kể cả những người đã đỗ, thậm chí đỗ thủ khoa có kiến thức như thế nào về lịch sử ?

Khi cuộc sống như một dòng sông đang chảy cuồn cuộn trong nền kinh tế thị trường, khi mà các giá trị tinh thần, đạo đức đang có xu hướng bị mai một, bị xói mòn trước giá trị của vật chất và đồng tiền thì việc tìm tòi, sưu tập và công bố những lá thư, những tập nhật kí của một thế hệ đi trước, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ để tiếp bước cha anh xây dựng đất nước độc lập, tự do, giầu mạnh là điều vô cùng cần thiết. Với các gia đình có người thân đã đổ xương máu trong hai cuộc chiến tranh để dành được ngày chiến thắng thì việc làm đó như một sự tri ân, một sự an ủi đối với những người còn sống và cả những người đã khuất.

Anh Hưng ạ, chắc anh cũng như tôi và nhiều người thuộc thế hệ đã đi qua chiến tranh, đã chứng kiến những đau thương mất mát, đã sống những năm tháng cực kì thiếu thốn, nghèo đói chẳng ai yêu cầu con cháu mình phải sống như chúng ta đã sống, phải suy nghĩ như chúng ta suy nghĩ…nhưng chúng ta không thể để mặc chúng sống mà không biết cha anh chúng đã sống như thế nào, đã làm những gì để chúng có được ngày hôm nay. Có lẽ không phải ai trong số các chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cũng đều biết đến câu danh ngôn: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

Chính từ những suy nghĩ đó mà tôi đã viết lá thư này cho anh và gửi kèm lá thư của anh trai tôi là liệt sỹ Trần Thế Ngọ. Để anh hiểu rõ hơn, tôi xin sơ qua về gia đình chúng tôi: Bố mẹ tôi có 5 người con (4 trai, 1 gái), anh Ngọ là anh cả (sinh năm 1954). Bố mẹ tôi vốn là thợ thủ công. Cuộc sống những năm tháng trước đây vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nếu không muốn nói rằng rất nghèo (đến những năm 70 mà ngôi nhà chúng tôi ở trong thành phố Hà Nội vẫn còn là nhà tranh vách đất).Tháng 1/1972 anh tôi lên đường nhập ngũ khi vừa học xong lớp 10 và chưa tròn18 tuổi. Sau 6 tháng huấn luyện tại Hoà Bình (hòm thư 643 141 JC13), tháng 7/72 anh lên tàu vào. Chặng đường anh đi, theo những lá thư gửi về, không hề khác so với những gì mà liệt sỹ Nguyễn văn Thạc đã ghi lại trong thư và trong những trang nhật kí “Mãi mãi tuổi hai mươi”của mình. Những trang thư anh viết đôi lúc cũng bằng hai thứ mực, cũng những dòng chữ đề ngoài bì thư: “Ai nhặt được xin bỏ giúp vào hòm thư” vì các anh ấy đã ném chúng xuống từ tầu hỏa, hay từ ôtô trong chặng đường hành quân vào chiến đấu.

Lá thư anh tôi viết dài nhất là lá thư tôi gửi kèm đây cho anh. Thư viết trên đất Nghệ An trong ngày rảnh rỗi và thanh thản cuối cùng. Nó chính là lời di chúc của một người ngày mai sẵn sàng đón nhận cái chết. Đó là những day dứt khôn nguôi về những lỗi lầm trong cuộc sống, những yêu thương vô bờ với bố mẹ và các em. Anh gửi lời thăm hỏi đến cô bác hàng xóm và dặn dò cả những điều nhỏ nhất như nhớ trả chị hàng xóm 2 bìa đậu phụ, 1 quả chanh mà buổi tối ngày anh về phép gia đình không kịp mua thức ăn phải sang vay tạm.

Anh Hưng ơi, khi viết đến những dòng này tôi lại trào nước mắt, anh tôi muốn khi ra đi về cõi vĩnh hằng trong lòng thật nhẹ nhàng thanh thản, không còn điều gì phải ân hận ngoài việc chưa đền đáp được ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của bố mẹ và không được ở bên để chăm lo bảo ban các em khi chúng còn nhỏ dại.

Ngoài lá thư trên, gia đình tôi còn lưu giữ những dòng thư của a
nh tôi viết trên đất Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn. Đó là những dòng thư cuối cùng, để rồi vài ngày sau, ngày anh vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất Nhan Biều

Anh Vương Hưng thân mến! Cho phép tôi gọi anh như vậy bởi lòng biết ơn của cá nhân tôi đối với anh, người đã bằng tấm lòng mình biên tập những cuốn sách để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì một ngày mai tươi sáng của dân tộc... Suốt 34 năm qua, lá thư của anh tôi như một ngọn đèn soi đường cho chúng tôi bước đi, vượt qua bóng đêm của đói nghèo và gian khó, luôn tự rèn mình để vượt qua những cám dỗ, những lầm lạc trong cuộc sống. Cho đến giờ phút này chúng tôi tự hào rằng mình đã ngẩng cao đầu mà sống tốt như anh tôi hằng mong muốn. Anh trai thứ của tôi năm 1980 tiếp tục vào quân đội theo nghĩa vụ của người thanh niên với Tổ Quốc. Còn tôi cũng năm đó được gọi vào quân đội huấn luyện quân dự bị động viên 3 tháng. Tôi lại gia nhập chính sư đoàn 325, sư đoàn anh tôi đã từng sống ,chiến đấu và ngã xuống.

Danh tướng Napoleon đã từng nói trong một lần phong tặng danh hiệu anh hùng cho những người lính, đại ý: Hôm nay, chúng ta phong tặng huân chương cho những người anh hùng hạng hai, bởi tất cả những người anh hùng hạng nhất đã ngã xuống rồi.

Chắc rằng những người lính khi hy sinh chẳng ai đòi hỏi Tổ Quốc phải phong anh hùng cho mình. Nhưng việc thế hệ sau ghi nhận sự hy sinh của họ và hình ảnh họ sống mãi trong lòng đồng đội và gia đình đã đủ làm cho linh hồn họ mãi mãi thanh thản cõi vĩnh hằng.

Trân trọng gửi tới anh và gia đình lời chúc sức khỏe và sự biết ơn chân thành.

Hà Nội ngày 01 tháng 8 năm 2005

Trần Thế Lợi


 28/7/1972
Bố Mẹ kính mến
Các Em yêu quý!
Hôm nay là ngày thứ 8 trong 4 ngày hành quân và cũng là 8 ngày đêm con xa Hà nội, xa gia đình, xa bố mẹ, các em, xa cô bác họ hàng, xa bạn bè thân thiết, xa những gì mà con thường yêu mến quý trọng. Đêm nay đây con nằm lại ở một khu rừng phương Nam, sau một đêm hành quân mệt nhọc, trưa hôm nay con gặp những cháu nhỏ vào rừng kiếm cơm, con mới biết đây là đất Nghệ An chứ nếu không thì không biết. Vì đi chỉ có đi đêm mà đường ôtô thì cũng xuyên rừng.
Bố mẹ kính mến!
Kể từ khi bố mẹ nuôi con khi còn nhỏ cho tới nay, khi con đã chập chững bước vào cuộc đời thì con đã phải chịu mọi cảnh sống rừng, cơm vắt, ngủ màn trời chiếu đất.
Bố mẹ ạ! Nay con đã thấu hiểu công lao nuôi con và các em con, trong những ngày con còn thơ dại, bồng bột con có nhiều điều làm cho bố mẹ không vừa lòng từ lời nói cho tới công việc, làm cho bố mẹ phải suy nghĩ nhiều về con, nay đã biết công lao dạy dỗ của bố mẹ không gì sánh nổi. Giờ đây con rất ân hận nhưng không kịp nữa con đã phải xa bố mẹ, các em con rồi. Giờ đây con không biết lấy gì để đền đáp công lao dạy dỗ, nuôi nấng con và các em con, con xin hứa sẽ trở thành người chiến sỹ anh hùng để vừa lòng mong muốn của bố mẹ và nếu con có trở về hay không nữa thì gia đình ta hãy tự hào rằng gia đình ta đã cống hiến cho cách mạng một người con trung dũng và gia đình ta đã đóng góp một phần vào công cuộc chống Mỹ này.

Bố mẹ kính mến! Các em đáng yêu:
Hôm nay đây con đã trở thành người chiến sỹ quân giải phóng, cũng ngày hôm nay đây con đã chững chạc hẳn lên. Hôm nay đây trên đầu con là chiếc mũ tai bèo, ba lô con cũng đầy, nặng thêm. Hiện nay con cũng chưa biết đi B dài hay ngắn mà trang bị cho con thì tương đối nhiều: 2 lạng mỳ chính – 1kg5 đường sữa – 2 cân duốc – 1 cặp lồng, quần áo dài, áo lót 2 bộ, còn thuốc men, đồ ăn hàng ngày kể ra trên ba lô con khoảng 25kg – 28 kg chưa kể 8 kg gạo ăn đường và súng đạn. Con đi vào còn được đi ôtô, khoảng 5-6 ngày hành quân nữa là sẽ đi xe căng hải vượt Trường Sơn.
Hôm 20-7 con bắt đầu lên tầu lúc 19g30 vào Nam Định xuống đi bộ vào Gôi con ở Gôi 1 ngày cách quê mẹ có 5km mà không được về, con cũng gửi 1 lá thư ngay ở đó mà không hiểu gia đình bố mẹ nhận được chưa. Con ở chợ Gôi hôm đó thì chiều 21-7 lại hành quân vào Ninh Bình, ở Ninh Bình (cách thị xã 4km) 3 ngày lại tiếp tục đi vào Thanh Hoá, con ở Thanh Hoá 2 ngày, ngày 26 lại lên xe và vào tới Nghệ An.
Cuộc hành quân của con và anh em toàn hành quân bằng ôtô có những cung đường dài 150 km phải ngồi ôtô 6-7 tiếng liền mà đường rừng núi, hố bom gập ghềng nhiều lúc ngồi trên xe mà như bay trên không. Nói chung sức khoẻ của con thì vẫn bình thường, tuy sức khoẻ có đuối và mệt hơn ở huấn luyện nhưng không đáng kể.
Các em yêu quý của anh;
Thôi thế là anh xa các em rồi nhỉ, anh mới xa các em có 8 ngày mà anh cảm thấy vô cùng lâu lắm rồi ấy. Hôm 20-7 anh đi anh vẫn còn tin tưởng là nó còn cho đóng gần Hà Nội thì anh sẽ còn gặp các em, nhưng anh không ngờ “uỵch” một cái nó tống anh và các bạn anh vào ngay một nơi xa xôi hẻo lánh này, thế là anh không tâm sự được với các em bằng lời rồi. Thôi anh tâm sự với các em trên trang giấy này nhé:
Chắc các em cũng phải tự hào chứ nhỉ, nếu có ai hỏi anh cháu làm gì thì chắc các em cũng tự hào trả lời Anh cháu đi bộ đội, anh hứa và thi đua với các em rằng anh sẽ không làm cho gia đình ta mang tai mang tiếng vì anh, bố mẹ cũng k
hông xấu hổ với thiên hạ vì là bố mẹ một “thằng con cóc quay” còn các em cũng không phải nhận một thằng anh ham sống sợ chết, thoái thác nhiệm vụ. Mà các em sẽ tự hào anh đang làm nhiệm vụ cho Tổ Quốc. Nhiều khi ở đời cũng cần ăn nhau ở cái lý lịch đấy các em ạ!


Còn anh trước khi xa các em anh sẽ có mấy điều dặn lại các em:
Hà em: Em nay là lớn rồi thì phải nghe lời bố mẹ, chịu khó giúp đỡ bố mẹ đừng cãi lại, càu nhàu với bố mẹ. Gương mẫu cho các em nó học, bây giờ thì ăn chơi không thích hợp với thời cuộc rồi. Mà em là đứa con gái đấy đừng đua bạn đua bè mà đi tới chỗ hư hỏng, mấy ngày về phép anh thấy mày hay cãi với bố mẹ khi sai bảo em, nhưng anh thấy không tiện nói.
Thắng- Lợi: Hai em hãy còn nhỏ chưa biết nghĩ đâu nhưng rồi lúc các em sẽ biết như anh bây giờ biết thì muộn rồi. Vậy còn 2 em bây giờ phải nghe lời bố mẹ chăm làm, chăm học chứ, anh xem quyển học bạ của 2 đứa anh chán lắm. Bây giờ 2 em chăm chỉ học, bố mẹ nuôi cho ăn học thời buổi bây giờ là khổ lắm đấy, vất vả lắm. Nhà bây giờ còn có hàng thì chịu khó mà làm, thỉnh thoảng có tiền muốn tiêu thì tiêu, và đừng đánh cãi nhau nhé.
Nhân em: Em thì học giỏi rồi, nhưng còn hay cãi nhau, đánh nhau với anh Thắng anh Lợi thì thôi nhé, phải chịu khó nghe lời các anh các chị vì em là út mà, đừng dỗi nữa nhá, hơi một tý là dỗi vào bộ đội mà dỗi á họ ăn hết mặc kệ, chứ dỗi ở nhà bố mẹ anh chị còn dỗ, phần đấy.
Thôi anh có mấy điều căn dặn Thắng – Lợi - Nhân đấy cố gắng phát huy cái tốt và sửa chữa khuyết điểm nhé. Còn Hà em thì tuỳ em đấy, do em nghĩ thế nào thì nghĩ.

Hiện nay đi với con có Hồi, Hưởng, Thái. Con bây giờ không có hòm thư nên nhà đừng gửi thư đi, mà thư của Hùng – Long gửi về thì là con vẫn ở đấy, vì sợ nhà không nhận được thư của con nếu không có gì thay đổi.
Bố mẹ cho con gửi lời thăm anh Chính, chị Vĩnh và bác Xuyền. Hà trả anh Chính 2 bìa đậu, 1 quả chanh nhé.
Thôi con dừng bút ở đây chờ thư sau.

Con của Bố mẹ – Anh của các em.
Trần Thế Ngọ

Source : Những lá thư thời chiến Việt nam 2

Nhận xét