Thư Gửi Người Đã Khuất



Anh kính yêu!

Tháng trước em vừa đi Quảng Trị về, và đêm nay em ngồi viết những dòng này gửi cho anh, cho dĩ vãng, cho kí ức, hay cho hiện tại của em, cho tương lai của các con em (là các cháu anh đấy). Viết cho cái gì em cũng không biết nữa, chỉ biết bao nhiêu năm rồi bố mẹ và chúng em vẫn day dứt khôn nguôi vì chưa tìm được anh dù cuộc chiến đã lùi xa ba mươi năm rồi. Anh ạ, từ xưa đến nay mỗi khi nhắc tới chiến tranh người ta thường dùng những từ: hào hùng, oanh liệt, vĩ đại…Nhưng có lẽ với em và nhiều người khác, nhất là những ai đã đi qua cuộc chiến, hay đã mất những người thân yêu nhất của mình thì chiến tranh là khúc bi tráng bởi nó gắn liền với số phận bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình.

Hơn ba mươi năm đã qua đi từ khi chiến tranh chấm dứt trên mảnh đất này, vết thương đã thành dấu sẹo mờ, dấu tích chiến tranh trên mặt đất đã bị mưa gió thiên nhiên và bàn tay con người gần như xoá sạch, nhưng kí ức khốc liệt về cuộc chiến đôi khi vẫn hiện về trong tâm trí người lính, trong những cơn mơ ú ớ, quằn quại vã mồ hôi khi vết thương xưa những đêm trở trời lại hành hạ người thương binh…Còn đó nỗi đau đớn khôn cùng mà cuộc chiến đã để lại, âm thầm lặng lẽ trong lòng những người cha, người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những bậc sinh thành nhìn những đứa con tật nguyền bởi di chứng của chất da cam…

Anh ơi, Bố mẹ mình năm nay đã ngoài tám mươi, mắt đã mờ đục, lưng đã còng theo gánh nặng thời gian, tai đã nặng lắm rồi. Vậy mà hơn ba mươi ba năm nay có bao nhiêu buổi chiều, trong không gian tĩnh lặng, thơ thẩn trong căn nhà trống vắng bố mẹ vẫn cứ ngước nhìn mãi vào tấm ảnh anh, rồi quay sang tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công treo bên cạnh, giây lát lại đưa tay chấm mắt và ngóng vào khoảng không vô định với đôi mắt vô hồn. Hình như lúc đó một tiếng động rất nhỏ giữa thinh không cũng làm bố mẹ giật mình tưởng bước chân con trở về.

Mùa hè năm 1972, một mùa hè máu lửa, 81 ngày đêm trên thành cổ Quảng Trị. Trong cái mùa hè ấy anh đã đến nơi đó và mãi mãi nằm xuống trong mịt mù bom đạn. Cái khốc liệt của mảnh đất Quảng Trị ngày ấy, em chỉ biết qua sách báo và lời đồng đội anh kể lại. Và quả thật, em không biết nói gì hơn khi đọc những dòng ghi chép của Hoàng Nguyên Vũ:

Sông Thạch Hãn ôm lấy thị xã Quảng Trị, thị xã nhỏ bé chưa đầy 2km2, trong 81 ngày đêm Mỹ ngụy đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7/1972 chúng xả vào Thành cổ hơn 5000 quả đại bác. Một mùa hè đỏ lửa đã biến Thành Cổ Quảng Trị thành một đài tưởng niệm bất tử và vĩnh hằng về khát vọng hoà bình, độc lập thống nhất, bằng tim và ý chí của những người lính trẻ. Có người ví Thành Cổ Quảng Trị là Cov-entry của nước Anh, là Bologne của Italia, đã viết nên những dòng sử bằng máu của một thời trai trẻ suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa1972. Phải nói rằng, trên mảnh đất hinh chữ S này chưa một nơi nào đất được giữ bằng một giá đắt như nơi đây, và chưa một dòng sông nào nước lại chứa nhiều máu như dòng Thạch Hãn…” (Có tuổi hai mươi thành sóng nước. HNV)

Anh biết không, trong giàn phong lan treo trước cửa nhà em, giữa muôn loài lan nhập ngoại rực rỡ sắc mầu có bình dị một giò phong lan Kiếm, với những nhánh lá hình lưỡi kiếm vút thẳng lên trời, mãnh liệt và bất khuất. Giống hoa này thật dễ trồng, chẳng cần chăm bón, tưới tắm mà nó vẫn xanh tốt. Chắc anh không biết rằng kỉ vật cuối cùng của anh còn lại trên cuộc đời này là di ảnh trên ban thờ với đôi mắt lúc nào cũng như cười, mấy lá thư viết từ Dốc Miếu, Đông Hà, Thạch Hãn và giò lan Kiếm này đây.

Sáng ngày 04/7/2005, vừa tới sông Thạch Hãn, qua điện thoại di động em nhắn tin về để ở nhà mọi người thắp hương cho anh, báo với anh rằng thằng em bé bỏng của anh ngày nào đã đến nơi anh nằm xuống. Em vô cùng bất ngờ khi mọi người báo tin giò lan của anh trổ rất nhiều hoa. Anh ơi, những nhành hoa ấy chảy dài, xuôi xuống phía dưới, ngược với chiều vươn lên mãnh liệt và bất khuất của lá, với những bông hoa nhỏ xíu mầu trắng hồng như nước mắt pha những đốm nâu nhạt của vết máu khô chảy thành dòng về với đất. Nó như khúc bi ai của thân phận con người, ngược với những gì hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng.

Bây giờ, ở nơi nào trong lòng đất lạnh, hay tít trên trời cao giữa các giải Ngân Hà, linh hồn anh có còn ngược về quá khứ, nhớ lại những ngày tháng ấy không?

Tháng 1/1972 anh lên đường nhập ngũ. Một ngày cuối xuân gia đình lên Dốc Bụt- Hoà Bình thăm anh trước ngày anh đi B. Được nghỉ một ngày với gia đình, anh vào rừng tìm giò lan mang về làm quà. Kỉ vật đơn sơ ấy là kỉ vật cuối cùng, để rồi mãi mãi với chúng em, anh chỉ hiện hữu hàng ngày qua bức ảnh với nụ cười hiền trong khói nhang trầm u uất, trong giò lan xanh mướt mà mỗi khi trổ hoa đều đem lại tin vui cho mọi người trong gia đình. Nhiều năm đã trôi qua, các em anh đã trưởng thành, mỗi khi xây dựng gia đình và chuyển nhà ra ở riêng mẹ lại tách giò lan ra vài nhánh cho bọn em mang theo trồng nơi nhà mới, và cũng thật lạ giò lan không phải năm nào cũng ra hoa, nhưng mỗi khi nó trổ bông thì bao giờ gia đình cũng có sự kiện vui anh ạ. Mẹ vẫn dặn chăm sóc hoa cẩn thận anh con sẽ phù hộ, và chúng em vẫn coi như có anh hiện hữu đâu đó quanh mình. 

Tháng 7/72 anh lên tầu vào Nam, mấy bức thư viết vội lúc nghỉ chân anh dặn dò chúng em nhiều điều, về chuyện chăm chỉ học hành và giúp đỡ bố mẹ. Anh bảo có thể anh không trở về nữa nhưng không bao giờ làm các em phải xấu hổ vì có một thằng anh B quay (cóc quay). Nếu anh không về thì các em hãy tự hào rằng đã có một người anh hy sinh vì đất nước,vì dân tộc. 

Anh ơi! Khi đi vào cuộc chiến có người lính nào muốn mình chết phải không anh? Chắc đại đa số ai cũng hiểu rằng ở đời Chết Vinh còn hơn Sống Nhục. Thật buồn khi bây giờ giữa cuộc đời này em vẫn thấy những kẻ khoác áo thành đạt, ngồi xe hơi xịn, vênh mặt với đời, nói những điều cao đạo lại chính là những kẻ trước đây trốn tránh NVQS hoặc đào ngũ, mà hồi những năm đầu 70 không dám ra đường ban ngày, đi đâu cũng cúi gằm mặt... Sự mất mát người thân nào cũng đau lòng, nhưng chắc rằng bố mẹ cũng ngẩng cao đầu tự hào mà sống đến ngày nay chính là do sự hy sinh của anh. Điều đau lòng nhất là đến tận hôm nay bố mẹ và chúng em vẫn không biết anh nằm nơi đâu trong lòng đất lạnh?

Anh! Trong chuyến đi vừa rồi em không có tham vọng tìm được chỗ anh nằm, bởi trong giấy báo tử người ta chỉ ghi nơi hy sinh và mai táng là Mặt trận phía Nam Quân khu 4. Năm 1991 gia đình đã đăng tin tìm mộ anh trong chuyên mục Nhắn Tìm Đồng đội, ngay sau đó đồng đội anh đã tìm đến nhà rất đông. Trong rưng rưng nước mắt các anh ấy nói không thể tìm được mộ anh đâu, bởi bom pháo đã làm cho anh không còn nguyên vẹn hình hài và sau khi lượm nhặt từng phần thi thể, các anh ấy đã bọc gói anh và nhiều đồng đội khác vào tăng và mai táng, nhưng bom cày đạn xới hàng giờ thì chỉ hôm sau không ai còn nhận ra nơi ấy là chỗ nào.

Anh biết không, đau lòng hơn cả là mẹ cứ đi khắp nơi hỏi han thông tin mong tìm được phần mộ anh. Mẹ vẫn gầy và nhỏ bé như xưa, chỉ ba mấy kg với áo nâu sồng, cái nón thẫm mầu thời gian cứ đội nắng mưa đi với hi vọng mơ hồ như thế. Nghe tin có nhà ngoại cảm nhìn ảnh có thể biết mộ ở đâu mẹ cũng tìm đến. Thật buồn, sau khi nhận ảnh vài ngày, chị ấy chỉ gửi lại ít dòng viết trên trang giấy thay cho lời anh, đại ý: bố mẹ đừng mất công tìm con làm gì, thân xác con đã hoà trong đất và nằm lại Thành Cổ cùng rất nhiều đồng đội, con không cô độc đâu… 

Anh! Khi xe chạy vào Quảng Trị, bắt đầu đến Dốc Miếu em đã thấy run hết cả người. Nước mắt ứa trên mi, nhưng không thể trào ra mà âm thầm chảy ngược vào lòng em mặn đắng. Đường Một bây giờ mở rộng, trên vách phải quả đồi là dòng chữ: Di tích lịch sử Dốc Miếu, còn đỉnh đồi bên trái là tượng đài các chiến sỹ đang hướng về phương Nam. Các đoàn xe vùn vụt lao qua, trong số những người trên xe có mấy ai để ý từ đây vào Đông Hà, Thạch Hãn bánh xe của họ đang lăn trên lớp lớp máu xương những người lính miền Bắc… 

Sau chuyến đi, khi trở về Hà Nội em tình cờ đọc bài báo Có tuổi hai mươi thành sóng nước của tác giả HNV. Một cái gì đó rất lạ dâng lên trong em. Hôm đó trên chuyến xe mọi người thắc mắc về màu đỏ kì lạ của hoa phượng trên vùng đất này, khi ấy em chỉ nói về điều kiện địa chất và khí hậu, tuyệt nhiên không dám nói ra điều em nghĩ: Phải chăng máu của anh và đồng đội đã làm nên cái mầu đỏ ấy? Cũng như cái trong vắt của dòng Thạch Hãn phải chăng nước sông được hoà với máu của những người lính tuổi đôi mươi trong trắng, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc?

Thị xã Quảng Trị bây giờ đã phai mờ nhiều dấu tích chiến tranh. Cạnh cây cầu sắt cũ năm nào giờ là một cây cầu bê tông mới. Đồng đội anh nói anh hy sinh cách chân cây cầu sắt khoảng hơn 1000m xuôi về phía hạ lưu và từ mép sông trở lên 200m nữa (có lẽ đằng sau lưng khu vực nhà thờ và trường Bồ Đề). Thôi không biết nơi nào anh nằm xuống thì những bông hoa thả trôi trên dòng Thạch Hãn cũng coi như đã được đặt trên phần mộ các anh.

Anh! Xin anh hãy cùng đồng đội vui lòng yên nghỉ, có thể người này người khác, lúc này lúc khác đã lãng quên các anh bởi cuộc sống đang cuồn cuộn chảy với tốc độ chóng mặt, không phải ai cũng nhớ về các anh, nhớ đến những năm tháng hào hùng của cuộc chiến tranh như một khúc ca bi tráng. Xin các anh hãy ngủ yên với cỏ non thành cổ, mặc cho ai nỡ vô tình.

Anh kính yêu! Em xin chép lại ở đây đoạn thơ của một người lính cũng từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, viết về các anh với một lời ngợi ca bất tận, với lời nguyện cầu các anh được yên bình với giấc ngủ ngàn năm: 

Đò xuôi Thạch Hãn xin… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước 
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. 

Anh ạ! Nếu được gặp anh Lê Bá Dương tác giả bài thơ, em sẽ xin phép cho riêng em khi đọc bài thơ này được đổi hai chữ: “hai mươi’’ thành “đôi mươi”. Như thế hợp với anh hơn phải không? Vì anh mới vừa 18 tuổi mà, và còn biết bao đồng đội của anh đã ngã xuống khi mới 18 tuổi. Từ xưa đến nay cha ông ta vẫn nói: mười tám đôi mươi phải không anh?

Anh ạ! Những ngày đầu tháng Bẩy này các phương tiện thông tin đại chúng thường nói nhiều về chuyến đi thăm Mỹ của thủ tướng Phan Văn Khải với phương châm: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Điều đó âu cũng đúng phải không anh? Con người ta không thể sống mãi với quá khứ, cũng như ôm mãi mối hận thù. Cuộc sống và lịch sử đã sang một trang mới. Có thể, các thế hệ sau này sẽ phán xét cuộc chiến ấy dưới các cách nhìn khác nhau, nhưng hiện tại tất cả đã khép lại. Chỉ có điều những day dứt trong lòng bố mẹ và chúng em về phần mộ và xương cốt của anh chưa biết đến khi nào mới khép lại?

Trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn nơi Tình Yêu Thương và Sự Thù Hận ngự trị có lẽ sẽ còn mãi một nỗi đau.

Hà nội 12.7.05 
Source: http://www.nhantimdongdoi.org

Nhận xét