Đồng Đội


Quảng Trị - sông Thạch Hãn


Song Thach han


Nói đôi khi cũng cần như ăn hay như thở vậy. Tôi đã nghiệm ra điều đó. Nhất là khi những tâm sự chất chứa trong lòng cứ mãi đè nặng, không tìm được lối giải thoát, hoặc nguy hiểm hơn khi chúng sưng tấy lên và có thể gây nhiễm trùng.

Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi vừa rồi có một người lính già. Không biết tuổi của anh, đành gọi là già vì chắc chắn anh hơn tôi nhiều tuổi, mà tôi lại không còn trẻ. So với những người đàn ông lứa tuổi ấy, nếu có khác thì anh khác họ ở vóc người nhỏ bé, gầy guộc, và mái tóc đã bạc gần hết. Tôi không quen anh trước đó, nhưng dần dần qua những mẩu thoại tôi biết anh đã đi hết cuộc chiến tranh vừa qua.

Tôi nhận thấy một điều lạ là tuy không phải là người dễ làm quen, nhưng anh lại dễ thổ lộ. Nhiều lúc những mẩu chuyện của anh không ăn nhập vào câu chuyện chung của mọi người. Nó bật dậy từ đâu đó trong kí ức xa xôi, làm những người đối thoại bối rối. Kí ức chiến tranh. Đang nói về rượu, tự dưng anh lại chuyển qua chuyện phẫu thuật thương binh, chuyện lính Việt cộng chế tạo đèn hay bật lửa từ những vỏ đạn của Mĩ…Không gian, thời gian đảo lộn liên tục đến mức những người xung quanh không hiểu, nản nghe. Anh kể ở bất kì đâu: giữa tiếng nhạc trong xe máy lạnh, giữa tiếng cụng ly lách cách bên bàn ăn, tiếng mái chèo gõ mạn thuyền đuổi cá trên sông. Anh như không để ý đến những cái ngáp dài tế nhị sau bàn tay che miệng, những ánh mắt bối rối lảng dần, những lời mào chuyển để tài của người đối thoại. Anh kể, như có một nhu cầu cần kể .

Vì anh lớn tuổi nhất đoàn, nên khi đến những nơi linh thiêng như thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn hay ngã ba Đồng Lộc bao giờ mọi người cũng mời anh lên dâng hoa, thắp hương tưởng niệm. Anh chắp tay đứng đó, nghiêm trang, kính cẩn thầm thì với đồng đội. Anh nói gì – tôi không rõ. Duy chỉ có hai lần tôi nghe được lời anh.

Trưa hôm ấy, chúng tôi vào Thành cổ Quảng Trị. Thắp hương tưởng niệm trên tượng đài nấm mồ chung và thăm bảo tàng xong, mọi người ra xe. Trưa Quảng Trị nắng gắt. Mọi người leo hết lên xe máy lạnh ngồi. Vì có anh trai nằm lại đâu đây bên bờ sông Thạch Hãn nên chúng tôi xin phép mọi người chờ một lát để xuống sông thả hoa. Anh là người duy nhất đi cùng bốn chị em tôi. May mắn làm sao, dưới bờ sông có sẵn thuyền và một người dân, chúng tôi nhờ chở ra sông. Nắng. Dòng Thạch Hãn trong xanh, gợn những con sóng nhẹ. Chúng tôi im lặng thả hoa. Những bông cúc trắng lênh đênh trôi. Yên lặng, chỉ có tiếng mái chèo khua nước nhẹ nhàng. Mặt sông bỗng vang lên tiếng anh, khẽ khàng nhưng rõ mồn một: “Bạn đây!... Bạn đây mà!... Bạn đến thăm đây!... Nhận ra bạn không?... Tiền này để mua quần áo nhé!...” Không có sóng sao thuyền bỗng chòng chành. Tôi bám chặt vào mạn thuyền. Thuyền chòng chành hay lòng tôi chao đảo? Rõ ràng lắm, tôi vừa thấy những bức ảnh trong nhà bảo tàng. Bức ảnh chụp những người lính trẻ ở trần vượt sông, thân thể ngời sáng sức trai trên nền bức ảnh đen trắng. Rõ ràng lắm, lời cô gái hướng dẫn thăm quan: “Rất nhiều, rất nhiều chiến sỹ của chúng ta hy sinh khi vượt sông. Vì đuối sức, vì bom đạn, vì mưa lũ. Các anh trôi về phía biển. Không có nấm mồ nào cho các anh. Chỉ có dòng Thạch Hãn…”. Tôi bám chặt vào mạn thuyền, rưng rưng những bông hoa trôi về phía biển.

Sau lần ấy tôi để ý hơn đến những điều anh nói. Trên đường về, qua Đông Hà chúng tôi rời đường Một, chạy theo đường Hồ Chí Minh rẽ vào viếng nghĩa trang Trường Sơn. Rừng bạt ngàn xanh. Bạt ngàn bia mộ. Tôi thấy anh trầm ngâm đi giữa những hàng bia, cẩn trọng cắm những nén hương xuống từng ngôi mộ, ngó vào những dòng tên như ngắm những mặt người. Dáng anh gập xuống. Khói hương bảng lảng biếc. Thoảng trong gió tiếng chuông. Cây lá run rẩy. Trước khi ra về anh đốt vàng cho đồng đội. Anh bảo: “Bạn về đây! Gửi chỗ này để lấy tiền tầu xe về nhà nhé!”

Xe chạy sâu vào đường Hồ Chí Minh, có đoạn sát biên giới Lào. Xung quanh chỉ có rừng và núi. Núi cao và rừng âm u. Cậu lái xe bảo hợp đồng đã kí thì phải thực hiện, chứ không hề muốn chạy đường này. Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy con đường mới mở, phẳng và hoàn toàn vắng. Nhưng càng chạy tôi thấy cậu lái xe có lý. Không bản làng, không bóng người, không xe ngược chiều. Nếu chẳng may gặp đường sạt lở, chiếc xe kềnh càng này khó tìm được chỗ quay đầu, mà quay được thì phải chạy mấy trăm cây mới có lối rẽ. Rủi hơn bị hỏng xe giữa đường thì cầm chắc khả năng kẹt lại. Tìm đâu ra sự giúp đỡ giữa núi rừng âm u, khi điện thoại di động mất sóng ở độ cao như thế này.

Tôi chợt hiểu và ngoái lại nhìn anh. Anh nhìn con đường về trước mặt, hun hút, vòng vèo giữa núi rừng. Bỗng thấy tiếc vì những lúc thờ ơ nghe câu chuyện của anh.

Nói ra đôi khi trở thành một như cầu như ăn, như thở. Có phải trong chuyến đi vừa rồi anh đã kể thay phần những người không được kể.


Nghia trang Truong Son


Nghĩa trang Trường Sơn


Rat_Hue71
 at 08/24/2012 09:10 pm comment
Tôi chợt hiểu và ngoái lại nhìn anh. Anh nhìn con đường về trước mặt, hun hút, vòng vèo giữa núi rừng. Bỗng thấy tiếc vì những lúc thờ ơ nghe câu chuyện của anh. Nói ra đôi khi trở thành một như cầu như ăn, như thở. Có phải trong chuyến đi vừa rồi anh đã kể thay phần những người không được kể. Một cái nhìn tinh tế, cách kể chuyện lôi cuốn đưa người đọc đến với những gì thật nhất của cuộc hành trình. Anh viết rất hay, rất xúc động.
Trần Thành Nhân at 08/24/2012 09:48 pm reply
799 bài có thể bỏ qua vì đó là những tranh ảnh sưu tầm [img]5[/img]
Rat_Hue71 at 08/24/2012 09:44 pm reply
Vậy thì em phải bắt đầu từ bài đầu tiên rồi, nhưng không biết anh đã viết bao nhiêu trang rồi nhỉ? Anh đã post 800 bài. Em sẽ đọc lần lần để không phải hỏi anh vì hỏi anh anh cũng không trả lời mà , [img]10[/img]
Trần Thành Nhân at 08/24/2012 09:37 pm reply
Nếu em đọc blog của anh theo kiểu từ những bài viết cũ nhất dẫn về hiện tại thì nhiều câu hỏi em sẽ không cần hỏi anh đâu.


Nhận xét