Sông Hương


Hue - song Huong


Mỗi năm đi Huế ba lần với một lịch trình gần như cố đinh: 15h hết ca sáng, lao vội về nhà, vơ quần áo nhét vào ba lô rồi phi ra Nội Bài đáp chuyến bay Hà nội - Huế cuối cùng. 21:30h về đến khách sạn, tắm xong ra phố kiếm bữa tối. 8:00h sáng hôm sau bắt đầu cày cuốc. Ba ngày làm việc kết thúc. Sáng ngày thứ 4 dậy lúc 6:00h, ăn sáng rồi đón xe ra Phú Bài bay về Hà nội. 11:00h về tới nhà. 15:00 h lại bắt đầu ca chiều. Đồng nghiệp gọi những chuyến đi ấy là chạy show dự án. Và Huế chỉ là quãng thời gian đánh dấu bằng điểm đến và đi: Phú Bài. Vì thế Huế vẫn là Huế kín đáo và lôi cuốn.
Mỗi ngày ở Huế thực hiện đúng một nhật trình: 6:00h dậy, sang phở Nam Định ăn sáng, qua café Thượng Uyển uống trà, đọc báo trước giờ đi làm. Quán thưa thớt cây xanh không giống vườn vua nhưng thấy đẹp. Nhạc Trịnh thuộc lòng trình tự: hết Tuấn Ngọc tới lượt Quang Dũng, vẫn thấy hay. 8:00h bắt đầu công việc. Trưa nào cũng ăn hai món: bánh cuốn và nem lụi, nhưng không thấy chán. Rồi kết thúc ngày làm việc lúc 17:00h.

Hết việc cũng là lúc Đại Nội và các lăng tẩm đóng cửa. Chưa lần nào thực hiện được lời tư vấn của mấy đứa sinh viên: thuê một chiếc xe ôm, chạy vòng vèo qua các đường làng đi thăm lăng tẩm. Đến với Huế bằng nhịp sống gấp gáp nên chỉ biết Huế có sông Hương.

Không nhớ lần thứ bao nhiêu đi bộ từ bến thuyền gần La Residence, dọc bờ sông xuống tận bến thuyền Toà Khâm. Sông Hương chiều thật đẹp. Nắng không chói gắt tầm nhìn, là là dưới chân, vàng mướt bờ cỏ xoài về mép nước. Mặt sông phẳng lạ kì. Sóng lan sau những con đò chở cái nhìn sang bờ bên kia, xanh mát bóng chiều với Phú Văn Lâu và Đại Nội. Đi bên sông Hương một mình thích hơn đi cùng người khác. Có lẽ thế nên mấy đứa rủ nhau, nhưng lại chẳng đi chung, mỗi đứa một quãng, im lặng nghênh nghênh ngó ngó.

Dọc vườn tượng, qua Đồng Khánh, Quốc Học, Văn Bia, bỏ cầu Phú Xuân, Tràng Tiền, đến bến thuyền đông dân ngoại quốc lục tục kéo nhau xuống sông nghe ca Huế là thấy hết Huế, thấy đói bụng. Cả lũ dắt nhau sang quán không tên dưới chân cầu Tràng Tiền ăn tối, hôm nào mỏi chân kiếm một bàn sát mép nước trên nhà hàng nổi, vừa ăn vừa ngắm dập dềnh đèn hoa đăng.

Đồng nghiệp Huế tự hào tuyên bố sông Hương là một trong năm con sông đẹp nhất thế giới, như sông Seine của nước Pháp. Không biết có thống kê nào xác nhận điều đó không, nhưng quả thật Hương Giang đẹp. So sánh vậy chắc ở khía cạnh sự nổi tiếng của hai cái tên, chứ không phải ở thần thái của dòng sông. Nhớ lần đến Paris, bỏ đoàn, chạy bộ qua Mason de Vietnam ra ngắm sông Seine. Đẹp. Quá đẹp! Dòng sông kè đá in bóng những cây cầu cổ kính mà bất cứ ai cũng phải nghiêng mình trước kiến trúc của nó. Notre dame với những vòm mái gô tích bí hiểm như thời thằng gù nằm giữa dòng sông. Những hàng cây ven sông. Những kiosque sách tựa lưng vào bờ đá, đầy ắp những cuốn sách cũ, những cuốn sách thông thái của nhân loại. Tất cả toát lên một vẻ đẹp trí tuệ, một vẻ đẹp làm mọi người kính nể. Sông Hương đẹp khác. Một vẻ đẹp tự nhiên, thư thái, thanh lọc tâm hồn. Đẹp không làm người khác ngợp, không làm người khác tự ti. 

Ngắm sông Hương dưới chân cầu Tràng Tiền chưa đủ, dù đã căng bụng bởi bữa tối cộng thêm chè hẻm, cả lũ lại kéo nhau chạy qua Đập Đá lên Vĩ Dạ Xưa, nằng nặc đòi một bàn sát bờ sông. Vài Dũng Sỹ trà đặt cạnh Nhan Sắc trà nghe người Huế đọc thơ Hàn Mặc Tử. Rồi câu chuyện lại quay về đề tài sông Hưong và lối sống khép kín của Huế. Lạ lùng một dòng sông, phẳng như không trôi. Lạ lùng một thành phố, mở cửa cho du lịch mà lại khép kín tâm hồn. Đồng nghiệp Huế bảo trông vậy thôi nhưng dòng chảy ngầm Hương Giang xiết lắm, thử đến chứng kiến mùa lũ ở Huế xem, ngập phăng tầng một của Morin. Huế khuôn phép, kiềm tỏa vậy thôi nhưng thử đọc Nhã Ca hay Nguyễn Thị Hoàng xem. Không biết. Nhưng giờ ngồi đây, trong không gian đậm Huế trong kiến trúc, trong bài trí, trong âm nhạc, nhìn những cô bé phục vụ tha thướt trong áo dài Huế, dạ thưa ngọt lịm vẫn không muốn đồng ý với bạn. Muốn nghĩ về Huế như thế. Muốn thấy Huế như thế.

Mỗi năm ba lần đến. Nhưng Huế vẫn chỉ là cuộc chạy show bắt đầu và kết thúc trong phòng chờ của Nội Bài và Phú Bài. Vì thế Huế vẫn kín đáo, vẫn quyến rũ.
Rat_Hue71 at 07/03/2012 10:27 pm comment
Một bài viết hay, sâu sắc, lắng đọng bởi cái tâm của người viết. Rất_Huế thích nhất hai đoạn văn ngắn này : ... Sóng lan sau những con đò chở cái nhìn sang bờ bên kia; Sông Hương đẹp khác. Một vẻ đẹp tự nhiên, thư thái, thanh lọc tâm hồn. Đẹp không làm người khác ngợp, không làm người khác tự ti. ... RH thấy anh có 1 cái nhìn về sông Hương rất khác, rất lạ, và rất hay dù là anh không có nhiều thời gian để ngắm, để mơn man trên từng vạt cỏ, để xem thảm cỏ dọc bờ sông xanh mướt mượt mà và mềm mại đến đâu. Hy vọng lần nào có chuyến công tác vào Huế, anh đến quán cafe Cây Si, ngồi ở đó anh sẽ nhìn thấy một sông Hương đẹp khác nữa.
Rat_Hue71 at 07/03/2012 11:24 pm reply
Rất_Huế cũng không biết nữa, vì cũng đã khá lâu chưa đi lại mấy lăng này. Nhưng Huế luôn mở rộng vòng tay để chào đón mọi người, nhất là những người yêu Huế... như anh, [img]3[/img]
Trần Thành Nhân at 07/03/2012 11:08 pm reply
Woh, vậy là nhờ RH tôi biết sông Hương có thêm cầu mới. Bao giờ có dịp trở lại Huế tôi sẽ đi thăm vài nơi chưa đến như lăng Đồng Khánh hay Thiệu Trị. Có phải bây giờ đã mở cửa đón khách không?
Rat_Hue71 at 07/03/2012 10:55 pm reply
Không sao đâu ạ. Cafe Cây Si cũng đã có từ rất lâu rồi, nên anh yên tâm là lúc nào anh trở lại Huế thì quán đó vẫn chào đón anh. Nhưng nếu 5 hay 10 năm sau nữa, không có Cây Si thì cũng đã có chiếc cầu mới bắt qua Sông Hương ở cạnh Cầu Bạch Thổ, anh tha hồ mà ngắm sông Hương. [img]1[/img]
Trần Thành Nhân at 07/03/2012 10:46 pm reply
Cám ơn RH đã chỉ chỗ, nhưng không biết bao giờ mới trở lại Huế vì bây giờ tôi đã chuyển công tác và dự án tham gia cũng đã kết thúc.
Rat_Hue71 at 07/03/2012 10:33 pm reply
Ở bên khách sạn Morin, nhưng là ở phía trên, gần ở trường Quốc Học đó ạ.
Trần Thành Nhân at 07/03/2012 10:30 pm reply
Cafe Cây Si ở bờ nào. Bên thành nội hay bên KS Morin?

Nhận xét