Quảng Trị - Những giờ tìm anh (phần cuối)


Trip to Quang Tri (153)

Sáng 8/9 chúng tôi dậy sớm, lót dạ bằng đồ khô mang theo rồi tranh thủ ra Bến Thả Hoa trên đường đi mua nước ống và thuốc lá cho các chiến sĩ đội tìm kiếm. Một quả mìn bên hàng rào ngoài cổng nhà khách, cạnh cây hương. Chúng tôi nhận thấy nhiều ngôi nhà trong thị xã dựng những cây hương như thế trước cửa. Mảnh đất này quá nhiều vong lang thang.

Trip to Quang Tri (154)

Sông Thạch Hãn. Trời xanh, mây trắng, dòng nước trong vắt. Bến Vượt phía xa bên bờ Bắc. Tên bến chỉ nơi các anh vượt qua sông vào chiến đấu trong thành cổ. Vị trí Bến Vượt ngày nay nằm trên trục thẳng cổng phía Tây thành cổ Quảng Trị mang tính chất tượng trưng.

Trip to Quang Tri (155)

Theo các anh thực tế nơi vượt sông chếch về phía thượng lưu, chỗ cây cầu sắt dẫn vào thị xã. Lính trẻ, có cả những người không biết bơi, ôm quân tư trang bọc trong túi ni lông, thả người trôi theo dòng nước để sang bờ bên kia. Đoạn đường vòng cuối bức ảnh là khu chợ thị xã, lúc ngang qua ai đó bảo việc buôn bán ở đây hay bị người âm cướp phá.

Trip to Quang Tri (157)

Dưới nắng sớm mặt sông gợn nhẹ những vệt sóng ưu tư.

Trip to Quang Tri (156)

Đường ven sông tập trung nhiều quán café. Buổi sáng quán khá vắng khách.

Trip to Quang Tri (158)

Dễ dàng nhận thấy một đặc điểm: cây bồ đề, biểu tượng của nhà Phật, được trồng nhiều trong thị xã. Nơi đây mỗi gốc bồ đề như một chốn nương náu, chở che, bao bọc, vỗ về linh hồn người chết, bảo vệ người sống khỏi những tai ương, quấy nhiễu.

Trip to Quang Tri (159)

Chúng tôi đi về phía Bến Thả Hoa. Lễ hội thả hoa trên dòng Thạch Hãn xuất phát từ ám ảnh khôn nguôi về cái chết của đồng đội trên dòng sông trong tâm trí người sống sót trở về. Hành động tưởng nhớ đồng đội của anh Lê Bá Dương được nhân rộng và đã trở thành một lễ hội. “Đêm Hoa Đăng” được tổ chức thường xuyên vào tối 14 âm lịch hàng tháng và các ngày lễ lớn của đất nước.

Trip to Quang Tri (161)

Để xuống bến chúng tôi đi qua Nhà Hành Lễ, nơi tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trên mảnh đất Quảng Trị.

Trip to Quang Tri (164)

Trên ban thờ chủ tịch Hồ Chí Minh là dòng chữ KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO

Trip to Quang Tri (163)

Trên ban thờ các liệt sĩ là bức phù điêu Đài tưởng niệm với hình dáng một ngôi mộ khổng lồ.

Trip to Quang Tri (166)

Thành kính nhớ đến các anh

Trip to Quang Tri (181)

"Đáy sông còn đó bạn tôi nằm" ... Bức bình phong với những dòng thơ của Lê Bá Dương. Cũng những dòng thơ này nhưng ở bến Thả Hoa bờ Bắc người ta khắc khác

Trip to Quang Tri (167)

Những bậc thềm rồng dẫn xuống hành lang Bến Thả Hoa

Trip to Quang Tri (168)

Trong hành lang

Trip to Quang Tri (169)

Tiếp tục những bậc thềm rồng dẫn từ hành lang xuống mép nước.

Trip to Quang Tri (180)

Đoạn sông phía thượng lưu...

Trip to Quang Tri (177)

... nhìn từ chính giữa Bến Thả Hoa

Trip to Quang Tri (178)

Bức Panorama cho hình dung toàn cảnh hai bên người chụp

Trip to Quang Tri (173)

Bến Vượt bên bờ Bắc nhìn từ chính giữa Bến Thả Hoa bờ Nam

Trip to Quang Tri (174)

Đôi rồng đầu đội bát hương chuyển động ngược lên từ phía sông lên. Linh hồn những người chết trên sông đi lên theo lối này?

Trip to Quang Tri (165)

Chúng tôi rời Nhà Hành Lễ đi về phía sân khấu bán nguyệt trên Quảng trường Giải Phóng. Phía đằng kia là Tháp chuông tưởng niệm các liệt sĩ Thành cổ. 

Trip to Quang Tri (182)

Hồ nước trồng hoa súng chạy vòng xung quanh. Nghe nói dưới thời Pháp thuộc khu vực này có Toà Công Sứ, sau 1954 là nơi ở và làm việc của viên Tỉnh Trưởng nên được gọi là Dinh Tỉnh Trưởng. Trong trận chiến 81 ngày đêm, căn hầm dưới tòa nhà đổ nát của Dinh Tỉnh Trưởng là nơi đặt sở chỉ huy của bộ đội miền Bắc, đồng thời cũng là nơi đặt trạm phẫu thuật tiền phương, chuyển tiếp thương binh sang bờ Bắc. Tối ngày 16/9/1972, khi bộ đội được lệnh rút ra khỏi thị xã, một bộ phận thương binh vẫn bị kẹt dưới những căn hầm của trạm phẫu thuật này. Sau khi quân đội VNCH chiếm lại được thị xã khu vực này đã bị san bằng chôn vùi trong lòng đất hàng trăm thi thể những người lính.

Trip to Quang Tri (183)

Những bông súng rực rỡ

Trip to Quang Tri (184)

Dãy phố bên quảng trường

Trip to Quang Tri (185)

Tháp chuông do một ngân hàng tài trợ kinh phí xây dựng. Nghe nói nó chuông kêu một lần duy nhất khi khánh thành, sau đó nó im tịt, sau nhiều lần sửa chữa nó chỉ phát ra những âm thanh như than khóc, người ta nói quá nhiều linh hồn không siêu thoát ám vào quả chuông (đọc ở đây)

Trip to Quang Tri (187)

Hoa mẫu đơn được trồng nhiều quanh đây.

Trip to Quang Tri (199)

Trong lúc chị dâu và cháu gái đi mua đồ anh em tôi tranh thủ ghé cổng thành phía Tây

Trip to Quang Tri (200)

Đường Minh Mạng với những ngôi nhà lấp trong bóng cây

Trip to Quang Tri (198)

Hào nước bên phải với tấm biển Hồ nuôi cá - Cấm đánh bắt

Trip to Quang Tri (188)

Hào nước bên trái trồng đầy sen.

Trip to Quang Tri (189)

Sen trắng cổng thành phía Nam đã tàn lụi, thì sen hồng nơi đây vẫn rực rỡ.

Trip to Quang Tri (190)

Cổng thành phía Tây bị rào kín.

Trip to Quang Tri (196)

Bức tường đổ nát.

Trip to Quang Tri (194)

Chúng tôi lách vào bên trong qua lối hẹp.

Trip to Quang Tri (193)

Con đường dẫn cái nhìn thẳng ra Bến Thả Hoa phía bờ sông.

Trip to Quang Tri (192)

Bóng anh trai đi về phía Đài Tưởng niệm trong thành

Trip to Quang Tri (201)

8:15 khi chúng tôi đến địa điểm tìm kiếm nhóm xử lý vật liệu nổ đã hoàn thành công việc. Logo Norwegian People's Aid trên vai áo cho biết hoạt động rò phá bom mìn còn sót sau chiến tranh được các tổ chức quốc tế tài trợ.

Trip to Quang Tri (203)

Thiết bị họ sử dụng khá hiện đại.

Trip to Quang Tri (204)

Trip to Quang Tri (210)

Những vật liệu nổ đã được xử lý.

Trip to Quang Tri (209)

Quân số đội tìm kiếm tiếp tục rút xuống. Việc đào bới tập trung quanh khu vực hai gốc dừa bị chặt.

Trip to Quang Tri (208)

Dù không có dấu hiệu khả quan, các chiến sĩ vui vẻ động viên các gia đình. Họ dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng thân nhân các liệt sĩ.

Trip to Quang Tri (212)

Kết quả của nhóm bên khu vườn không có hố bom cũng chẳng lạc quan hơn. Trong ảnh là mảnh bao đựng cát đắp công sự của lính VNCH.

Trip to Quang Tri (211)

Viên đạn và chiếc cúc áo của bộ đội miền Bắc. Chợt nhớ đến lần phải giải quyết việc tấm thẻ Inox của lính Mỹ do nhóm MIA bỏ quên tại khách sạn.

Trip to Quang Tri (206)

Câu chuyện xoay quanh lý do tại sao 5 ngày tìm kiếm không đem lại kết quả. Theo nhận định của người đàn ông này (anh sinh năm 1966, cha là lính VNCH, vườn nhà anh ở phía sau lưng) hài cốt những người lính hy sinh đã được quy tập ra nghĩa trang những năm sau chiến tranh, khi đó anh đã đủ lớn để nhớ rõ sự kiện ấy. Tuy nhiên thông tin trong lời kể của anh (được chỉ huy đội tìm kiếm ghi chép lại) không khớp với những chi tiết mà những người đồng đội đang tham gia tìm kiếm còn nhớ. Theo các anh, còn một khu vực nghi ngờ chưa được tìm kiếm đó là nền căn nhà mới dựng. Các anh nhớ rõ địa hình khu vườn lúc đào hầm cắm chốt, nhớ cả đến tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé sơ sinh mỗi buổi tối vọng ra từ ngôi nhà đó. Cuộc trò chuyện của mọi người giúp tôi hình dung ra cái xóm nhỏ tan hoang vì bom đạn, nơi những người lính miền Bắc dựng hầm cắm chốt bên những người dân bị mắc kẹt. Bom đạn vây, không thể ra sông lấy nước sinh hoạt, những người lính ở trần suốt ngày đêm, bọn trẻ trong xóm thì bẩn thỉu ghẻ lở đầy người.

Trip to Quang Tri (239)

Trong câu chuyện về những ngày tháng ác liệt ấy tôi thường nghe đến địa danh Cửa Việt, nơi hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài khơi yểm trợ cho quân đội VNCH bằng B52 và hải pháo bắn từ biển vào. Tranh thủ quãng thời gian buổi sáng, chúng tôi bắt taxi đi Cửa Việt. Cầu Cửa Việt được khánh thành năm 2010, nối hai huyện huyện Gio Linh (phía trước) và Triệu Phong (phía người chụp).

Trip to Quang Tri (244)

Cảng Cửa Việt nhìn từ trên cầu.

Trip to Quang Tri (245)

Cửa sông thắt lại khi đổ ra biển. Không rõ thực hư nhưng người ta nói hồi chiến tranh hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài khơi thu thập được nhiều thông tin về các đơn vị bộ đội miền Bắc tham chiến nhờ vớt được xác những người lính và quân tư trang của họ trôi từ sông Thạch Hãn ra biển.

Trip to Quang Tri (242)

Ở bìa phải ảnh có thể thấy ngọn đèn biển trên cồn cát xã Triệu An.

Trip to Quang Tri (234)

Thượng nguồn sông Thạch Hãn với dải núi mờ xa.

Trip to Quang Tri (241)

Mênh mang trời nước.

Trip to Quang Tri (232)

Thị trấn Gio Việt ở bìa phải bức ảnh.

Trip to Quang Tri (243)

Huyện Triệu Phong nhìn từ cầu Cửa Việt. Cảng cá Phù Hội dưới chân cầu.

Trip to Quang Tri (240)

Trước khi đến đây, cảnh vật trên đường không mấy gây ấn tượng đối với tôi, trừ việc các địa danh bắt đầu bằng chữ TRIỆU (giống ở Huế gặp nhiều chữ PHÚ). Dường như vùng đất này từ ngàn đời luôn khao khát vượt lên trên những khó khăn để sinh tồn và phát triển.

Trip to Quang Tri (214)

Bãi tắm Cửa Việt

IMG_1901

Không có ai ngoài 4 người gia đình tôi

Trip to Quang Tri (215)

Nắng, gió, cát và tiếng sóng.

Trip to Quang Tri (229)

Hoa muống biển.

Trip to Quang Tri (223)

Bóng cô cháu gái trên bờ biển như một cái que cắm trên cát.

Trip to Quang Tri (226)

Sóng

Trip to Quang Tri (219)

Sóng ngàn đời vẫn thế. Vẫn miệt mài cuốn vào lòng biển những buồn vui đời người.

Trip to Quang Tri (225)

Tôi chợt nhận ra mình muốn đến nơi này để cân bằng lại cảm xúc. Tôi muốn thở.

IMG_1928

Bức hình duy nhất có tôi từ hôm đặt chân đến đây.

Trip to Quang Tri (230)

Quán trưa trên bờ biển. Đàn chuồn chuồn bay thấp. Bàn tính kế hoạch những ngày tới chúng tôi quyết định tôi và cô cháu gái, giảng viên một trường Đại học, sẽ về trước, còn vợ chồng anh trai cả sẽ ở lại cho đến khi kết thúc việc tìm kiếm. Không nói nhưng chúng tôi đã lường trước kết quả cuối cùng của 7 ngày tìm kiếm.

Trip to Quang Tri (251)

Trước khi ra về tôi đến cám ơn những người đồng đội của anh. Nước mắt nghẹn lời. Các anh bảo đừng cám ơn vì những gì các anh làm sẽ không bao giờ đủ cho bạn của mình.

Trip to Quang Tri (246)

Đông Hà. 32 giờ trôi qua từ lúc đoàn tầu đưa tôi đến sân ga này, vậy mà tôi tưởng như nhiều kiếp người đã trải.

New Image

Chiều. Đôi chân mỏi mệt lê bước trên đường ke chờ tầu, thấy xa xôi đường về.

Trip to Quang Tri (250)

Đêm Trung Thu. Xô lắc con tầu trườn về phía trước. Bóng tối làm thời gian trở nên không xác định. Cô cháu gái cắm tai nghe thưởng thức nhạc. Không ngủ nổi, tôi nằm đó, trong tiếng động đơn điệu của con tầu, cảm nhận một nỗi cô đơn đến rùng mình. Sóng 3G chập chờn. Tôi muốn đăng bóng tối ngoài kia lên trang facebook.  Lúc này tôi mong chờ một lời an ủi của ai đó, dẫu chỉ là một cái nhấn nút Like của người xa lạ trên mạng ảo.



Nhận xét

  1. Em phục khả năng quan sát và ghi nhớ của anh quá cơ, từng chi tiết nhỏ như bài thơ có vài chữ khác nhau, phục cả sự tỉ mỉ khi sưu tầm các bài viết liên quan của anh nữa. Thú thật là hơi rờn rợn khi xem ảnh, lời bình về những linh hồn khi đọc bài này anh ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là mục đích đến đây đã điều khiển tất cả các giác quan của anh giương ăng ten lên tiếp nhận thông tin. Hơn nữa, Ipone lưu giữ nhiều thông tin dưới những bức ảnh: không chỉ ngày giờ mà còn địa danh cũng như vị trí của nó trên bản đồ. Sắp xếp theo trình tự anh có thể hình dung lại từng đọan đường mình đi qua… Còn chuyện tâm linh, bao giờ cũng vậy, luôn rờn rờn mà em.

      Xóa
  2. Em đọc và khóc. nhớ mấy câu thơ cuối trong bài thơ "Tìm Anh" mà anh Lợi đã viết về chuyến đi này: "...Em trở về, quê mẹ vời vợi xa/ Tiếng còi tầu vọng từng hồi khắc khoải/ Đọng trong tim em sẽ còn mãi mãi/ Thạch Hãn nơi này nước mắt chảy thành sông"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Comment xúc động của em rất hợp để kết thúc entry này. Cám ơn Quyên về sự chia sẻ.

      Xóa

Đăng nhận xét