Entry for March 29, 2008

Quang Tri - Buc anh trong bao tang


NHỚ LẠI TRẬN CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ 1972
(Đại tá Nguyễn Việt – nguyên Tham mưu phó sư đoàn 325)

Chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Trung tuần tháng 8 năm 1972, Bộ Tư lệnh B5 quyết định giao nhiệm vụ cho F325 chỉ huy lực lượng Bảo vệ Thành Quảng Trị.

Lúc này, Sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn đóng ở khu vực Cao Hy-Tây Ðông Hà độ 15km trên một bãi bom B52 địch đã đánh nát.

Sư đoàn chọn địa điểm này là để tạo bất ngờ đối với địch, cho là ta không thể đóng một cơ quan chỉ huy cỡ sư đoàn tại một vùng chúng đã ném bom tơi bời.

Tôi được mời lên gặp anh Lê Kích sư đoàn trưởng và được giao nhiệm vụ làm chỉ huy trưởng các lực lượng phòng thủ thành cổ Quảng Trị, thay anh Thúy trung đoàn trưởng trung đoàn 48 ra nghỉ sau nhiều ngày chiến đấu căng thẳng. Anh động viên tôi và nói rõ: “Nhiệm vụ rất khó khăn. Sư đoàn tin tưởng nêu cao trách nhiệm nặng nề cho anh. Vào trong đó, cần chấn chỉnh lực lượng phòng thủ, cương quyết giữ vững địa trận, tạo điều kiện cho các sư đoàn bạn phản công từ hướng tây-nam và hướng đông.

Tôi cùng chú bé Hùng công vụ và một liên lạc viên khẩn trương lên đường. Chúng tôi đi bộ giữa ban ngày, dựa theo vệt đường xe cơ giới qua dãy đồi lúp xúp, động Quai Vẹc, Tân Vĩnh chi chít hố bom B52, khét lẹt mùi thuốc nổ, cây cỏ bị đốt cháy nham nhở, xám xịt. Ðây đó những xác xe tăng địch, xe vận tải của ta nằm rải rác, đen thui.

Chúng tôi rời sở chỉ huy trung đoàn tiếp tục cuộc hành trình vào thành cổ. Qua kinh nghiệm bản thân thời hoạt động trinh sát-đặc công và thời phòng không chống chiến tranh phá hoại, tôi chọn thời điểm buổi trưa để ra Nhan Biều, bờ sông Thạch Hãn và cứ thong dong thẳng đường quốc lộ 1A mà đi, như vậy an toàn hơn, địch ít đánh phá.

Ðường khá tốt, lát bê tông xi măng dày vài chục phân, rộng đến 10 mét, không một bóng người, cả một vùng vắng lặng. Trên đầu, tiếng bà già OV10 vè vè liên tục xoi mói tìm mục tiêu. Ðến một cống trên đường, chúng tôi tạm dừng chân nghỉ ít phút. Chui vào vòm cống, gặp ngay một tổ vài ba chú lính non choẹt. Hỏi chuyện thì được biết, mấy chú này đi lạc nên tạm lánh ở đây chờ anh em đi tìm. Hỏi ăn uống thế nào các chú trả lời vào căn cứ Ai Tử kiếm ăn, thiếu gì lương khô gạo sấy. Chẳng rõ đây là lính lạc ngũ hay bỏ ngũ. Rất có thể là quân bỏ ngũ, tạm lánh ở một nơi an toàn đợi thời cơ. Các chú đã khôn ngoan chọn nơi ẩn trốn ở chiếc cống này, không trốn hẳn ra ngoài hậu phương mà lại tạm dừng ở đây. Có thể an toàn hơn về mọi mặt, kể cả mặt chính trị, không mang tiếng là quân bỏ ngũ, đào ngũ.

Tôi lựa lời khuyên anh em tự tìm đường trở về đơn vị và chỉ đường cho các chú đi ngược ra hướng sông Vĩnh Phước, tìm trung đoàn. Chúng tôi chia tay nhau. Không rõ các chú bé có trở về đơn vị không. Nhưng trước hoàn cảnh này, chúng tôi biết làm gì hơn.

Trên đường đi qua căn cứ Ai Tử, một bên là sân bay lát ghi sắt máy bay lát ghi phản lực lên xuống được, một bên là căn cứ đồ sộ của sư đoàn Mỹ cũ, sau là của sư đoàn ngụy, ngổn ngang cơ man nào là công sự bao cát, nhà cửa, chòi canh, cột điện. Không biết bao nhiêu của cải đã đổ vào đây. Những lô cốt xi măng, gỗ đất chi chít cả một vùng. Những cột điện dã chiến bằng gỗ thông sơn hắc ín to 20-30 phân thẳng vút cao đến 20 mét, những chòi canh kiên cố sắt thép đen sì khống chế toàn khu vực. Ðây đó dăm ba chiếc xe tăng M141 đổ chổng kềnh. Hàng chục xe tải GMC cháy nham nhở, lốp bẹp dí. Cả một vùng chết chóc, ảm đạm. Lác đác những cây cỏ mới chồi lá xanh, biểu thị sức sống mãnh liệt vùng đất đỏ ba dan nhiệt đới.

Đến Nhan Biều, chúng tôi vượt làng xóm cây cối đổ ngổn ngang, nhà cửa tốc mái ngả nghiêng. Lẻ tẻ còn một ít dân trụ bám trong hầm kèo chữ A làm bằng đủ thứ gỗ, sắt, tôn loại tốt, kể cả ghi đường bằng sân bay. Ðến hậu cứ cung cấp của sư đoàn và trung đoàn 95 sau hai ngày hành quân từ sở chỉ huy sư đoàn cơ bản, chúng tôi vào nghỉ ngơi, ăn vội bữa cơm chiều bằng gạo sấy với ruốc mặn Trung Quốc. Vừa lúc đó, đồng chí chính ủy trung đoàn 48 cũng mới từ Tả Kiên đến, anh em trò chuyện, trao đổi tình hình chiến đấu và đảm bảo hậu cần của các lực lượng bên thành. Anh nêu những khó khăn cụ thể và về lo việc cho bên kia. Bên thành đã có chính ủy trung đoàn 95.

Tôi động viên anh, đề nghị anh đặc biệt lưu ý vấn đề bổ sung quân số, giải quyết thương binh liệt sĩ, quân lạc ngũ, bỏ ngũ thuộc các lực lượng bảo vệ thành.

Đang trò chuyện, bỗng một loạt pháo bầy từ hạm đội Mỹ ngoài khơi dội trăm viên vào khu vực. Tiếp theo là một loạt B52 kéo dài một vệt bom dọc sông từ đầu cầu Quảng Trị đến Nhan Biều-Xuân An.

Hầm hố nơi chúng tôi đang trú ẩn rung lên như võng đưa, khói đạn bom mù mịt cả một vùng. Mấy anh em quần áo đầy đất cát, nói vui với nhau trong hầm: Bom đạn Mỹ chào mừng bọn mình mới đến đó, oai hơn cả nguyên thủ quốc gia!

Vừa chấm dứt đợt B52 và pháo kích, chúng tôi vội ra ngay bờ sông, chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn sang Thành, vào lúc chiều tà, trời còn sáng, tranh thủ thời cơ, đoán chắc lúc này sau đợt oanh kích, sẽ tạm yên ắng, bọn Mỹ còn phải ăn chiều tối chứ!



Tôi và chú Hùng công vụ cởi quần áo, ba lô mỏng gói trong phao ni lông, lặng lẽ bơi qua sông. Sông Thạch Hãn lúc này nước cạn, chảy hiền hòa phẳng lặng, hai bờ cách nhau ngắn hẹp, chỉ độ 200 mét, nên chúng tôi dễ dàng thoải mái vượt qua, mát rượi sau ngày hành quân nóng bức. Nhớ lại cách đây 20 năm, năm 1952, tôi cũng đã vượt sông Ðà bằng phao tre bương, nước cuồn cuộn đỏ bầm phù sa cùng đội “Tinh cầu tỉa sản” thọc sâu vào địch hậu với sức trai, tuổi ngót 30. Và hôm nay đây, sức đã xuống, gân đã chùng, với tuổi 47 ngót nghét 50, nhưng vẫn đủ sức bơi chiến đấu thoải mái, thanh thản, mặc dù vừa qua một trận hỏa lực Mỹ phủ đầu không kịp mở mắt!

Hai mươi năm một quãng đường
Hỏi ai, ai biết đoạn trường nào đây!

Sở chỉ huy Thành cổ ở ngay sát mép sông, dưới một căn hầm rượu của dinh tỉnh trưởng Quảng Trị đã bị bom đạn làm đổ nát, gạch đá gỗ sắt đổ ngổn ngang bao phủ cả khu hầm dày tới 4-5 mét, bom ném bên cạnh cũng chẳng hề gì, trừ trường hợp bom khoan cả cái đúng lỗ, nên nói chung là khá an toàn.

Anh em đã cải tạo khu hầm, chia thành ba ngăn có giao thông hào chạy ra bên ngoài. Một ngăn làm khu phẫu thuật, ngăn cho thông tin trinh sát và một ngăn chỉ huy và trực ban tác chiến. Cửa hầm được thiết bị chiến đấu chu đáo, có trung liên và B41 bảo vệ.

Máy bay bà già, khu trục hàng ngày soi tìm, nhưng do ta ngụy trang kín đáo, kỷ luật khói lửa và đi lại ban ngày được duy trì nghiêm mật, nên địch vẫn chưa phát hiện được mục tiêu sở chỉ huy, tuy có nghi ngờ, thường xuyên tìm kiếm.

Tôi vào đến sở chỉ huy thì trời vừa xẩm tối 20 tháng 8 năm 1972. Lách qua cửa hầm, tụt xuống dăm bậc thang thì đến căn hầm chỉ huy sở rộng khoảng 8 đến 10 mét vuông. Cảm giác đầu tiên của tôi lúc này là hầm khá an toàn, nhưng khá nhộn nhạo, đông người, nóng hầm hập và tối mù, phải dùng đèn dầu cả ngày lẫn đêm. Mọi người đều mặc quần đùi, cởi trần hoặc may ô ba lỗ, từ lính đến chỉ huy.

Tôi gặp ngay anh Thủy trung đoàn trưởng trung đoàn 48, anh Thiện chính ủy trung đoàn 95, anh Thả trung đoàn phó 95, anh Vân trung đoàn phó 48, anh Như tham mưu trưởng trung đoàn 48, bộ năm chỉ huy Thành cổ. Các anh đã được mặt trận B5 thông báo việc tôi vào thành làm chỉ huy trưởng, thay anh Thúy ra ngoài nghỉ và chuẩn bị ra thủ đô báo cáo Bộ tình hình tác chiến ở thành cổ nhân ngày quốc khánh 2.9.1972, nên các anh có ý chờ tôi vào.

Anh em hàn huyên chuyện trò cởi mở thân mật, tuy mới quen nhau lần đầu (đối với các anh trung đoàn 48), uống chén trà nóng, hút điếu thuốc thơm, rồi lại được bồi dưỡng một cốc bột đậu lương khô hảo hạng của Trung Quốc viện trợ. Tôi nói vui vẻ: ở trong hầm này, cho kẹo cũng không dám mời các o văn công vào biểu diễn vì tất cả đều phải cởi trần trùng trục suốt ngày đêm.

Sau câu chuyện vui, tôi đề nghị các anh trao đổi tình hình Thành cổ, về ta và địch...

Tổng quân số trong thành khoảng 1300 người, tinh thần cán bộ chiến sĩ đều tích cực dũng cảm, ngày chốt giữ, đêm đi tập kích. Ngày 20 tháng 8 trước sức tiến công của địch, các chốt của ta đều giữ vững.

Sáng hôm sau, tôi tranh thủ đi trinh sát địa hình thị xã. Ðứng ở đài quan sát gần sở chỉ huy, nhìn bao quát toàn thành, thấy thị xã gần như bị san bằng, chỉ thấy nhà cửa cây cối đổ ngổn ngang, còn trơ lại một ít mái bằng hoặc mảng tường cao hình thù đủ loại, trơ ra cốt thép cong queo tua tủa. Khu thành cổ tường cao độ ba đến bốn mét, xám xịt màu rêu phong, đây đó đã bị sập đổ từng đoạn. Ðến gần, chung quanh có hào nước sâu, nhiều quãng đã cạn nước. Ta tổ chức từng chốt đại đội dọc bờ thành, đã cải tạo tường thành công sự chiến đấu và khu trú ẩn, chủ yếu bằng gỗ đất, có bao cát phủ dày tới một vài mét khá vững chắc. Nhưng có nhược điểm căn bản là không có giao thông hào nối liền. Muốn cơ động nơi này sang nơi khác đều phải vận động trên mặt đất, mặt đường nhựa, lợi dụng từng ngóc ngách, khe nhà đổ để tạm dừng.

Nhìn lên phía bắc-đông bắc là khu làng Cổ Thành-Tri Bưu với các thôn Hành Hoa-Dương ấp. Nhìn xuống phía nam-đông nam là khu làng Thạch Hãn-Ðệ Tam-Ðệ Ngũ với các địa danh ty cảnh sát, trại giam, nhà thờ Tin Lành, ngã ba đá, trường Bồ Đề chạy dọc bờ sông. Nhìn sang hướng đường 1 đổ vào thị xã thì xa xa là khu ngã ba Long Hưng, Mai Lĩnh, đến khu Bà 5 khu Rocket, khu Mĩ Đông... với đủ các vật chuẩn quen thuộc lúc bấy giờ từ mặt trận đến sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn như: Cây đa nhà bò, Nhà mái bằng, Lô cốt sắt chạy dài dọc đường Quang Trung...

Tất cả cảnh vật ấy từ bắc xuống nam, từ đông sang tây đều là một cảnh đổ nát hoang tàn chết chóc. Khói bom đạn mù trời không ngớt. Ta và địch đang đứng trước một cuộc đọ sức quyết liệt mà phần ưu thế binh hỏa lực thuộc về chúng. Tôi thầm nghĩ: hỏa lực Mỹ cộng với lính ngụy cũng tạo nên sức mạnh đây. Kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Ních-xơn quả là thâm hiểm.

Đi về phía cửa nam Thành cổ, tôi rẽ vào thăm một chốt bố trí ở đó. Tất cả chiến sĩ đều là tân binh bổ sung, vừa vào Thành cách đây ít ngày. Anh em đều rất trẻ, mới nhập ngũ được một tuần chưa kịp huấn luyện thì được lệnh cấp tốc từ miền Bắc vào thẳng đây ngay.

Anh em rất bỡ ngỡ với chiến trường, với súng đạn, nhưng với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ (tuổi độ 17-18) lại được cán bộ dìu dắt, hướng dẫn tập luyện ngay tại chốt, lại tập tháo lắp súng, bắn súng, ném lựu đạn, vận động bí mật qua gạch đá, tôn ván, nên cũng quen dần và đã thực sự chiến đấu được ngay. Tôi động viên anh em và nói vui: “Lớp trẻ các cậu thật anh hùng. Nếu mình có quyền thì gắn ngay tại trận địa huân chương cho bất kể chiến sĩ nào đã cởi quần áo bơi qua sông và vào được đến đây. Nhưng mình lại không có quyền đó. Biết làm sao bây giờ. Thôi hãy tranh thủ từng giờ tập luyện đi. Kẻ thù đang ở trước mặt ta đó, cách đây có vài trăm mét thôi”. Một vài anh em trẻ măng góp vui: “Chúng em sẽ quyết tập và quyết giữ. Nhưng thủ trưởng nhớ huân chương vượt sông vào Thành cổ nhé!”.

Đang cười vui thì một loạt pháo cối, kể cả đạn pháo xe tăng nổ rất đanh quanh chốt. Nhưng được cái may, không ai bị thương vì đều ngồi trong công sự.

Sau khi trinh sát thực địa và nghiên cứu tình hình mọi mặt, chúng tôi cùng bàn với anh em trong ban chỉ huy tìm cách khắc phục nhược điểm từng bước, để cải thiện tình hình, và thống nhất xác định ý định chiến đấu. Tất nhiên, việc khắc phục không phải đơn giản, nhất là trong điều kiện địch đang mở đợt tiến công thứ 5 từ 20 tháng 8 năm 1972 vào thị xã. Sau khi được Bộ Tư lệnh B5 phê duyệt vào ngày 25 tháng 8 năm 1972, chúng tôi tổ chức củng cố điều chỉnh lại lực lượng thu gọn đầu mối chỉ huy.



Cuộc chiến đấu trong Thành diễn biến ngày một quyết liệt.

Từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 8 năm 1972, các chốt trong thị xã đều giữ vững. Đêm đêm, ta tập kích địch ở Tri Bưu, ở Thạch Hãn, chùa Bà năm, diệt một số tên, khiến chúng không tiến được.

Quân số bổ sung vào Thành đều đặn theo kế hoạch. Mỗi đêm vào trung bình được 40-50 người (đã trừ số người bỏ ngũ, lạc ngũ hoặc bị thương từ bên kia bờ sông, chiếm khoảng 30-40 phần trăm).

Hàng ngày thuyền gắn máy hậu cần từ Tả Kiên vào thành đều tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men, kể cả quà Quốc khánh 2.9 từ hậu phương tới, có đủ thuốc lá Ðiện Biên, Thủ Đô bao bạc, bánh kẹo Hải Châu!

Ðợt từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 9 năm 1972, trời mưa to, nước sông Thạch Hãn lên nhanh, chảy xiết, ảnh hưởng đến tăng cường cung cấp và quân số. Có đêm trôi dạt hàng chục chiến sĩ vượt sông. Công sự chốt bị sụt lở nhiều. Ta tiếp tục giữ vững các chốt trên các hướng. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 tập kích khu tam giác Thạch Hãn, chiếm một số công sự địch, cải thiện thế phòng thủ ở đó. Tiểu đoàn đặc công mặt trận phối hợp với đại đội đặc công sư đoàn 325 chuẩn bị đánh khu quận lỵ Mai Lĩnh nhưng không thành công.

Ngày 4 tháng 9 năm 1972, trung đoàn bộ binh 88 thuộc sư đoàn 308 rút khỏi khu Thạch Hãn tây và khu giáp sông ở thôn Ðệ Ngũ-trường Bồ Đề làm sườn phía nam bị hở. Một số đồng chí trung đoàn 88 trong đó có trung đoàn phó Phan bị thương tạt vào sở chỉ huy Thành cổ. Chúng tôi trao đổi tình hình và tổ chức đưa số đồng chí này vượt sông lũ ra hậu phương. Để đối phó với tình hình quan trọng này, chúng tôi sử dụng một bộ phận tiểu đoàn 7, trung đoàn 18 và tiểu đoàn 4, trung đoàn 95 ra chiến đấu thay thế trung đoàn 88 ở khu vực đó để bảo vệ sườn phía nam thị xã.

Ngày 7 tháng 9 năm 1972, địch tiến công đợt 6, mở đầu bằng đòn tập kích hỏa lực “Phong lôi 2”. Không quân, hải quân Mỹ, pháo binh ngụy bắn phá dữ dội 48 giờ liền vào tất cả các trận địa ta, tập trung đánh vào khu Thành cổ, các bến vượt sông, đường cơ động lực lượng và vận chuyển. Máy bay B52 rải thảm tả ngạn sông Thạch Hãn, tập trung vào khu Nhan Biều-Ai Tử và các trận địa pháo của ta.

Đêm 7 tháng 9, tiểu đoàn 2 trung đoàn 48 tập kích khu Hành Hoa, diệt một đại đội địch, chiếm một số công sự, cải thiện thế phòng thủ ở Tri Bưu. Tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 tập kích khu nhà thờ Tin Lành, diệt một số, nhưng không đẩy được địch ra khỏi khu vực. Đồng chí tiểu đoàn trưởng hy sinh. Chúng tôi vội cử đồng chí Cường cán bộ hóa học sư đoàn ra thay thế. Đồng chí Cường vui vẻ lên đường chỉ huy ngay.

Ngày 9 tháng 9 năm 1972, đồng thời với việc sư đoàn đủ ngụy tiến công khu La Vang-Tích Tường-Như Lệ để chặn sư đoàn 308 phản kích từ hướng này, liên đoàn biệt động 1 tiến công Bích Khê-Nại Cửu để chặn sư đoàn 320 hoạt động từ bắc sông Vĩnh Ðịnh, địch sử dụng sư đoàn thủy quân lục chiến gồm hai lữ đoàn chia làm năm mũi, tiến công từ ba hướng vào thị xã. Ðịch tập trung xe tăng, xe bọc thép, súng phun lửa để chiếm thành. Nhiều trận phản kích ác liệt của ta ở ngay sát chân Thành cổ đã đánh bật nhiều mũi tiến công địch, như: ngày 9 tháng 9, một trung đội địch lọt vào thành cổ, bị tiểu đoàn địa phương 3 phản kích. Ðịch buộc phải tháo chạy, để lại 11 xác chết.

Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 chặn đánh địch quyết liệt ở khu Tin Lành, giành đi giật lại từng công sự. Ðịch bị diệt một đại đội, nhưng chiếm được khu Mỹ Tây. Ta bị thương vong 30, hỏng một cối 82, một súng 12ly7, một đại liên, một B40, một B41. Đến đêm 9 tháng 9, tiểu đoàn 4 cùng tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 tập kích chiếm lại khu Mỹ Tây, đẩy địch chạy về nam sông con. Đêm 9 tháng 9, đưa tiểu đoàn địa phương 8 vào Thành sau khi ra ngoài củng cố.

Ngày 10, 11, 12 tháng 9 năm 1972, địch tiếp tục lấn dũi mạnh từ hướng nam-đông-nam. Nhiều toán địch nhảy vào thành nhưng đều bị tiêu diệt. Quanh Thành cổ, dưới hào nước, xác chết địch trương phềnh, mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Ngày 10 tháng 9 địch lấn dũi có xe tăng chi viện khu Mỹ Tây, Trường Nữ, Trại giam. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 đánh trả ác liệt, giữ vững chốt, diệt 90 tên, bắn hỏng một xe tăng, hai đại liên, thu một M79 và nhiều lựu đạn, nhưng cũng bị hy sinh 6, bị thương 49.

Đêm 10 tháng 9, cho tiểu đoàn 4 ra ngoài củng cố, dùng tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 thay thế, chiến đấu ở tây-nam Thành cổ.

Đêm 12 tháng 9, tăng cường 70 chiến sĩ cho tiểu đoàn địa phương 3 trong thành cổ. Tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 và tiểu đoàn 7 trung đoàn 18 phản kích quyết liệt, nên địch không phát triển được. Trời tiếp tục mưa. Nước sông Thạch Hãn lên to, cuồn cuộn chảy mạnh, nên hạn chế việc tiếp tế và tăng cường quân cho thành.

23 giờ ngày 13 tháng 9, Bộ Tư lệnh B5 lệnh cho đồng chí Vân trung đoàn phó trung đoàn 48, và tiếp sau đó vài giờ, vào 1 giờ sáng 14 tháng 9 lệnh đồng chí Việt (là tôi) chỉ huy trưởng Thành ra ngay Nhan Biều để cùng đồng chí Vịnh sư phó sư đoàn 325 tổ chức lực lượng trung đoàn bộ binh 18 vào phản kích trong thành.

Chấp hành lệnh, tôi giao việc chỉ huy thành cho đồng chí Thả trung đoàn phó trung đoàn 95.

Ngày 14 tháng 9 năm 1972, từ hướng đông-nam, địch tiến sát khu chùa Bà Năm, khu trại giam, chợ. Từ hướng nam, chúng vào kh
u Mỹ Tây, Trường Nữ. Ta chống trả quyết liệt, vẫn giữ vững các chốt, nhưng bị thương vong nhiều. Mặt trận B5 điều một đại đội xe tăng đến Nhan Biều để làm công sự cố định bắn chi viện sang Thành. Đồng chí tiểu đoàn trưởng xe tăng đến gặp tôi ở Nhan Biều để nhận nhiệm vụ. Nhưng sau đó đồng chí báo cáo khó khăn địa hình nên chưa bố trí được ngay.

Tối 14 tháng 9, đồng chí Thiện chính ủy trung đoàn 95 tự động ra Nhan Biều xin chỉ thị. Tôi phân tích cho đồng chí rõ tự ý ra khỏi thành là không đúng và bảo đồng chí cần trở vào ngay. Ðồng chí nghe ra, nên đã trở vào đêm 14 tháng 9 cùng đồng chí Vân trung đoàn phó.

Ngày 15 tháng 9 năm 1972, 4 giờ sáng ngày 15 tháng 9 địch mò vào tập kích sở chỉ huy tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 chiếm một góc khu đông-bắc Thành cổ. Các chốt còn lại tiếp tục chiến đấu trong ngày, mặc dù sức chiến đấu đã giảm, quân số bị thương vong nhiều. Lực lượng tiểu đoàn địa phương 8 tỉnh, tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 mới vào cũng đã bị tổn thất nặng. Lực lượng trung đoàn bộ binh 18 vẫn chưa đến được nơi quy định để vượt sông vào Thành cổ.

Tối 15 tháng 9, mấy anh em chỉ huy trong thành nắm lại tình hình, thấy địch đã chiếm một số góc thành cổ, quân số chiến đấu của ta còn lại chẳng bao nhiêu nên thống nhất ra lệnh rút khỏi thị xã và thành cổ từ 22 giờ ngày 15 tháng 9.

Thứ tự rút, thương binh đi trước, tiếp đến các lực lượng tiểu đoàn ở xe, rồi đến các đơn vị trực thuộc, cuối cùng là sở chỉ huy Thành. Sử dụng đội vệ binh trung đoàn 48 chiến đấu bảo vệ đội hình rút qua sông. Ðồng chí Thả và Vân ra sau cùng.

Hai giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, tôi đang chập chờn ngủ ở Nhan Biều thì đồng chí Thả vào báo cáo đã cho quân trong Thành rút ra an toàn. Bàng hoàng vì quá bất ngờ, nhưng rồi cũng thấy ngay là thực tế phải xảy ra!

Chúng tôi vội báo cáo tình hình đó về Bộ Tư lệnh B5 và sư đoàn 325. Sáng 16 tháng 9, Bộ Tư lệnh B5 lệnh chúng tôi tiếp tục sử dụng trung đoàn bộ binh 18 vượt sông đêm 16 tháng 9 để chiếm lại Thành cổ. Nhưng đến chiều ngày 16 tháng 9, trong lúc chúng tôi đang lo chuẩn bị phương tiện và hỏa lực chi viện cho trung đoàn bộ binh 18 vượt sông thì nhận được lệnh B5 cho trung đoàn bộ binh 18 dừng lại không vượt sông nữa, chuyển gấp vào phòng ngự Nhan Biều Ai Tử, lấy tiền duyên phòng ngự từ mép bờ tả ngạn sông Thạch Hãn, lệnh trung đoàn 95, trung đoàn 48 và các lực lượng khác từ trong thành rút ra về củng cố nghỉ ngơi ở hậu cứ từng đơn vị.

Chấp hành lệnh B5, chúng tôi dừng việc vượt sông, chuyển sang tập trung trước mắt đón số quân còn lại bên Thành cổ đang lẻ tẻ rút nốt về (chủ yếu là quân trinh sát, đặc công, vệ binh.)

Chúng tôi cho kiểm tra lại quân số các đơn vị xem còn sót lại ai bên thành cổ. Hỏi về Ban 2 chiến dịch qua kỹ thuật thu tin địch có bắt được chiến sĩ nào của ta không? Anh Kim Hùng trưởng ban 2 chiến dịch trả lời có xảy ra một vài vụ ta địch bắn súng lẻ tẻ bên Thành cổ vào đêm 16 và hiện địch chưa bắt được người nào của ta cả.

Thế là tạm yên tâm về việc rút khỏi thành cổ, không xảy ra sự cố phức tạp. Quân ta đã rút an toàn, không một ai bị bắt, không một trường hợp đào ngũ chạy sang hàng giặc.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, có phần tự hào đã hoàn thành nhiệm vụ sau nhiều ngày đêm chiến đấu căng thẳng ác liệt, lo lắng vì trách nhiệm nặng nề, vì tính mạng hàng nghìn con người được giao phó, mặc dù trong tâm tư vẫn còn những băn khoăn thắc mắc chưa được giải đáp.

Có thể nói trong suốt thời gian dài ở trong thành, chúng ta đã vượt quá sức chịu đựng của con người có thể chịu đựng.

Sau này nghĩ lại, có lẽ yếu tố tinh thần, yếu tố trách nhiệm đã giúp chúng tôi vượt qua cơn thử thách nghiệt ngã. Ở trong thành, chúng tôi đã ăn uống thiếu thốn, kham khổ. Nấu nướng thường vào lúc nửa đêm gần sáng, ăn vội bát cơm nóng, còn cả ngày đều dùng cơm nguội với ruốc mặn hoặc một ít thịt hộp, rau cỏ rất khan hiếm, chẳng kiếm đâu ra. Thỉnh thoảng cậu công vụ thương tình pha cho cốc bột đậu lương khô, bắt uống bằng được để giữ được sức. Đi đại tiểu tiện cũng rất hạn chế. Có lần đang đi ngoài ở một ngách giao thông hào thì một loạt pháo trùm lên phải vội nhảy vào hầm để rồi lại ra đi ngoài tiếp. Còn ngủ nghê thì coi như thức trắng vài chục ngày đêm. Lắm lúc quá mệt thì chợp mắt được dăm chục phút đến một tiếng là nhiều ở ngay chỗ chỉ huy. Suốt ngày đêm bù đầu lên về quyết tâm xử lý tình huống chiến đấu, hết khu nam, đông-nam đến khu bắc-đông-bắc, về giải quyết sinh hoạt bộ đội, nào tiếp tế hậu cần, nào thương binh, nhận quân, phân phối quân mới vào thành... Rồi còn cái nạn điện thoại, hết điện thoại cấp trên gọi đến cấp dưới hỏi, nhiều lúc phải gào lên khản cả cổ mới truyền đạt được ý kiến tới nơi nhận, bịt chặt tai bên kia mới nghe rõ ý người đối thoại.

Lại còn lo việc giữ bí mật và bảo vệ sở chỉ huy. Ðã nhiều lần địch đánh sở chỉ huy cả tiếng đồng hồ, hết bom đến pháo. Máy bay A30 địch cứ nhào lên lộn xuống dai dẳng ném từng chùm bom vào khu vực. Có lần làm sụt một phần khoang phẫu thuật. Cả khu hầm rung lên, đất cát rơi bụi mù. Rồi còn phải lo việc chiến đấu của sở chỉ huy chống xe tăng và bộ binh địch. Chúng tôi bàn đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nên đã điều thêm một đại đội về quanh sở chỉ huy, bố trí chiến sĩ trong sở chỉ huy, bàn đến việc di chuyển và sơ tán sở chỉ huy ra dọc sông Thạch Hãn, lấy công binh đào thêm hầm hố. Nhưng rồi việc di chuyển sở chỉ huy cũng không thành, do nước sông lên to, phá hầu hết công sự sở chỉ huy mới làm ở các ngách ven sông...

Đó là những suy nghĩ ban đầu, mộc mạc của chúng tôi, những người trực tiếp chiến đấu ở thành cổ. Còn cấp trên thì sao?


Ngày 17 tháng 9, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện cho B5 chỉ rõ: “Bộ đội ta rút khỏi thị xã chỉ là một sự lui quân có tính chiến thuật. Cần thấy: đứng về phạm vi cả mặt trận thì cuộc chiến đấu của ta vẫn đang tiếp tục!” (Điện số 255, ngày 17 tháng 9 năm 1972).

Sau này về B5 họp, hỏi chuyện rút Thành cổ, anh em cơ quan Bộ tham mưu kể lại:

Sáng sớm 16 tháng 9 năm 1972 giao ban Bộ Tư lệnh, anh em cơ quan đều lo lắng một trận lôi đình có thể xảy ra tại bàn giao ban. Nhưng hoàn toàn ngược lại, anh Trần Quý Hai, Tư lệnh chiến dịch bình tĩnh phân tích tình hình, biểu dương tinh thần chiến đấu của anh em trong hơn 80 ngày đêm.

Thực tế từ mồng 10 tháng 9 ta có thương vong nhiều. Như hai tiểu đoàn mới vào thành (tiểu đoàn 3 trung đoàn 48, tiểu đoàn địa phương 8) cũng đã tổn thất nặng. Riêng tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 từ khi vào thành đến khi rút ra (từ ngày 13 tháng 7 đến ngày 10 tháng 9 năm 1972) đã hy sinh trên 100 đồng chí, bị thương trên 700 (tính cả số bổ sung từng ngày), đảng viên có 67 đồng chí, lúc ra còn 12 đồng chí v.v... Thật là quá nặng nề đối với lực lượng phòng thủ thành cổ. Và cũng thật là anh dũng kiên cường, nhất là vào những ngày cuối, đa số là tân binh mới bổ sung. Cho nên theo ý chúng tôi thì hành động của tư lệnh chiến dịch vào buổi giao ban sáng 16 tháng 9 và tiếp sau đó lệnh phòng ngự tả ngạn sông Thạch Hãn vào chiều 16 tháng 9 là thích hợp với tình hình thực tế.

Qua thực tiễn chiến đấu ở Thành cổ, chúng tôi thấy ý chí quyết tâm của bộ đội ta của nhân dân ta thật tuyệt vời.

Trong tác chiến phòng thủ Quảng Trị, trước sức mạnh hỏa lực của đế quốc Mỹ được tập trung tối đa (chỉ tính từ ngày 9 đến 16.9 năm 1972, địch đã bắn 123.725 viên đại bác các cỡ vào thị xã, trong đó có 52.572 viên vào thành cổ, riêng pháo hạm đội Mỹ là 11.322 viên cỡ 155-175 ly trở lên, sử dụng 197 lần chiếc máy bay, trong đó có 83 lần chiếc B52 đánh thị xã, dọc bờ sông Thạch Hãn. (Theo tài liệu quân đoàn 1 VNCH ta thu được sau ngày giải phóng 1975). Ta chiến đấu trong điều kiện địa hình bất lợi (địa hình bằng phẳng lại bị nước - là chướng ngại - chia cắt).

Các lực lượng trực tiếp phòng thủ thị xã đã cùng một ý chí sắt đá là kiên quyết giữ vững Thành cổ bằng mọi giá nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris. Rất nhiều gương chiến đấu, phục vụ chiến đấu vô cùng anh dũng của cán bộ chiến sĩ, của các đoàn dân công hỏa tuyến, của nhân dân trong khu vực.

Trong hơn 80 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng bộ đội và nhân dân, tạo nên sức chiến đấu kiên cường, dẻo dai. Bên cạnh lực lượng bám trụ thị xã, phải tính đến sức mạnh của các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320 đứng bên sườn địch từ hướng đường 1 và hướng ven biển, mở nhiều đợt tiến công vào sườn đội hình tiến công của địch; gây cho địch nhiều thiệt hại, làm chậm bước tiến của chúng, buộc chúng phải đối phó bị động.

Ngoài ra phải nói đến nhiều đoàn tân binh từ nhiều tỉnh miền Bắc đã lần lượt vào thị xã để bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu. Nhiều lực lượng dân quân du kích và nhân dân địa phương đã đấu tranh kiên cường bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng ở vùng địch hậu Triệu Phong, Hải Lăng. Nhiều lực lượng dân công hỏa tuyến tại khu vực Tả Kiên, Ba Gơ, Đại Ang, Tân Vinh đã tận tình phục vụ cho Quảng Trị chiến đấu.

Thật vậy, nhiều lực lượng, nhiều binh chủng, nhiều thứ quân cùng với nhân dân Quảng Trị và các tỉnh lân cận đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, tiêu diệt và ngăn chặn quân thù từng bước, giữ vững từng mảnh đất vừa được giải phóng.

Quả thật là Đảng ta, nhân dân ta đã động viên, bồi dưỡng được một thế hệ thanh niên anh hùng, thế hệ biết quên mình để làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Vinh quang thay thế hệ chiến sĩ thanh niên đã chiến đấu ở Thành cổ trong những ngày đêm hào hùng đó!

Kỷ niệm 15 năm giải phóng và bảo vệ Quảng Trị (1972-1987) tôi may mắn được hành hương trở lại thăm Quảng Trị, thăm Thành Cổ, thăm dòng sông Thạch Hãn, Vĩnh Định thân thương. Ôi biết bao xúc động và cảm nghĩ xốn xang. Dọc đường dẫn vào thị xã Quảng Trị, chúng tôi dừng lại bên vài ba nghĩa trang liệt sĩ đơn sơ của xóm làng, phủ đầy cát cỏ cây chen đá, lá chen... phần mộ.

Hàng ngàn chiến sĩ đã yên nghỉ tại đây, có đủ các anh ở sư đoàn 325, 320, 304, 308, đủ các quê hương miền Bắc, từ Thanh Nghệ Tĩnh đến châu thổ sông Hồng, trung du đồi cọ... Chúng tôi cùng đoàn cơ quan Bộ Quốc phòng, đoàn quân dân chính đảng Bình Trị Thiên thắp nén nhang trước từng mộ chí, lặng lẽ cúi chào mặc niệm các anh với bao tình cảm dạt dào, nhớ lại những ngày gian khổ ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị vừa qua.

“Các anh quê hương miền Bắc
Đủ mặt Binh đoàn hiển hách chiến công
Vào đây Thành cổ xung phong
Nằm lại bên xóm, hàng thông rì rào

Gọi là chút ít viếng chào
Thắp nén hương, đặt vòng hoa nghĩa tình
Chúc anh nằm nghỉ yên bình
Phù hộ lớp lớp... sẽ hết mình vì dân”.


Quang Tri - Thanh co

Nhận xét