Lá thư trong bảo tàng Thành cổ

Quang Tri - Hanh trang nguoi linh


Đây là lá thư trưng bầy trong bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Đọc để thấy lịch sử viết bằng máu như thế nào…

Quảng Trị, ngày 11/9/1972

Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau, giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống…Trời ơi, hỡi trời! Con của mẹ đã đi xa, để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì… Thôi nhé, mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc mai sau!

Em yêu thương! Mọi lá thư đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ, chúng ta đã sống với nhau chẳng được là bao, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Song đối với em chưa được hưởng điều diễm phúc ấy thì đã phải xa anh rồi. Thật là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu: biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh… thì em ơi, hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em. Chỉ mong rằng em khoẻ, yêu đời…

Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em hãy làm theo lời anh căn dặn: Hằng năm, cứ đến ngày này, em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn khi em nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện, hãy cứ “đi bước nữa”, vì em còn trẻ lắm. Theo anh thì nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều là em đối đãi với mẹ và anh chị em trong gia đình như khi anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao, ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời, em hãy làm đúng nghi lễ của người con dâu của gia đình. Thế nhé, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em.

Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh lại làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa, là ngày đề ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.

Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống hoà bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hoà bình, có điều kiện hãy vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm về “Nham Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lắm rồi.

Anh chị kính mến! Anh em liền khúc ruột mềm, mà giờ đây đã phải mãi mãi xa anh. Ra đi mong anh chị khoẻ mạnh, trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm. Kể gì đây cho anh chị đỡ buồn? Song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả. Anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu, đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình. Đối với Xơ, anh chị nên động viên, em nó còn trẻ lắm. Hoà bình nếu có điều kiện vào thị xã Quảng Trị, sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã dặn trên. Thôi nhé, chào anh chị ở lại. Hồn em mãi mãi bên anh chị!

Trương cháu mến thương! Giờ đây còn bé, song sau này cháu sẽ là trưởng gia. Giờ đây phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hoà bình hãy luôn nhớ tới người chú ruột của cháu đã hy sinh. Khi trưởng thành, hằng năm cứ đến ngày này, hãy tưởng nhớ tới linh hồn của chú. Đặc tính của chú là thích ăn thịt gà, chuối và xôi lắm đấy. Thôi nhé, hãy làm tròn nghĩa vụ của người cháu đích tôn đối với chú!

Thầy mẹ kính mến! Trước lúc đi xa con có mấy điều mong thầy mẹ làm theo lời con mong muốn. Thầy mẹ ạ, con rất hiểu thầy mẹ buồn nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình. Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều, mạnh khoẻ cho đời mãi kéo dài, đón mừng ngày thống nhất.

Thầy mẹ ạ! Chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu nay đã…chắc em nó buồn lắm. Thầy mẹ động viên em thay con. Theo con, đời em còn trẻ lắm. Nếu ai người ta thông cảm, thì mẹ động viên em nó nên đi thêm bước nữa. Cứ ngày này thầy mẹ hãy nhớ tới con. Thôi tất cả những gì đã qua là vào dĩ vãng. Ra đi, con mong thầy mẹ khoẻ, sống lâu mãi mãi. Cho con gửi lời chào bá, các cậu, các mợ, chị Lộc và toàn thể họ hàng thân thuộc.

Em yêu thương! Nhận tin này em hãy báo tin cho người bạn của anh, mà ngày nào đã có dịp về chơi.

Địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, xóm Chính, thôn Hoằng Trì, xã Hoằng Thăng, Hoằng Hoá, Thanh Hoá.

Nội dung: H đã hy sinh ngày 2-1-73 (tức ngày 28-11 âm lịch).

Thôi con đi đ
ây. Chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương!


Con của gia đình: Huỳnh.


Tác giả bức thư trên có tên đầy đủ là Lê Văn Huỳnh. Anh sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê lúa Thái Bình; có ông nội và cha đều bị thực dân Pháp sát hại. Đang là sinh viên năm thứ tư trường Đại học Xây dựng Hà nội, tháng 5-1972, Huỳnh tình nguyện đi bộ đội và xung phong vào chiến trường; đúng thời điểm Quảng Trị đang diễn ra những trận đánh ác liệt và đẫm máu nhất.

Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm oanh liệt, đầy bão lửa của quân và dân ta đã làm rung chuyển cả thế giới. Để giành được chiến thắng vẻ vang, đã có gần một vạn chiến sĩ ưu tú nhất của chúng ta hy sinh. Trung bình mỗi đêm lại có thêm một đại đội bộ đội (khoảng trên 100 người) vượt sông Thạch Hãn để vào Thành cổ. Và họ lần lượt ngã xuống, rất ít người còn sống sót trở về.

Đầu tháng 9-1972, Lê Văn Huỳnh được lệnh: đưa hàng qua sông Thạch Hãn. Anh hiểu rằng “đã sắp đến lượt mình”. Đó sẽ là một chuyến đi xa, rất xa không hẹn ngày trở lại! Anh đã bình thản tự làm một tấm tôn thay bia mộ cho mình: trên đó khắc đủ cả họ tên, quê quán, năm sinh…rồi xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay, viết sẵn bức thư cho gia đình, dặn dò kĩ lưỡng từng người: với mẹ già, với người vợ trẻ, với anh chị, với bố mẹ vợ và cả đứa cháu trai bé bỏng sau này sẽ lo việc thờ cúng hương khói cho mình…Tình cảm bao trùm lên cả bức thư ấy là sự khát khao sống và tình yêu thương vô bờ bến dành cho những người thân trước giờ phút biệt ly.

Điều khiến người đọc không khỏi kinh ngạc là bức thư trên đã được Lê Văn Huỳnh viết ra bằng một sự tiên cảm kì lạ về cái chết của mình. Tất cả những gì anh viết trong thư trước khi hy sinh đều chính xác như một nhà tiên tri! Làm sao anh biết chắc ngôi mộ của mình sẽ được đồng đội chôn cất đúng ở thôn Nhan Biều 1, trong khi mặt trận rộng lớn như thế? Để rồi hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết đường đi cho vợ mình, đợi ngày thống nhất thì vào mang hài cốt về quê?...Cuộc sống vốn kì diệu như thế! Có nhiều điều ta chưa giải thích được.

(Nguồn trích dẫn: Những lá thư thời chiến Việt nam 1 – biên tập Đặng Vương Hưng)

Nhận xét