Ai là triệu phú?




Chương trình vừa hết phát sóng, mình ngồi viết những dòng này.

...Đang ngủ gà ngủ vịt trong đoạn quảng cáo sữa có nhiều vi chất tăng chỉ số IQ, bỗng nghe tiếng người quen, mở mắt ra thấy anh Trung, anh Cao trên T.V. Ôi, hai ông già rủ nhau đi thi đấu “Ai là triệu phú” mà chẳng thấy khoe. Người thi trước - một cô gái xinh đẹp hút hồn vừa ra về với mức thưởng 1 triệu sau khi không biết “Đoản khúc thu Hà nội” là của Trịnh Công Sơn. Không biết hai ông này sẽ thi đấu thế nào đây? Hồi hộp như chính mình ngồi ghế nóng với Lại Văn Sâm.

Trong trường quay rực rỡ ánh đèn, hai ông anh lên hình thật quê. Một ông béo, một ông gầy. Một ông giọng trầm khàn, một ông giọng kim. Một ông lơ đềnh, ề à đến thờ ơ, một ông chỉ cười cười trước các câu hỏi của người dẫn chương trình. Chẳng có điểm gì chung giữa hai ông đến mức Mr. Sâm phải ngạc nhiên.

Nhấp nhổm theo dõi anh Cao thi đấu, câu nào trả lời được mình hét to ủng hộ đội nhà, như thể anh ấy sẽ nghe được dù trương trình này ghi hình từ mấy tuần trước rồi. Anh Trung trong hàng ghế khán giả hình như hồi hộp hơn đấu sĩ trên ghế nóng. Chỉ thấy cười cười, trong khi anh Cao lừ đừ, có phần hơi khinh khỉnh trả lời Mr.Sâm. Tuyệt! Mình thích cái cách anh ấy thi đấu: bình thản, dễ dàng như thể đang gạch vào các ô chữ trên tờ báo trước mặt, chứ không phải trong một trường quay với hàng trăm cặp mắt dán vào. Không, dùng không đúng từ. Với anh ấy đây không phải là cuộc đấu, chỉ đơn giản là một trò chơi: không hét lên sung sướng khi đúng, không bối rối lúc cần sự trợ giúp. Thích cách anh suy luận khi trả lời tập tục đua thuyền và thả bánh trôi xuống sông của người Trung Hoa liên quan tới cái chết trầm mình của nhà thơ Khuất Nguyên. Rồi căng ra khi anh chùng chình xác định thời điểm ra khơi trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Cu Đức hét toáng lên nhắc bác: "Buổi chiều!" vì nó vừa học bài thơ này trong sách Tiếng Việt lớp 4. Anh mà không trả lời được thì khối lời ong tiếng ve. Hú hồn, một lần nữa anh lập luận đúng dù chỉ nhớ mấy từ “sóng đã cài then…” Tuyệt - một lần nữa Mr.Sâm phải công nhận, bởi không ít ngưòi chơi trong chương trình này gặp may hơn là lập luận bằng những trải nghiệm.

Anh dừng cuộc chơi sau khi sử dụng sự trợ giúp cuối cùng - gọi điện thoại cho một người trẻ tuổi. Người dẫn chương trình hơi sững lại ngạc nhiên khi biết quan hệ của anh với người trợ giúp. Hay! Bố hỏi con. Học từ con. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng chỉ những người thực sự cầu tiến, thực sự tôn trọng kiến thức mới dám làm, hoặc công nhận mình làm như vậy. Sao nào! Kiến thức là biển, và ta chỉ là một miếng bọt biển, càng thấm hút nhiều, càng nặng. Cậu con anh trả lời vào giây cuối: “Khó quá. Con không biết”. Thích cái ngữ điệu vô tư của nó.

Sao tôi kể chuyện này? Chuyện hai người đàn ông ghấp ghé tuổi già lên T.V nhìn chẳng khác gì mấy ông chạy xe ôm hay đứng chợ người. Họ lẫn vào muôn vạn con người bạn vẫn gặp ngoài đường, hoặc tệ hơn khi có lần bạn ném vào họ câu chửi khi lỡ loạng quạng đụng xe bạn. Không sao cả, cuộc sống vốn thế. Tôi viết về họ, chỉ vì tôi biết họ là ai thôi.

Đó là hai người đồng đội của anh tôi - những người lính của chiến trường Quảng Trị năm xưa. Họ đã chứng kiến anh trai tôi hy sinh như thế nào, đã khóc hoá đá khi đi gom nhặt thân xác bạn mình, chôn xuống bên dòng sông Thạch Hãn, và chính họ cũng tưới máu mình xuống để mặt đất này hồi sinh mầu xanh cây cỏ. Họ đã mất hết tuổi xuân cho đất nước này, và giờ đây vẫn mang trong mình những vết thương nhức nhối hay di chứng của chất dioxin.

Tôi đau không khóc được mỗi lần nhìn hai đứa con anh Trung oặt ẹo, lơ ngơ đòi theo bố lên thăm bà (chúng gọi mẹ tôi như thế kể từ ngày gia đình tôi nhận các anh là con). Lần ấy anh lật đật tìm đến khi thấy ảnh anh trai tôi trên T.V, trong chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” của truyền hình Quân đội nhân dân, anh ôm lấy mẹ tôi, an ủi bà đừng khóc. Nhưng không khóc làm sao được khi nghe anh nói: “Mẹ ơi, có khi cuộc sống còn đau hơn cái chết!”

Tôi đã viết những dòng day dứt và nhận được những lời khuyên. Những gì đã qua hãy để nó qua. Xới lại nỗi đau làm gì. Nhưng tôi luôn tự hỏi: có thật quá khứ đã qua chưa?

…Tối nay tình cờ theo dõi các anh thử sức trên truyền hình, tôi lại nhận cho mình một bài học. Bài học về sự bình thản đầy trải nghiệm của con người. Một trong hai anh đang mang trong mình căn bệnh có căn nguyên từ cuộc chiến tranh ấy - ung thư.
Rat_Hue71 at 08/24/2012 09:17 pm comment
Quá khứ sẽ không qua khi mình vẫn nghĩ mãi về nó. Xin chia sẻ với anh về những dòng viết đầy ắp tình cảm này.
Rat_Hue71 at 08/24/2012 09:54 pm reply
Một câu nói rất đau đớn phải không anh? Cầu cho vong linh của người đã mất sớm được siêu thoát. Có những điều mà vẫn và sẽ mãi không bao giờ quên. Nhưng em tin những người có tâm sẽ có 1 cuộc sống thanh thản.
Trần Thành Nhân at 08/24/2012 09:42 pm reply
“Mẹ ơi, có khi cuộc sống còn đau hơn cái chết!” - cái người nói câu ấy cũng ra đi hơn 3 năm rồi RH ạ. Anh không thể quên được hình ảnh anh ấy những ngày cuối cùng trên gường bệnh.

Nhận xét

  1. Bố em cũng là 1 người lính và là thương binh nhẹ, nhưng ít khi nào nghe bố kể về cuộc chiến đã trải qua, có lần em hỏi 'ra mặt trận bắn có nhìn thấy ai mà nhắm không bố? "bố nói "chỉ bắn ầm ầm vậy thôi chứ có nhìn thấy ai với ai đâu", mẹ thì nói rất may là sinh ra 2 đứa vẫn bình thường vì khi hành quân có khi đi qua những vùng đất bị rải hóa chất cây cối rụng hết cả :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc em sẽ được nghe nhiều hơn nếu là con trai và có cơ hội ngồi uống ruợu cùng đồng đội xưa của bố, nhất là trong ngày giỗ một người lính trẻ.

      Xóa

Đăng nhận xét